Hiệu quả mô hình nuôi bò lai ở thôn Ma Trai

(NTO) Mai Trai là thôn có điều kiện tự nhiên thuận lợi cho phát triển sản xuất nhất xã Phước Chiến (Thuận Bắc). Toàn thôn có 119 hộ với 2.994 khẩu; trong đó, đồng bào Raglai chiếm 98%. Phát huy tiềm năng, lợi thế vùng núi, thời gian qua, xã Phước Chiến đã chọn thôn Mai Trai triển khai các mô hình sản xuất nông nghiệp có hiệu quả, cuộc sống của bà con nhờ đó dần được cải thiện.

Nổi lên là mô hình trồng mía được triển khai thí điểm ban đầu chỉ có 4ha, đến nay sau 5 năm nhân rộng lên gần 40 ha, chiếm 50% tổng diện tích cây mía trên toàn xã. Cùng với đó, mô hình mỳ cao sản với diện tích 100ha đã nâng cao được giá trị đơn vị sản xuất, đạt 30 triệu/ha/năm. Hoạt động sản xuất ở thôn đang hướng tới bền vững nhờ có sự liên kết với doanh nghiệp bao tiêu toàn bộ sản phẩm mía, mỳ với giá ổn định. Bước “đột phá” ở lĩnh vực trồng trọt có tác dụng thúc đẩy chăn nuôi phát triển nhờ tận dụng được lượng lớn phụ phẩm nông nghiệp làm thức ăn cho gia súc. Theo tính toán, hằng năm, nông dân tận dụng được hàng ngàn tấn lá mía, mỳ, bắp, bổ sung nguồn thức ăn đáng kể cho bò, dê, cừu. Hiện tại, tổng đàn gia súc trên địa bàn khoảng hơn 1.000 con; trong đó, bò 300 con, số còn lại là dê, cừu.

 
Bò giống đực do DASU huyện Thuận Bắc hỗ trợ nhóm cùng sở thích nuôi bò thôn Ma Trai được chăm sóc chu đáo ở hộ anh Chamaléa Hai.

Hằng năm, vào mùa hạn hán, các hộ có số lượng đàn gia súc lớn đã tổ chức tách đàn, loại bớt những con suy dinh dưỡng, duy trì những con khỏe mạnh để giảm thiểu thiệt hại. Tuy nhiên, chăn nuôi ở đây vẫn còn bộc lộ nhiều hạn chế, nhất là chưa chọn được giống tốt (chủ yếu giống bò địa phương) chất lượng thịt thấp. Thực trạng giá trị một con bò cỏ các hộ đang nuôi chỉ bằng một nửa tiền so với một con bò lai sind cùng tháng tuổi là tồn tại kéo dài cần được khắc phục.

Hưởng lợi Dự án Hỗ trợ Tam nông, địa phương coi đây là cơ hội để đẩy mạnh áp dụng tiến bộ bộ kỹ thuật vào sản xuất, xóa bỏ tập quán chăn nuôi lạc hậu trước đây, nhất là khâu tuyển chọn giống mới. Ban Phát triển xã sau khi khảo sát điều kiện tự nhiên ở khu vực đã quyết định thành lập Nhóm cùng sở thích nuôi bò thôn Ma Trai. Hoạt động của nhóm tuân thủ mục đích: Không quá chú trọng tăng số lượng để tập trung cho cải tạo, nâng cao chất lượng đàn. 25 thành viên của nhóm có 65 con bò, trước đây chăn thả quản canh, bò tự do giao phối với nhau nên dẫn đến tình trạng trùng huyết, bê con sinh ra còi cọt, khả năng đề kháng dịch bệnh thấp. Sau khi thành lập vào giữa năm 2013, nhóm tổ chức lại hình thức chăn nuôi bằng cách tách từng loại bò chăn thả riêng để có chế độ chăm sóc phù hợp. Ngoài dồn đất trồng cỏ, nhóm tận dụng khu vực lòng hồ Ma Trai và hồ Sông Trâu làm nơi chăn thả quanh năm. Anh Chamaléa Hai, nhóm trưởng, cho biết: Với hình thức chăn nuôi linh hoạt, bò của các thành viên trong nhóm tăng trọng nhanh, suốt 2 năm qua chưa có con nào chết do bị suy dinh dưỡng.

Để tạo điều kiện cho nhóm đạt được mục tiêu đẩy nhanh tỷ lệ bò lai sind, cuối năm 2013, DASU huyện Thuận Bắc hỗ trợ nhóm 2 con bò giống đực. Nhờ có sự chăm sóc chu đáo, bò giống nuôi ở hộ anh Chamaléa Hai phát triển nhanh, có ngoại hình đặc trưng: Đầu to, bắp thịt nở nang, bụng thon, mắt to tròn, năng lực phối giống cao, khi phối trực tiếp tỷ lệ thụ thai đạt 60%. Anh Mấu Văn Lanh, thành viên nhóm cùng sở thích, cho biết: “Bò lai sind một năm tuổi có trọng lượng 150kg, nặng gấp rưỡi so với bò địa phương, thương lái thích mua với giá cao. Thu nhập từ nuôi bò lai, mình có điều kiện xây nhà, sắm sửa các vật dụng trong gia đình”. Không riêng gì anh Lanh, một số hộ khác trong nhóm như Mấu Thị Đanh, Katơr Thị Theo… cuộc sống cũng khá lên nhờ nuôi bò lai. Hoạt động chăn nuôi hiệu quả của nhóm có tác dụng khuyến khích nhiều hộ đầu tư trồng cỏ, xây dựng chuồng trại đảm bảo yêu cầu kỹ thuật nhằm đưa giống bò lai vào nuôi thay thế dần giống bò đã thoái hóa, coi đó là hướng đi thích hợp để xóa nghèo bền vững.