Chủ động, nâng cao ý thức phòng ngừa dịch bệnh trong mùa khô hạn

(NTO) Theo thống kê, từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh đã ghi nhận trên 300 ca sốt xuất huyết (SXH), 156 ca tay chân miệng (TCM), trên 1.000 ca tiêu chảy (TC)… Số ca mắc bệnh tập trung ở các địa phương: Tp. Phan Rang-Tháp Chàm 110 ca SXH, 47 ca TCM, 155 ca TC; Ninh Phước gần 90 ca SXH, 36 ca TCM, 230 ca TC; Bác Ái 156 ca TC…

Thực hiện sự chỉ đạo của UBND tỉnh và Sở Y tế về tăng cường phòng chống dịch bệnh, từ ngày 14 đến 28-3, Trung tâm Y tế dự phòng đã tổ chức đoàn kiểm tra, giám sát tình hình dịch tể, lấy mẩu xét nghiệm chất lượng nước tại 8 trạm cấp nước ở các xã: Vĩnh Hải (Ninh Hải); Phước Đại, Phước Thành, Phước Trung (Bác Ái); Phước Hà (Thuận Nam); Công Hải (Thuận Bắc). Ngoài ra, từ ngày 16-3 đến 8-4, trung tâm tiến hành kiểm tra an toàn vệ sinh tại 16 trường học ở các xã vùng sâu, vùng xa của các huyện Bác Ái, Ninh Sơn, Thuận Bắc. Bác sĩ Nguyễn Nhị Linh, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng, cho biết: Hiện trung tâm đang tiếp tục lấy mẫu nước để xét nghiệm vi sinh, lý hóa, kiểm tra tiêu chuẩn nguồn nước của 24 trạm cấp nước còn lại của các địa phương, sau đợt kiểm tra sẽ có kết quả đánh giá, trên cơ sở đó có biện pháp xử lý nếu chất lượng nước chưa đạt. Tuy nhiên, qua quá trình kiểm tra cho thấy, vẫn còn một số hộ dân sống xa trạm cấp nước, phải lấy nước từ ao, suối để sử dụng cho sinh hoạt, ăn uống, không đảm bảo vệ sinh. Trước tình hình đó, Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh đã phối hợp với cán bộ y tế địa phương hướng dẫn cho bà con cách lắng lọc nước thô bằng các phương pháp truyền thống như sử dụng phèn chua, than, cát, đá, sau đó xử lý nước bằng cloramin để có nước sạch sinh hoạt… Trung tâm cũng đã cung cấp cho các địa phương trên 25.000 viên cloramin để khử trùng nguồn nước. Sở Y tế cũng đã chỉ đạo ngành Y tế các địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, hệ thống phát thanh của các xã, phường; tổ chức ra quân vận động người dân thực hiện các biện pháp phòng ngừa dịch bệnh.

 
Cán bộ y tế tuyên truyền công tác phòng chống dịch bệnh tại phường Phước Mỹ.

Tại Tp. Phan Rang-Tháp Chàm, địa phương trọng điểm ghi nhận nhiều trường hợp mắc các bệnh SXH, TCM, TC của cả tỉnh đang tập trung các biện pháp phòng ngừa. Ngoài tiến hành điều tra mật độ muỗi, lăng quăng định kỳ hàng tháng, Đội Y tế dự phòng thành phố tăng cường theo dõi, giám sát nhằm kịp thời phát hiện các ca mắc bệnh mới tại cộng đồng, xử lý tốt các ổ dịch nhỏ, không để dịch bệnh bùng phát, lây lan ra diện rộng. Qua đó, đã phun hóa chất xử lý 8 ổ dịch nhỏ ở các phường Đô Vinh, Phước Mỹ, Đông Hải; ra quân diệt lăng quăng tại 4 phường: Phước Mỹ, Đô Vinh, Đông Hải, Văn Hải; chủ động phun hóa chất diệt muỗi các vùng có mật độ muỗi cao tại 2 phường Đông Hải, Phước Mỹ.

Bác sĩ Lê Minh Định, Giám đốc Sở Y tế: Trước thông tin nước ta ghi nhận 2 trường hợp tại TP. Hồ Chí Minh và Tp. Nha Trang (Khánh Hòa) dương tính với vi-rút Zika, người dân không nên quá hoang mang, lo lắng. 80% trường hợp nhiễm vi-rút Zika không có triệu chứng, 20% có triệu chứng nhưng chỉ sốt nhẹ, đau đầu, đau cơ, viêm kết mạc mắt… và tỷ lệ tử vong rất thấp. Tuy nhiên, đối với phụ nữ mang thai khi nhiễm vi-rút Zika lại dễ gây ra chứng đầu nhỏ ở thai nhi. Chính vì vậy, người dân phải bình tĩnh, chủ động các biện pháp phòng ngừa, nhất là phụ nữ có thai.

Tuy nhiên, thực tế hiện vẫn còn nhiều hộ dân, nhất là khu vực nông thôn, vùng biển do không có nước máy sinh hoạt nên phải trữ nước trong chum, vại, bể; nơi sinh sống cây cối rậm rạp, không đảm bảo vệ sinh… nhưng lại không chủ động thực hiện các biện pháp diệt lăng quăng, hạn chế muỗi Aedes phát triển, mà có tư tưởng trông chờ, ỷ lại ngành Y tế phun hóa chất diệt muỗi. Nhiều người dân chưa có ý thức thực hiện tốt nguyên tắc “ăn chín, uống sôi”, chưa thực hiện tốt vệ sinh cá nhân cho bản thân và con em mình…, gây khó khăn trong công tác phòng, chống dịch. Người dân thiếu ý thức trong công tác phòng ngừa, cộng với tác động của hạn hán kéo dài như hiện nay, nguy cơ lây lan, bùng phát dịch bệnh là rất cao đặc biệt là SXH và bệnh do vi-rút Zika.

Trước tình hình đó, ngành Y tế khuyến cáo người dân cần thực hiện tốt các biện pháp phòng ngừa dịch bệnh: Ăn uống hợp vệ sinh; rửa tay sạch cho mình và con em bằng xà phòng trước, sau khi ăn uống, chế biến thức ăn, đi vệ sinh; sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh… để giúp bản thân và những người trong gia đình phòng các bệnh về đường ruột như tả, lị, viêm ruột kết, TCM… Ngoài ra, các bà mẹ đặc biệt lưu ý cần theo dõi, đưa con em trong độ tuổi đi tiêm chủng đầy đủ theo chương trình tiêm chủng mở rộng nhằm phòng đủ 8 bệnh cho trẻ.

Riêng với SXH và bệnh do vi-rút Zika, ngoài các biện pháp diệt lăng quăng, hạn chế muỗi phát triển, mặc áo quần dài, mắc màn khi ngủ để tránh muỗi đốt, người dân nên hạn chế tới các vùng đang có dịch, nhất là phụ nữ đang mang thai. Đối với người về từ vùng dịch phải tự theo dõi tình trạng sức khỏe trong vòng 12 ngày. Khi có biểu hiện nghi ngờ mắc bệnh như sốt, phát ban, kèm theo viêm kết mạc mắt, đau khớp, đau cơ, đau đầu phải thông báo ngay cho cơ quan y tế gần nhất để được tư vấn, cách ly và điều trị kịp thời, tránh lây lan vi-rút Zika ra cộng đồng.