Vấn đề hôm nay:

Thu nhập cao sao chưa thu hút!

(NTO) Có thể nói, những năm qua tỉnh ta luôn quan tâm đến giải quyết việc làm cho người lao động trong tỉnh. Chỉ tính trong năm 2015, toàn tỉnh đã có gần 16.100 lao động có việc làm mới. Cùng với công tác đào tạo nghề cho lao động phù hợp với nhu cầu tuyển dụng của các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh, hoạt động xuất khẩu lao động (XKLĐ) của tỉnh cũng đã đạt được những kết quả nhất định, góp phần thực hiện mục tiêu chương trình giải quyết việc làm – xóa đói giảm nghèo của tỉnh, chất lượng nguồn lao động từng bước được cải thiện, đời sống gia đình có người đi XKLĐ được nâng lên rõ rệt.

Theo thống kê, giai đoạn 2011- 2015, toàn tỉnh đã có 170 người đi làm việc ở nước ngoài, trong đó chủ yếu là Malaysia 109 người, kế đến là Nhật Bản  39 người, Hàn Quốc 17 người, thị trường khác như Ả Rập Xê út 3 người, Đài Loan 1 người. Hầu hết là lao động phổ thông, làm việc trong lĩnh vực nông nghiệp và công nhân trong các nhà máy, xí nghiệp. Qua theo dõi và phản ánh của một số lao động đi làm việc ở nước ngoài, mức thu nhập trung bình ở thị trường Nhật Bản, Hàn Quốc khá cao, sau khi trừ chi phí còn tích lũy trên 20 triệu đồng/tháng/lao động, điều kiện lao động và sinh hoạt tương đối tốt; thị trường Đài Loan tích lũy trên 11 triệu đồng/tháng/lao động, điều kiện lao động và sinh hoạt ở mức trung bình. Riêng thị trường lao động Malaysia mức tích lũy có thấp hơn, trên dưới 7 triệu đồng/ người/tháng. Điều có thể khẳng định là về mặt xã hội, qua việc đi XKLĐ, đã góp phần giảm sức ép về việc làm, nhiều gia đình trở nên khá giả nhờ nguồn tiền lương tích lũy do lao động gởi về. Đó là chưa nói đến yếu tố tích cực đó là nhiều lao động được “cọ xát” trong môi trường làm việc công nghiệp nên hình thành tác phong lao động công nghiệp, tay nghề được nâng cao, góp phần tạo nguồn lực tham gia vào sự phát triển kinh tế của địa phương.

 
Người dân xã Phước Chiến tham dự buổi tư vấn xuất khẩu lao động. Ảnh: Ngọc Diệp

Tuy nhiên, điều cũng đáng quan tâm là thu nhập khá cao như vậy nhưng sao chưa tạo được “hấp lực” đối với người lao động, cụ thể là số lượng lao động của tỉnh tham gia XKLĐ chỉ mới đạt 23,9% theo kế hoạch cần thực hiện là bình quân mỗi năm có 120 lao động xuất khẩu, chưa tương xứng với tiềm năng và nhu cầu đi XKLĐ của người lao động tại địa phương. Ngay trong năm vừa qua, toàn tỉnh cũng chỉ có 40 lao động xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản (23 người), Malaysia (15 người) và 1 người sang Đài Loan, đạt 33,3% kế hoạch mà thôi. Nguyên nhân của thực trạng nêu trên, đầu tiên cần đề cập tới là công tác tuyên truyền đến người lao động về lợi ích của việc XKLĐ chưa được quan tâm đúng mức, thường xuyên, đặc biệt là hộ nghèo tạo cơ hội để thoát nghèo, nhưng để thay đổi được tập quán sinh hoạt, tác phong lao động công nghiệp, năng lực chuyên môn, kỹ năng nghề nghiệp… của người lao động không phải dễ, hơn nữa nhiều người thường có tâm lý ngại đi làm ăn xa, nhất là đi XKLĐ…

Để khắc phục hạn chế nêu trên và triển khai Đề án xuất khẩu lao động trên địa bàn tỉnh có hiệu quả, trong thời gian tới điều quan trọng hàng đầu là cần tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền sâu rộng trong các cấp, các ngành, các đoàn thể xã hội và nhân dân về chủ trương, chính sách, ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác XKLĐ để chung tay thực hiện…

Suy cho cùng, nếu mỗi người dân, bản thân người lao động ý thức được quyền lợi, trách nhiệm của mình cũng như trách nhiệm đối với toàn xã hội thì chắc chắn thị trường XKLĐ sẽ phát triển mạnh, tác động tích cực đến thực hiện giảm nghèo và ổn định xã hội. Tuy nhiên, hoạt động XKLĐ phải đáp ứng ngày một tốt hơn cả về chất lượng và số lượng nguồn nhân lực cũng như cơ cấu nguồn nhân lực trong mọi lĩnh vực mà thị trường lao động đòi hỏi.