Trong những ngày đầu tháng Tư lịch sử, tôi tìm về thôn Triệu Phong 1 (xã Quảng Sơn, Ninh Sơn), thăm Mẹ Việt Nam Anh hùng Thái Thị Huề, có chồng và hai con hy sinh trong hai cuộc kháng chiến. Ở tuổi 96, tóc mẹ giờ đã bạc, trí nhớ cũng kém dần, nhưng nỗi đau chiến tranh vẫn chưa thể nguôi ngoai trong ký ức của mẹ. Khi đất nước bị thực dân, đế quốc xâm lược, cũng như bao người vợ, người mẹ khác, Mẹ Huề lặng lẽ tiễn chồng và các con đi chiến đấu. Bản thân mẹ cũng là người tham gia kháng chiến, rồi dạy bình dân học vụ. Quá nửa đời mẹ sống dưới làn mưa bom, bão đạn, khi hòa bình lập lại phải lao động xây dựng quê hương. Giờ đây, mẹ chỉ có ước nguyện duy nhất là tìm thấy phần mộ của người con trai Thái Văn Hiển, hy sinh năm 1968 để đưa về đoàn tụ cùng cha và em. Mẹ bảo: Đau thương lắm nhưng Mẹ cũng rất tự hào vì sự hy sinh của chồng và các con được đền đáp xứng đáng bằng hòa bình, độc lập của dân tộc và sự phát triển đi lên của đất nước sau ngày giải phóng. Mẹ cũng được an ủi khi cuối năm 2015 được Nhà nước phong tặng danh hiệu Bà mẹ Việt Nam Anh hùng.
Dẫu nỗi đau mất chồng, mất con không thể nguôi ngoai nhưng mẹ Huề vẫn cảm thấy tự hào
vì sự hy sinh của những người thân để đất nước được hòa bình, độc lập.
Chia tay Mẹ Thái Thị Huề, tôi ngược về xã miền núi Phước Kháng, huyện Thuận Bắc, tìm về nhà Mẹ Việt Nam Anh hùng Chamaléa Thị Bánh, thôn Đá Mài Dưới. Thật sự vui mừng khi ở tuổi 85, mẹ vẫn tinh anh, khỏe mạnh. Trong cuộc trò chuyện, thỉnh thoảng mẹ lại rơm rớm nước mắt nhớ về hai người con hy sinh khi tuổi xuân xanh còn phơi phới. Hai người con của mẹ, một trai, một gái đã hăng hái lên đường theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, anh dũng chiến đấu và ngã xuống ngay trên mảnh đất quê hương Phước Kháng anh hùng. 41 năm sau chiến tranh, niềm vui lớn lao nhất của Mẹ Bánh giờ đây là nhìn quê hương từng ngày thay da đổi thịt, đời sống của đồng bào Raglai mình được cải thiện hơn.
Tần tảo nuôi con, rồi âm thầm tiễn đưa những người thân yêu nhất của mình đi theo cách mạng, giải phóng quê hương và trông ngóng ngày họ trở về. Bản thân các mẹ cũng là những chiến sĩ kiên cường, không khuất phục trước kẻ thù… Các mẹ sẵn sàng “sống giữa gian lao” nhận lấy nỗi đau cho riêng mình để dâng hiến cho dân tộc lớp lớp các thế hệ anh hùng, mang lại hòa bình cho Tổ quốc. Các mẹ “vì đất nước hy sinh cả cuộc đời”, trở thành những tấm gương sáng ngời, góp phần tô thắm trang sử hào hùng của dân tộc.
Mẹ Bánh thường thắp nén nhang mỗi khi nhớ về các con.
Ông Bùi Ngọc Phú, Trưởng phòng Người có công, Sở Lao động-Thương Binh và Xã hội, cho biết: Phát huy truyền thống của địa phương, những năm qua, ngành luôn làm tốt công tác chăm lo gia đình chính sách, người có công, với mong muốn các mẹ còn sống sớm được hưởng niềm vui. Liên ngành Lao động, Thương binh và Xã hội-Nội vụ tổ chức kịp thời chi trả các chế độ ưu đãi đối với các mẹ và thân nhân. Ngoài sự chăm lo của Nhà nước, các hội, đoàn thể, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh thường xuyên quan tâm tới đời sống của các mẹ. Đến nay, tỉnh ta có 375 Mẹ được phong tặng, truy tặng danh hiệu Bà mẹ Việt Nam Anh hùng. Trong đó, 16 Mẹ còn sống đều được các tổ chức, đơn vị nhận phụng dưỡng suốt đời. Sở Lao động-Thương binh và Xã hội đang tiếp tục trình lên Chủ tịch nước hơn 60 hồ sơ để các Mẹ sớm được phong tặng và truy tặng danh hiệu vinh dự Nhà nước này.
Ngọc Diệp