Nghề chế biến hải sản khô ở Thanh Hải

(NTO) Đi đôi với nghề đánh bắt hải sản, nghề chế biến hải sản khô ở xã Thanh Hải (Ninh Hải) được coi là nghề truyền thống, góp phần tạo thu nhập ổn định của người dân vùng biển.

Theo nghề này đã được 15 năm, anh Bùi Văn Tịnh, chủ một cơ sở sản xuất kinh doanh chế biến hải sản khô ở thôn Mỹ Tân 1 cho hay, gia đình có thu nhập và cuộc sống ổn định từ nghề này. Mỗi năm, theo mùa vụ, bắt đầu hoạt động từ tháng 4 và đến khoảng tháng 9 thì nghỉ. Tương tự, bà Đỗ Thị Khánh, chủ cơ sở chế biến hải sản khô cùng thôn, bộc bạch: Khi còn thời con gái, gia đình tôi đã sống với nghề này. Kế thừa nghề của gia đình, tôi làm đến nay gần 15 năm. Vào vụ cá Nam là lúc nghề chế biến hải sản khô ở đây bắt đầu hoạt động.

 
Lò hấp để hấp chín các loại hải sản như: cá nục, cá cơm, tôm…

Anh Đào Quốc Thắng, Phó Chủ tịch UBND xã Thanh Hải, cho biết: Nghề chế biến hải sản khô tại địa phương đã được hình thành gần 20 năm nay gắn với quá trình đánh bắt hải sản của ngư dân. Các cơ sở chế biến nằm hai bên tuyến đường ven biển Vĩnh Hy-Bình Tiên nên rất thuận lợi trong việc thu mua cũng như vận chuyển sản phẩm. Hiện nay, ở địa phương có hơn 80 hộ sản xuất và 26 cơ sở kinh doanh, chế biến hải sản khô, chủ yếu là cá nục, cá cơm, tôm và các loại hải sản khác được hấp chín, đưa ra vỉ phơi khô để thành sản phẩm. Riêng trong năm 2015, sản lượng hải sản khô qua chế biến khoảng 2.600 tấn, tiêu thụ tại các tỉnh khu vực Tây Nguyên: Lâm Đồng, Đắk Lắk, Gia Lai… Một số cơ sở đã xuất khẩu sản phẩm sang Trung Quốc.

“Khi bước vào vụ cá chính, mỗi cơ sở chế biến hải sản nhận từ 100-150 công lao động. Mỗi công lao động làm thường xuyên có thu nhập từ 6-8 triệu đồng/tháng; riêng lao động làm thời vụ được 150-180 ngàn đồng/ngày, góp phần giải quyết việc làm, tạo thu nhập cho người dân nơi đây”-anh Đào Quốc Thắng cho biết thêm.

Để “tiếp sức” cho nghề chế biến hải sản khô ở xã Thanh Hải phát triển, địa phương đã được Sở Công Thương hỗ trợ tập huấn cho các hộ sản xuất và cơ sở kinh doanh về quy trình chế biến, bảo quản sản phẩm và an toàn vệ sinh thực phẩm; hỗ trợ xây dựng mô hình lò đốt gỗ sinh khối thí điểm áp dụng sản xuất sạch trong chế biến cá hấp; hỗ trợ xây dựng mô hình nhà kính phơi cá hấp thí điểm áp dụng sản phẩm sạch tại làng chế biến hải sản…

Tuy nhiên, qua tìm hiểu chúng tôi được biết, địa phương còn gặp khó khăn, tồn tại ở nhiều mặt. Có thể kể đến như: Nhãn hiệu, bao bì chưa có, do các cơ sở sản xuất quy mô nhỏ; hợp tác sản xuất ở các tổ chưa thực sự gắn kết với nhau, từ đó dẫn đến quá trình xây dựng thương hiệu, sức cạnh tranh thị trường còn yếu; vấn đề ô nhiễm môi trường và các biện pháp xử lý chất thải cũng chưa được quan tâm…

Nếu địa phương có các biện pháp khắc phục một số tồn tại như đã nêu trên; tận dụng tốt các điều kiện tự nhiên và biết vận dụng hưởng lợi từ chính sách hỗ trợ của Nhà nước thì tin rằng nghề chế biến hải sản khô ở Thanh Hải sẽ phát triển mạnh trong tương lai, giải quyết việc làm, tạo thu nhập ổn định cho người dân vùng biển.