HTX Dịch vụ Nông nghiệp Phước An: Vì lợi ích xã viên

(NTO) Được đánh giá là một trong những Hợp tác xã (HTX) có sự chuyển biến rõ rệt nhất kể từ khi chuyển đổi theo luật mới, HTX Dịch vụ Nông nghiệp Phước An (xã Phước Vinh, Ninh Phước) đã khẳng định được vai trò “bà đỡ” của mình, từng bước làm điểm tựa để nông dân vươn lên xóa đói nghèo, làm giàu trên mảnh đất quê hương.

Mở hướng làm ăn liên kết

Trước đây, HTX vẫn hoạt động theo kiểu cũ, công nợ của xã viên rất lớn, thành thử trên giấy tờ thì HTX có tiền nhưng thực chất nguồn vốn của HTX không có, vì vậy uy tín bị giảm sút. Tháng 7-2013, thực hiện chuyển đổi hoạt động theo Luật HTX năm 2012, HTX tập trung vào việc bao tiêu sản phẩm, cung ứng các dịch vụ nông nghiệp cho xã viên. Đặc biệt là từ khi liên kết với các doanh nghiệp mở rộng diện tích sản xuất bắp lai giống, đảm bảo được đầu ra sản phẩm cũng như thu hoạch thì người dân đã đặt niềm tin vào HTX.

 
Xã viên phơi bắp tại sân phơi của HTX Phước An.

Ban đầu, HTX chỉ làm vài chục ha, đến nay đã chủ động liên kết với 3 doanh nghiệp: Công ty Cổ phần CP, Công ty Cổ phần Giống cây trồng Nha Hố và Công ty Cổ phần Giống cây trồng Đông Nam sản xuất, bao tiêu gần 400ha diện tích bắp lai giống. Ông Lê Phúc Hoa, Giám đốc HTX Phước An, cho biết: “Sở dĩ người dân mạnh dạn mở rộng diện tích liên kết sản xuất bắp lai giống với các doanh nghiệp bởi có nhiều cái lợi như giá cả ổn định, đầu ra đã có doanh nghiệp thu mua, nếu không may do thời tiết mất mùa thì được doanh nghiệp hỗ trợ. Theo tính toán, năng suất bắp giống bình quân đạt 8-9 tấn/ha, với giá 9-10 nghìn đồng/kg, trừ chi phí, nông dân còn lãi 35-40 triệu đồng/ha. Thu hoạch bắp giống xong, lại tiếp tục trồng bắp thương phẩm và cây màu”. Ông Phan Thành Tâm (thôn Phước An 2, Phước Vinh), xã viên HTX Phước An, phấn khởi nói: Cách làm của HTX đã được kiểm chứng bằng thực tiễn nhiều năm nay. Trong khi nông dân bên ngoài phải lao đao vì chuyện “được mùa, mất giá” thì chuyện làm ăn ở HTX vẫn ổn định và còn có hướng đi lên… Sau thời gian hoạt động hiệu quả, nhiều người đã tự nguyện xin gia nhập HTX. Hiện nay, tổng số thành viên của HTX đã lên con số 1.095 người, diện tích đất sản xuất từ 300ha tăng lên trên 700ha.

Nâng cao đời sống xã viên

Gia đình anh Nguyễn Văn Ngọc (thôn Phước An 1, xã Phước Vinh) nhiều năm liền thuộc diện hộ nghèo, thế nhưng chỉ sau 3 năm vào HTX, nay đã thoát nghèo, có của ăn, của để. Cũng như nhiều hộ dân khác ở hai thôn Phước An 1, Phước An 2, sau khi tham gia vào HTX, gia đình anh được hỗ trợ giống, phân bón, hướng dẫn kỹ thuật, kinh nghiệm sản xuất…, đến khi thu hoạch xong có tiền thì mới thanh toán cho HTX. Với 5 sào đất mà trước đây chỉ trồng nho và táo, nay anh trồng 1 vụ bắp lai giống, 1 vụ bắp lai thương phẩm và các loại hoa màu khác, thu về lợi nhuận hơn 50 triệu đồng/năm.

 
Trạm cân 40 tấn được HTX đầu tư để phục vụ xã viên.

Ngoài các dịch vụ trên, để hỗ trợ xã viên khó khăn, HTX còn hỗ trợ vốn cho xã viên phát triển sản xuất, hạn chế đến mức thấp nhất số xã viên HTX không có vốn sản xuất. Theo ông Lê Phúc Hoa, hiện HTX chưa đủ năng lực để phát triển lên dịch vụ tín dụng nội bộ, mà chỉ hỗ trợ vốn cho những hộ khó khăn có đủ điều kiện sản xuất nhằm giúp xã viên yên tâm sản xuất.

Với những cách làm hiệu quả trên, đời sống của xã viên HTX được ổn định và từng bước nâng cao. Ông Trần Văn Hùng, Chủ tịch UBND xã Phước Vinh, cho biết: Có thể nói, trong bối cảnh nhiều HTX còn không ít khó khăn, thì thành công của HTX Phước An được xem là điểm sáng của mô hình kinh tế tập thể tại địa phương.