Chăm lo phát triển đời sống vùng đồng bào dân tộc thiểu số

(NTO) Tỉnh ta hiện có 146.226 người là đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS), chiếm gần 22,87% tổng số dân toàn tỉnh, trong đó nhiều nhất là dân tộc Chăm và dân tộc Raglai. Những năm qua, cùng với các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, các cấp ủy, chính quyền trong tỉnh luôn quan tâm đến đời sống vùng đồng bào DTTS.

Chúng tôi đến xã Bắc Sơn (Thuận Bắc), cảm nhận được sự đổi thay về đời sống vật chất, tinh thần của người dân nơi đây. Là địa phương có đến 74% đồng bào DTTS, với 4 thôn, trong đó có 1 thôn đồng bào Chăm (Bỉnh Nghĩa) và 2 thôn đồng bào dân tộc Raglai (Xóm Bằng 1 và Xóm Bằng 2). Nếu như trước đây, kinh tế-xã hội tại các thôn này đều rất khó khăn, nhưng trong 5 năm trở lại đây nhờ được đầu tư, hỗ trợ theo Chương trình 135 nên đời sống của bà con đã có nhiều thay đổi. Bà Mang Thị Điền, Trưởng ban Quản lý thôn Xóm Bằng, cho biết: Toàn thôn có trên 500 hộ, với 3.000 nhân khẩu, gần 100% là đồng bào dân tộc Raglai. Nhờ có các chính sách đầu tư, hỗ trợ của Nhà nước trong phát triển kinh tế-xã hội, những năm trở lại đây, đời sống của người dân địa phương đã được nâng lên đáng kể, đặc biệt là các công trình điện, đường, trường, trạm đã góp phần quan trọng trong việc nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân.

 
Trường Mẫu giáo Bắc Sơn được đầu tư xây dựng khang trang.

Chị Thị Nám, thôn Xóm Bằng, phấn khởi: Từ khi Nhà nước đầu tư xây dựng Trạm y tế khang trang tại xã, đã tạo điều kiện thuận lợi để người dân đến khám, chữa bệnh, không còn vất vả đi xa như trước đây, bà con rất vui mừng.

Không riêng tại xã Bắc Sơn, tại các địa phương khác có đông đồng bào DTTS sinh sống cũng đang đổi thay từng ngày. Một trong những chương trình hỗ trợ đồng bào DTTS phát huy hiệu quả nhất là Chương trình 135. Với việc hỗ trợ đầu tư kết cấu hạ tầng, phát triển sản xuất cho các xã, thôn đặc biệt khó khăn, chương trình đã góp phần quan trọng nâng cao đời sống đồng bào DTTS. Trong giai đoạn 2011-2015, tổng nguồn vốn đầu tư từ Chương trình 135 cho các xã, thôn đặc biệt khó khăn trên địa bàn tỉnh gần 115 tỷ đồng. Từ nguồn vốn này, đã hỗ trợ 16 tỷ đồng để phát triển các mô hình, hỗ trợ vật tư sản xuất như: mô hình bắp lai, mô hình lúa nước, trồng sầu riêng, keo lai…, bình quân mỗi mô hình có 60 hộ tham gia; hỗ trợ chăn nuôi gia súc 82 con/115 hộ; hỗ trợ chăn nuôi gia cầm 2.994 con/43 hộ… Ngoài ra, từ nguồn vốn Chương trình 135 đã đầu tư 266 hạng mục, công trình với kinh phí 92,6 tỷ đồng cho vùng đồng bào DTTS. Trong đó, có 124 công trình giao thông, 51 công trình thủy lợi, 43 công trình trường học, 16 công trình y tế, 6 công trình điện, 6 công trình chợ, 12 công trình nhà sinh hoạt cộng đồng… Bên cạnh đó, chương trình cũng thực hiện các dự án hỗ trợ phát triển sản xuất, đào tạo cán bộ cơ sở, chính sách hỗ trợ các dịch vụ cải thiện và nâng cao đời sống Nhân dân, hỗ trợ hoạt động văn hóa, trợ giúp pháp lý, hỗ trợ cải thiện vệ sinh môi trường...

 
Khám chữa bệnh cho người dân tại Trạm y tế xã Bắc Sơn.

Ngoài Chương trình 135, tỉnh cũng đã thực hiện hiệu quả việc huy động, lồng ghép các nguồn lực hỗ trợ từ các chương trình, dự án như: Chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2011-2015, Chương trình 30a, 134, 135, chương trình xây dựng nông thôn mới, các chương trình kiên cố hóa trường lớp học, kênh mương, thủy lợi; nguồn vốn trái phiếu Chính phủ, nguồn vốn các chương trình hỗ trợ có mục tiêu, vốn tín dụng ưu đãi, ODA , qua đó đã huy động được trên 6.725 tỷ đồng đầu tư 374 hạng mục công trình, dự án phát triển kinh tế-xã hội trên địa bàn vùng DTTS, trong đó tập trung đầu tư kết cấu hạ tầng phục vụ sản xuất, hỗ trợ đời sống, xóa đói, giảm nghèo cho người dân, đây là những lĩnh vực bức xúc, khó khăn nhất của vùng đồng bào DTTS và miền núi trong tỉnh.

Đồng chí Pinăng Thị Thủy, Trưởng Ban Dân tộc tỉnh, cho biết: Sau 5 năm thực hiện chính sách dân tộc đối với vùng DTTS và miền núi đã có tác động rất lớn đến các mặt kinh tế, văn hóa, đời sống, xã hội của người dân, làm thay đổi cơ bản diện mạo nông thôn vùng DTTS và miền núi của tỉnh, đời sống vùng đồng bào DTTS từng bước được cải thiện. Kinh tế có bước phát triển, tốc độ tăng trưởng kinh tế vùng đạt bình quân 10%/năm; công tác khuyến nông, khuyến lâm được đẩy mạnh, chuyển giao tiến bộ khoa học-kỹ thuật vào sản xuất, qua đó góp phần nâng cao chất lượng, năng suất cây trồng, vật nuôi. Nhiều mô hình phát triển kinh tế trong vùng đồng bào DTTS và miền núi được nhân rộng và triển khai hiệu quả. Thông qua thực hiện các chương trình, chính sách dân tộc, cùng với sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt của cấp ủy, chính quyền các cấp, sự nỗ lực vươn lên của người dân, tỷ lệ hộ nghèo vùng DTTS giảm mỗi năm từ 3-4% (riêng huyện nghèo Bác Ái giảm từ 7-8%); trình độ dân trí và năng lực quản lý, điều hành của hệ thống chính trị, đặc biệt là chính quyền cấp xã được nâng lên, cơ cấu kinh tế đã có sự chuyển dịch theo hướng sản xuất hàng hóa và gắn với các sản phẩm đặc thù, lợi thế của vùng; bản sắc văn hóa được phát huy, khối đại đoàn kết dân tộc được tăng cường, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững.