Nghĩ sao nói thế: Ông đá trả bóng hay lắm, mình phấn đấu hụt hơi để làm sếp nhưng đâu “số đỏ” như ông! Không để ý tôi trả xoáy, hắn bộc bạch: Làm sếp, lúc nào cũng họp, trên mời họp, cơ quan phối hợp mời họp, họp nội bộ, họp với cơ sở, họp cả trong giờ lẫn ngoài giờ làm việc, họp cả ngày nghỉ… Chỉ riêng vụ họp đã hết ngày rồi, mà cơ quan thì biết bao nhiêu công việc, rồi còn khách khứa, việc hiếu hỷ của bản thân. Ông con nhà thống kê, chịu khó tổng hợp, phân tích rồi chủ nhật tuần tới a lô đám bạn học gặp nhau, nói giúp tôi mời.
Gì chứ, cái vụ hắn nhờ tổ chức bạn bè cùng lớp học gặp mặt nhau giơ hai tay liền. Ngày hôm sau, tôi gọi cho cô bạn lớp trưởng giờ là sếp phó làm công tác đoàn thể. Nghe kể chuyện thằng bạn thành đạt nay đổi tên thành “Họp” - tôi gán tên, bởi hắn nói bận họp quá đến nỗi quên cả bạn bè, cô lớp trưởng xưa lên lớp: Ông “số sướng” (vì không làm lãnh đạo) nhưng lạc hậu, cơ quan tớ những ba phó nhưng có ngày không đủ người đi họp. Rồi cô bạn phân trần: Mà việc họp hành bây giờ quy định trách nhiệm hẳn hoi. Này nhé, người dự họp phải đúng thành phần theo giấy mời, vắng phải được phép của người có thẩm quyền, nếu không thông báo gửi ngay tới cơ quan. Một lần vắng họp bị nhắc nhở, hai lần phê bình và nếu vắng nhiều thì ông biết thế nào rồi đấy. Bạn bè gì mới nói đến chuyện họp là cho ngay mình bài học, nghĩ bực, tôi ngắt ngang: Ừ, chủ nhật này gặp mặt bạn học…, chủ đề họp bà chuẩn bị bài hùng biện bữa đó diễn thuyết. Tôi tiếp tục báo tin chương trình họp cho ông bạn khác vốn thành đạt trong công tác, lại giỏi nuôi gà ta kiểu bán công nghiệp. Nghe chuông điện thoại, hắn nhìn rồi a-lô: Nhà có việc phải không? Ông tính lấy bao nhiêu con, mình có gà vườn tự nhiên dành cho ông, giá giảm 30%. Vốn hay hỏi mua gà nên cứ thấy số máy tôi gọi đến là hắn vậy. Quen rồi nên chẳng để ý hắn nói, tôi vào đề ngay: Thằng H giờ chức sếp trưởng nhờ tớ mời… Tôi bất ngờ khi ông bạn này chia sẻ đồng cảm: Hắn số khổ, làm sếp lĩnh vực nhạy cảm liên quan nhiều tới doanh nghiệp, người dân. Vậy nên họp hành suốt, làm việc không kể ngày đêm, bữa nào về tới nhà sớm nhất cũng tám, chín giờ tối. Vợ hắn vốn tính vui vẻ nhưng cũng không giấu nổi nỗi lo: Ông ấy giờ là người của “công chúng” rồi, đâu còn của vợ con nữa!? Ờ, vậy mà tớ trách hắn làm sếp trưởng quên cả bạn bè, còn ông cũng sếp sao có thời gian nuôi gà làm giàu vậy? - Ông vẫn giữ cái tính “đá xoáy” từ thuở nào nên mới không làm sếp, tớ làm phó giúp việc cũng họp hành nhưng ít hơn, còn làm kinh tế là việc của bà xã, tớ chỉ đảm nhận phần chỉ đạo kỹ thuật…
Mới a lô hai đứa bạn cũng đủ thấy cái sự họp hành ngày nay cũng quá tải. Việc họp là để giải quyết công việc, nhưng cũng là áp lực không chỉ cho người lãnh đạo, quản lý, mà còn cho cả những người thừa hành công vụ. Có một lãnh đạo TP. Hồ Chí Minh thống kê mỗi năm ông được mời dự 700 cuộc họp ở Trung ương và địa phương, thậm chí có ngày được mời dự 7 cuộc! Theo Patrick Lencioni, tác giả quyển sách “Chết vì hội họp”, trong lời giới thiệu có nói ông từng tiếp xúc với rất nhiều nhà lãnh đạo, một câu nói ông thường được nghe là “Nếu tôi không phải dự hội họp, tôi sẽ làm được nhiều việc hơn”. Việc họp không chỉ ở riêng ta mà đã trở thành hội chứng “họp” ở toàn cầu.
Họp đã trở thành chuyện thường ngày ở các cấp, các ngành. Việc hạn chế họp hành như thế nào, rất cần có cơ chế tổng thể phân công nhiệm vụ, trách nhiệm cụ thể đối với từng tổ chức, cá nhân, nhưng trước hết việc hạn chế họp hành tùy thuộc vào cách xử lý của người đứng đầu các cơ quan, đơn vị, địa phương.
Thanh Tâm