Hoạt động của các Phó Thủ tướng Chính phủ

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ tiếp xúc cử tri tại Hà Tĩnh

Trong các ngày 9 đến 12/5, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ cùng 4 ứng viên ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XIV đã tiếp xúc cử tri tại đơn vị bầu cử số 1 của tỉnh Hà Tĩnh theo quy định của pháp luật.

Đơn vị bầu cử số 1 của tỉnh Hà Tĩnh (gồm thành phố Hà Tĩnh, thị xã Kỳ Anh và các huyện Kỳ Anh, Cẩm Xuyên, Hương Khê) có 5 người ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XIV gồm: Ông Trần Hữu Đức, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban điều hành Quỹ Hỗ trợ nông dân tỉnh Hà Tĩnh; ông Trần Đình Gia, Tỉnh ủy viên, Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Hội Nông dân Việt Nam, Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Hà Tĩnh; ông Vương Đình Huệ, Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban cán sự Đảng Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ; ông Nguyễn Sơn (Nguyễn Văn Sơn), Tỉnh ủy viên, Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Sở LĐTB&XH tỉnh Hà Tĩnh và bà Ngô Thị Tâm Tình, Phó Giám đốc Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh Hà Tĩnh.

Qua tiếp xúc với cử tri, 5 người ứng cử bày tỏ nhận thức về vị trí quan trọng của một ĐBQH và Quốc hội, đồng thời trình bày chương trình hành động với cử tri nếu được trúng cử ĐBQH.

Về chương trình hành động của mình, ứng cử viên Trần Hữu Đức cho biết sẽ giữ mối liên hệ với cử tri để ghi nhận ý kiến gửi tới Quốc hội; tham gia phát triển kinh tế tập thể trên địa bàn; tìm cách phát triển tín dụng hỗ trợ sản xuất cho nông dân, các hoạt động của hợp tác xã, tổ sản xuất.

Ông Trần Đình Gia bày tỏ sẽ tiếp tục rèn luyện đạo đức, năng lực công tác để đáp ứng yêu cầu của một ĐBQH; giữ mối liên hệ chặt chẽ với các cơ quan của Quốc hội và địa phương, tham mưu tích cực cho các cấp chính quyền ban hành chính sách nâng cao vai trò, đời sống vật chất và tinh thần của nông dân Việt Nam nói chung và Hà Tĩnh nói riêng.

Ông Nguyễn Sơn với tư cách là người đứng đầu ngành lao động, thương binh và xã hội tỉnh cho biết sẽ tham mưu với lãnh đạo tỉnh thực hiện tốt các chính sách giảm nghèo bền vững; dạy nghề và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực chất lượng cao cho doanh nghiệp; chăm lo cải cách hành chính, phòng chống tham nhũng, lãng phí và phối hợp chặt chẽ với các cơ quan Trung ương, địa phương để triển khai các công trình, dự án hiệu quả trên địa bàn tỉnh.

Bà Ngô Thị Tâm Tình cho biết luôn gắn bó mật thiết với nhân dân, tham gia xây dựng các dự án luật phù hợp với thực tiễn cuộc sống; quan tâm xây dựng các chính sách hỗ trợ cho người yếu thế, người tàn tật, trẻ mồ côi, quan tâm tới việc thúc đẩy thực hiện hiệu quả bình đẳng giới, chống bạo lực gia đình, làm cầu nối giữa tỉnh với Quốc hội và bộ, ngành Trung ương để đáp ứng nhu cầu phát triển của tỉnh Hà Tĩnh trong những năm sắp tới.

Tiếp xúc với cử tri, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho biết sẽ ưu tiên thực hiện tốt 5 nội dung. Thứ nhất là tiếp tục tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, kiến thức, kỹ năng để làm tốt nhất vai trò ĐBQH, góp phần cùng với Quốc hội thực hiện hiệu quả 3 chức năng lập pháp, giám sát tối cao và quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước, xứng đáng là cơ quan quyền lực của nhân dân.

Thứ hai, với tư cách là Phó Thủ tướng, ông Vương Đình Huệ sẽ cùng với tập thể Chính phủ thực hiện lời tuyên thệ của Thủ tướng Chính phủ: "Xây dựng một Chính phủ trong sạch, liêm chính, Chính phủ hành động, vì nhân dân, phục vụ nhân dân và doanh nghiệp"; tổ chức thực hiện hiệu quả Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XII với mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm tăng trưởng nhanh hơn, bền vững hơn và tái cơ cấu nền kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng, nhất là các lĩnh vực trọng tâm như tái cơ cấu doanh nghiệp Nhà nước, đầu tư công, nợ công, nợ xấu và hệ thống tài chính, ngân hàng. Đồng thời, đóng góp vào việc tăng cường quốc phòng, an ninh, kiên quyết, kiên trì bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ đất nước; chăm lo thực hiện an sinh xã hội, nâng cao đời sống vật chất tinh thần của nhân dân, nhất là những người có công với cách mạng, đồng bào vùng sâu, vùng xa, nông dân và những người yếu thế. Thứ ba, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ khẳng định sẽ thường xuyên gắn bó với cử tri nơi công tác, nơi cư trú và đặc biệt là cử tri tỉnh Hà Tĩnh, lắng nghe các kiến nghị, đề xuất chính đáng của cử tri để giải quyết các vấn đề đặt ra theo thẩm quyền hoặc đề nghị Quốc hội, các cơ quan chức năng giải quyết theo quy định của pháp luật. Thứ tư, Phó Thủ tướng sẽ phát huy vai trò của người ĐBQH, giữ mối liên hệ mật thiết với các cơ quan của Quốc hội, Chính phủ, cùng với lãnh đạo các cấp của tỉnh, tìm tòi các giải pháp, biện pháp hiệu quả để phát triển kinh tế-xã hội địa phương, đưa Hà Tĩnh trở thành một tỉnh khá của khu vực Bắc Trung Bộ. Thứ năm, Phó Thủ tướng và chính quyền sẽ nỗ lực kêu gọi các nhà đầu tư, nhất là các nhà đầu tư chiến lược tham gia đầu tư các dự án phù hợp với điều kiện tự nhiên, xã hội của Hà Tĩnh, phát huy tối đa lợi thế của địa phương.

Tại Hội nghị tiếp xúc cử tri của 5 ứng viên ĐBQH ở đơn vị bầu cử số 1, các cử tri bày tỏ đánh giá cao quyết tâm của những người ứng cử, đồng thời mong muốn nếu trúng cử, các ĐBQH sẽ thực hiện tốt chương trình hành động, giải quyết tốt các vấn đề cử tri quan tâm như phát triển hạ tầng, phòng, chống tham nhũng, lãng phí, bảo vệ vững chắc chủ quyền, xử lý ô nhiễm môi trường, xây dựng nông thôn mới.

Thay mặt các ứng cử viên tại đơn vị bầu cử số 1 của tỉnh Hà Tĩnh, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cảm ơn các kiến nghị chân thành, tâm huyết của cử tri và khẳng định sẽ nghiêm túc tiếp thu để cùng với Quốc hội, các cơ quan của Chính phủ có quyết sách mạnh mẽ, đáp ứng mong đợi của cử tri Hà Tĩnh.

Trong thời gian ở Hà Tĩnh, GS.TS, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ - người có 23 năm giảng dạy đại học đã tới thăm và nói chuyện với tập thể thầy giáo, sinh viên của Trường Đại học Hà Tĩnh. Tại đây, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ mong muốn tập thể giảng viên, sinh viên tích cực nghiên cứu, học tập, cùng với các cơ quan chuyên môn đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục, đào tạo, cho ra trường những cử nhân đáp ứng nhu cầu nhân lực chất lượng cao của Hà Tĩnh và các tỉnh khác trong vùng. Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cũng nhắn nhủ các sinh viên phải đổi mới, sáng tạo trong học tập, chú trọng tới khởi nghiệp để tạo hành trang vững chắc cho bản thân bước vào đời.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam dự Lễ kỷ niệm 70 năm thành lập Đại học Công đoàn

Ngày 12/5, Đại học Công đoàn tổ chức Lễ kỷ niệm 70 năm thành lập (1946-2016) và đón nhận Huân chương Hồ Chí Minh. Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam dự và phát biểu.

