Sau khi máy gặt đập liên hợp hoàn thành lưỡi cắt cuối cùng và chủ điền chuyển lúa hạt lên bờ, thì chủ máy cày đưa lao động xuống gom rơm chất lên rơ-móc. Chở rơm cung ứng nguồn thức ăn chăn nuôi gia súc trở thành nghề phổ biến trên địa bàn tỉnh ta trong những năm gần đây.
Anh Thiên Sanh Trụ và Lưu Thuận Hải thu gom rơm trên cánh đồng Như Bình.
Anh Thiên Sanh Trụ (thôn Vụ Bổn, xã Phước Ninh, Thuận Nam) cho biết, anh có hơn 10 năm gắn bó với nghề chở rơm cung cấp cho các gia trại chăn nuôi gia súc. Khởi nghiệp từ năm 2005 với chiếc xe cải tiến “cọc cạch” kéo rơ-móc chở rơm từ cánh đồng Vụ Bổn bỏ mối cho các trại chăn nuôi ở Cà Ná, Sơn Hải. Đến đầu năm 2007, anh bỏ ra trên 100 triệu đồng đầu tư mua xe máy cày hiệu Shibaura S-30 A và rơ-móc. Nhờ có máy cày Nhật Bản sức kéo khỏe, ít hao tốn nhiên liệu, giúp anh ngày càng ăn nên làm ra. Hiện nay, anh liên hệ với các chủ điền thu mua rơm tại ruộng với giá 120 ngàn đồng/sào. Mỗi chuyến xe cần có 3 sào ruộng mới đủ rơm chất đầy rơ-móc. Anh Trụ hợp đồng với 3 lao động ở Vụ Bổn theo xe ra đồng gom rơm chất đầy rơ-móc với giá 300 ngàn đồng. Anh vận chuyển rơm đến giao cho các chủ gia trại chăn nuôi gia súc với giá từ 1,1-1,2 triệu đồng/xe, tùy theo cự ly vận chuyển xa gần. Trừ chi phí nhiên liệu, mua rơm, trả công lao động, chủ xe có thu nhập 300 ngàn đồng/chuyến rơm. Mỗi ngày anh Trụ thu gom rơm giao cho khách hàng 2 chuyến/ngày và kéo dài 20-25 ngày trong mỗi vụ gặt lúa. Hết vụ gặt, anh Trụ chuyển sang vận chuyển vật liệu xây dựng và nông sản hàng hóa cho người dân địa phương. Nhờ nghề chở rơm cho gia súc, kết hợp canh tác 1ha ruộng lúa giúp gia đình anh có cuộc sống ổn định, nuôi 5 con ăn học. Trong đó, có một cháu đang học năm thứ 2 khoa Môi trường và Tài nguyên của Trường Đại học Nông Lâm TP. Hồ Chí Minh.
Học tập kinh nghiệm làm ăn của anh Thiên Sanh Trụ, ở thôn Vụ Bổn hiện có trên 20 chiếc máy cày hành nghề chở rơm cho gia súc. Anh Lưu Thuận Hải chia sẻ: Thấy nghề chở rơm cho gia súc làm ăn được, nên mình bán bò và vay thêm vốn ngân hàng vào Long An mua chiếc máy cày với giá 80 triệu đồng thuê xe chở về làng. Xuống Phan Rang đặt thợ làm rơ-móc 45 triệu đồng. Em đưa xe về chạy chở rơm từ vụ lúa mùa 2015 đến nay, vừa bảo đảm cuộc sống gia đình, vừa tạo việc làm cho 2-3 lao động có thu nhập 200-300 ngàn đồng/ngày.
Sơn Ngọc