Thế nhưng, chuyển từ cây lúa sử dụng quá nhiều nước sang cây trồng ít dùng nước tưới trong suốt vụ nhưng cho hiệu quả bằng hoặc cao hơn... lại là “bài toán” khó đối với ngành chức năng liên quan, cả việc lựa chọn giống đến vận động nông dân thay đổi tập quán sản xuất với cây trồng truyền thống cần nhiều nước tưới sang cây trồng cạn sử dụng ít nước ứng phó với hạn hán và phù hợp với điều kiện khí hậu khắc nghiệt của tỉnh, hay nói khác hơn thay đổi bằng nhận thức mới là cần “sống chung với hạn”!.
Nông dân thôn Hậu Sanh (Phước Hữu, Ninh Phước) chuyển đổi đất lúa sang trồng đậu xanh
đem lại giá trị kinh tế cao trong vụ đông xuân 2015- 2016. Ảnh: Sơn Ngọc
Theo kế hoạch, năm nay toàn tỉnh thực hiện chuyển đổi 1.200 ha, trong đó vụ đông - xuân tối thiểu phải thực hiện 1.031ha, trong số này chuyển từ đất lúa 768ha và đất màu 263ha sang cây trồng cạn. Kết quả đã thực hiện trên 1.377ha, vượt 14,75%. Đáng nói là cây đậu xanh được cho là phù hợp với đồng đất ở nhiều địa phương nên được khuyến cáo trồng trên 995 ha, chiếm 72,3% diện tích đã chuyển đổi. Ngoài ra còn có một số cây trồng khác thích ứng với hạn hạn và mùa vụ canh tác của người dân như cỏ chăn nuôi trồng 79,7ha, bắp 80,6ha...
Theo đánh giá của Trung tâm Khuyến nông tỉnh, việc chuyển đổi cây đậu xanh trên đất lúa là cần thiết trong điều kiện khan hiếm nguồn nước tưới và mang lại hiệu quả kinh tế, tăng thu nhập và cải thiện môi trường trong nông nghiệp. Cụ thể là, với chân ruộng lúa thiếu nước tưới ở vụ đông - xuân, thì làm lúa lãi 7 triệu đồng/ha. Trong khi đó cây đậu xanh lãi bình quân 13,6 triệu đồng/ha, gấp đôi so với làm lúa.
Ngoài ra, hiệu quả “kép” là trong điều kiện thiếu nguồn thức ăn cho gia súc nhai lại, việc chuyển đổi trồng cây đậu xanh sẽ thu được lượng phụ phẩm thân, lá cây dùng để làm thức ăn gia súc.
Với giá bán 100 nghìn đồng/sào, người trồng đậu xanh có thể thu thêm 1 triệu đồng/ha. Ngoài ra, đối với một số cây trồng cũng khá thích ứng với hạn hán cây bắp có thể lãi khoảng 7,5 triệu đồng/ha, người trồng bắp còn thu thêm từ nguồn phụ phẩm thân, lá khoảng 1,5 triệu/ha; dưa hấu ước tính sẽ lãi 16 triệu đồng/ha. Riêng cỏ chăn nuôi, đa số người có chăn nuôi mới trồng, nên tự giải quyết được nguồn thức ăn cho chăn nuôi, đặc biệt vào mùa khô.
Rõ ràng, hiệu quả của chuyển đổi cây trồng là thấy rõ, không chỉ giải quyết việc làm, tạo thu nhập cho người dân trong điều kiện hạn hán nặng nề mà còn đem đến hiệu quả về mặt môi trường, đó là góp phần chống hoang mạc hóa đất nông nghiệp do thiếu nước bỏ vụ, không canh tác; đồng thời luân canh trồng cây họ đậu trên đất lúa giúp cải tạo, tăng độ phì cho đất. Mặt khác, còn tiết kiệm lượng nước tưới rất lớn để sử dụng cho nhu cầu sinh hoạt, nước uống cho gia súc và dự trữ cho vụ sản xuất tiếp theo.
Theo dự kiến, sản lượng đậu xanh hạt toàn tỉnh trong vụ đông - xuân này sẽ đạt trên 1.000 tấn, nếu không kết nối chặt chẽ với doanh nghiệp dễ bị tư thương chèn ép giá, gây thiệt hại cho nông dân. Tuy nhiên, điều lo lắng nhất của nông dân về đầu ra sản phẩm đã được giải quyết. Được biết, hiện trên địa bàn huyện Thuận Bắc có doanh nghiệp Hưng Nông Phát, tỉnh Bình Thuận ký hợp đồng và đặt trạm thu mua tại vùng sản xuất để thu mua hạt đậu xanh cho nông dân. Các địa phương còn lại do Công ty Cổ phần Giống cây trồng Nha Hố là đơn vị cung ứng giống cho nông dân sẽ tiếp tục ký kết và bao tiêu sản phẩm...
Hiệu quả là vậy và có thể “đong đếm” được, nhưng trên thực tế đây đó vẫn còn tình trạng nông dân “ngại” chuyển đổi, duy trì canh tác theo tập quán cũ. Đa số nông dân vùng chuyển đổi là người dân tộc thiểu số, nhận thức còn hạn chế, quá trình chuyển đổi cây trồng còn gặp nhiều khó khăn, nhất là tiếp thu tiến bộ kỹ thuật sản xuất mới. Một số bà con vẫn gieo trồng theo tập quán, không tuân thủ quy trình kỹ thuật đã hướng dẫn. Một thực tế khác, đó là đại bộ phận bà con nông dân vùng chuyển đổi cây đậu xanh không có vốn để đầu tư thâm canh cũng như chi phí sinh hoạt hàng ngày, do đó sản phẩm làm ra do tư thương chi phối nên rất khó trong việc liên kết với các doanh nghiệp để tiêu thụ sản phẩm, bảo đảm có lãi cho nông dân...
Vụ hè - thu tới dự kiến toàn tỉnh sẽ dừng sản xuất trên 10.816ha, trong đó lúa 6.123ha, màu 4.693ha do thiếu nước tưới. Để tạo thu nhập cho người dân, trước mắt trong điều kiện khó khăn về nguồn nước cũng như kế hoạch chuyển đổi cây trồng lâu dài, tỉnh ta sẽ chuyển đổi trên 740ha, với đối tượng cây trồng dự kiến chuyển đổi gồm cây đậu xanh, bắp, mè và cây trồng cạn khác.
Vấn đề đặt ra là để thực hiện đạt kết quả cao cần có sự phối hợp đồng bộ giữa đơn vị chức năng với chính quyền địa phương để tuyên truyền, vận động cho người dân hiểu rõ lợi ích của chuyển đổi cây trồng mới gắn với xây dựng các mô hình trình diễn chuyển đổi cây trồng, tưới tiết kiệm nước phù hợp với tình hình hạn hán, nhất là với cây trồng mới như cây mè trên đất lúa, đất màu; phối hợp với các doanh nghiệp cung ứng giống, tiến hành ký kết hợp đồng bao tiêu sản phẩm để giúp cho nông dân an tâm sản xuất; doanh nghiệp phải công khai điều kiện thu mua để đảm bảo lợi ích giữa các bên...Suy cho cùng, điều quan trọng vẫn là cần “nhân rộng” ý thức chuyển đổi cây trồng để “sống chung với hạn” trong nông dân.
TD