Đại học Công đoàn là một trong số ít cơ sở giáo dục được Bác Hồ về thăm nhiều lần. Chia sẻ với niềm vinh dự, tự hào đó, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đề nghị nhà trường cần nhận thức sâu sắc, đầy đủ trọng trách của một trung tâm đào tạo cán bộ Công đoàn, một trường đại học đa ngành trong hệ thống giáo dục quốc dân.

Theo Phó Thủ tướng, sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong giai đoạn mới đứng trước nhiều cơ hội to lớn, đan xen thách thức. Hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng với những hiệp định, thỏa ước quốc tế thế hệ mới như Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), đặt ra yêu cầu hệ thống Công đoàn phải tiếp tục đổi mới mạnh mẽ.

Phó Thủ tướng nhấn mạnh: Giai cấp công nhân là giai cấp tiên phong. Đại học Công đoàn cần xác định vinh dự và trách nhiệm tiên phong trong đổi mới mô hình theo hướng tự chủ gắn với trách nhiệm giải trình trước xã hội; đổi mới phương thức giảng dạy, nghiên cứu, học tập theo chuẩn mực quốc tế; nêu gương thực hiện nếp sống văn minh, phát triển văn hóa… trong các hoạt động của sinh viên.

"Điều dễ thấy nhất và cũng là điều cần thiết nhất là phấn đấu nâng thứ hạng về chất lượng trong hệ thống các trường đại học, để sinh viên của Trường được các nhà tuyển dụng, được xã hội chào đón và tiếp nhận. Phấn đấu để giảng viên cũng như sinh viên của Trường luôn nhận được sự ngưỡng mộ của đồng nghiệp, của bè bạn…", Phó Thủ tướng nói.

Phó Thủ tướng tin tưởng các thế hệ thầy cô giáo, cán bộ, nhân viên, sinh viên của nhà trường sẽ tiên phong đổi mới, để Đại học Công đoàn tiếp tục phát triển mạnh mẽ, giữ vững vai trò là một trung tâm nghiên cứu lý luận, đào tạo cán bộ Công đoàn, một trường đại học có uy tín, chất lượng, thứ hạng cao trong nước, vươn tới khu vực và thế giới.

Nhân dịp này, thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam trao Huân chương Hồ Chí Minh cho Đại học Công đoàn.

Hiện nay, Đại học Công đoàn có quy mô đào tạo trên 12.000 sinh viên, cả trình độ đại học, thạc sĩ, tiến sĩ. Đội ngũ giảng viên có trình độ sau đại học chiếm trên 90%. Cùng với việc khẩn trương xây dựng cơ sở vật chất tại tỉnh Hưng Yên, nhà trường đang tập trung phát triển một số khoa, ngành, lĩnh vực trọng điểm làm nền tảng để từ năm 2017 từng bước thực hiện cơ chế tự chủ toàn diện.

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng chủ trì Hội nghị trực tuyến tổng kết công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn

Ngày 12/5, tại Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng đã chủ trì Hội nghị trực tuyến tổng kết công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn từ năm 2015 đến nay và triển khai nhiệm vụ thời gian tới.

Tham dự Hội nghị có Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai; Trung tướng Phạm Ngọc Minh, Phó Đô đốc-Phó Tổng tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam; lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương, các thành viên Ban Chỉ đạo Phòng chống lụt bão Trung ương, Ủy ban quốc gia Tìm kiếm cứu nạn. Tại các điểm cầu trực tuyến là lãnh đạo UBND, thành viên Ban chỉ huy Phòng chống lụt bão và Tìm kiếm cứu nạn các tỉnh, thành phố.

Nêu rõ những mặt còn hạn chế, khó khăn trong công tác phòng chống thiên tai, ứng phó với sự cố trong thời gian tới, theo Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng, hạn chế lớn nhất là công tác dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn. Việc quan trắc, dự báo khí tượng thủy văn, nhất là các hiện tượng thiên tai cực đoan như giông lốc, mưa lũ cục bộ vẫn còn khó khăn vì mật độ các trạm quan trắc còn quá thưa, hệ thống quan trắc chưa đồng bộ, công nghệ dự báo còn hạn chế.

Một hạn chế khác là công tác thông tin, tuyên truyền, nâng cao nhận thức, tính tự giác của doanh nghiệp, người dân trong phòng, chống thiên tai, sự cố, tai nạn; việc ứng dụng khoa học-công nghệ cao phục vụ chỉ đạo, ứng phó, hỗ trợ ra quyết định theo thời gian thực còn hạn chế.

