Từ sự chủ động chuyển đổi cây trồng đã giúp gia đình anh Nguyễn Ngọc Vui có thu nhập ổn định.
Ông Trần Văn Hùng, Chủ tịch UBND xã Phước Vinh, cho biết: Do ảnh hưởng của thời tiết nắng nóng kéo dài, một số mạch nước ngầm đang dần cạn kiệt. Đặc biệt, mực nước hồ Lanh Ra đang xuống thấp, ảnh hưởng đáng kể tới việc sản xuất của người dân. Trước thực trạng trên, xã đã thông báo sâu rộng đến các thôn về tình hình nước tưới và vận động nông dân chủ động chuyển đổi diện tích trồng lúa không đảm bảo nước tưới sang canh tác cây trồng cạn. Đến nay, toàn xã đã chuyển đổi được hơn 20ha đất lúa sang trồng bắp, đậu xanh, súp lơ, cỏ chăn nuôi.
Với sự tích cực của chính quyền địa phương, bà con đã nâng cao nhận thức, chủ động đưa các giống cây trồng có khả năng chịu hạn vào canh tác thay thế cây lúa, mang lại thu nhập ổn định. Đơn cử như hộ anh Nguyễn Ngọc Vui, thôn Phước An 1, với 3,5 sào đất trồng trọt, nhưng thuộc vùng đất cao, lại ở cuối kênh nên thường xuyên thiếu nước, dẫn đến năng suất đạt thấp. Thay vì “độc canh” cây lúa như trước đây, đầu năm 2015, anh quyết định chuyển sang trồng đậu bắp, nhờ chủ động điều tiết nước hợp lý nên hơn 1 năm nay mỗi lần thu hoạch, trừ đi chi phí, anh thu lãi gần 15 triệu đồng/vụ, cao gấp 2 lần so với trồng lúa. Không chỉ riêng anh Vui, trên địa bàn xã còn có gần 45 hộ có diện tích trồng lúa thiếu nước ở các xứ đồng Trạm bơm 33 thuộc thôn Phước An 1, xứ đồng Nà Nhông thuộc thôn Liên Sơn 2… cũng đã chủ động chuyển đổi diện tích lúa sang trồng cây ngắn ngày. Với cách làm này, không chỉ giúp nông dân địa phương giảm áp lực về sử dụng nguồn nước tưới trong mùa hạn, mà còn nâng cao hiệu quả kinh tế trên một đơn vị diện tích.
Ông Trần Văn Hùng cho biết thêm: Để ứng phó với thời tiết hạn hán như hiện nay, trước mắt trong vụ hè-thu này, xã Phước Vinh sẽ tiếp tục chuyển đổi khoảng 30ha diện tích lúa không chủ động nước tưới sang cây trồng có khả năng chịu hạn. Đồng thời, chú trọng việc liên kết với các doanh nghiệp thực hiện việc bao tiêu sản phẩm cho bà con nông dân.
Hồng Lâm