Phó Thủ tướng cũng nêu ra những bất cập trong xây dựng cơ sở hạ tầng, việc chuyển dịch cơ cấu sản xuất nông nghiệp, ứng dụng công nghệ tưới tiên tiến, tiết kiệm nước…, hay hạn chế về nguồn kinh phí đầu tư cho công tác phòng ngừa và khắc phục thiên tai.

Để chủ động phòng tránh, ứng phó hiệu quả với thiên tai, hạn chế rủi ro, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tiếp tục ưu tiên các nguồn vốn để thực hiện các chương trình, đề án đã được Thủ tướng phê duyệt như: Bổ sung, nâng cao chất lượng công tác dự báo; củng cố, nâng cấp đê sông, đê biển, bảo đảm an toàn hồ chứa; xây dựng khu neo đậu tàu thuyền, di dời dân cư vùng thiên tai; xây dựng hệ thống trực canh cảnh báo sóng thần, hệ thống giám sát thông tin hồ chứa.

Phó Thủ tướng lưu ý các cơ quan truyền thông, các bộ, ngành, địa phương áp dụng các biện pháp tuyên truyền phù hợp với điều kiện cụ thể của từng địa phương để người dân có thể nắm được thông tin về thiên tai và chủ động phòng ngừa. Bên cạnh đó, cần tiếp tục triển khai có hiệu quả Đề án nâng cao nhận thức cộng đồng và quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng; làm tốt hơn nữa công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của cộng đồng trong phòng, chống, ứng phó với thiên tai, sự cố.

Đối với Ban Chỉ đạo Trung ương phòng chống thiên tai, Phó Thủ tướng đề nghị cần sớm chỉ đạo việc xây dựng các công cụ hỗ trợ điều hành theo thời gian thực khi có tình huống xảy ra, nhất là đối với bão mạnh, siêu bão, lũ lớn, hạn hán, xâm nhập mặn và điều tiết hồ chứa nước.

Ủy ban quốc gia Tìm kiếm cứu nạn chủ trì, phối hợp với các địa phương, cơ quan liên quan tiếp tục rà soát phương tiện, trang thiết bị phục vụ công tác tìm kiếm cứu nạn; bố trí lực lượng, phương tiện tại những khu vực trọng điểm để huy động kịp thời khi có yêu cầu. Xây dựng kế hoạch và triển khai diễn tập cứu hộ, cứu nạn trong các tình huống thiên tai, sự cố nhằm bảo đảm chủ động ứng phó trong mọi tình huống, nhất là đối với những tình huống thiên tai cực đoan.

Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Công Thương chỉ đạo theo dõi, vận hành điều tiết các hồ chứa thủy điện, bảo đảm an toàn công trình và vùng hạ du trong mùa mưa lũ, đồng thời cần phòng, chống hạn hán; chỉ đạo dự trữ hàng hóa, nhu yếu phẩm cần thiết, đặc biệt là lương thực và nước uống, sẵn sàng cung cấp cho vùng bị thiên tai khi có yêu cầu.

Trong thời gian tới, các tỉnh Nam Trung Bộ, Tây Nguyên và Đồng bằng sông Cửu Long cần tiếp tục triển khai tích cực các giải pháp chủ động ứng phó hiệu quả, khắc phục tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn. Các địa phương trên cả nước chuẩn bị sẵn sàng phương án ứng phó với lũ lụt do tác động của La Nina.

Qua thống kê, năm 2015, do ảnh hưởng của hiện tượng El Nino cường độ mạnh, kéo dài nhất trong lịch sử nên tình hình thiên tai diễn biến bất thường. Số trận thiên tai ít hơn so với trung bình nhiều năm nhưng xảy ra nhiều hiện tượng thiên tai cực đoan.

Năm 2015, các vụ cháy nổ, cháy rừng tăng so với năm 2014; tai nạn trên biển, trên sông, sập đổ công trình, hầm lò xảy ra nhiều. Năm 2016, tính đến ngày 15/4, toàn quốc xảy ra 5.016 vụ thiên tai, tai nạn, sự cố (không kể tai nạn giao thông đường bộ).

Văn phòng Chính phủ