Ý nghĩa chính trị của cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp

(NTO) Kể từ ngày Tổng tuyển cử đầu tiên bầu Quốc hội Việt Nam (6-1-1946) đến nay, cuộc bầu cử ngày 22-5-2016 là cuộc bầu cử thứ 14. Ngày 22-5 trở thành một ngày lịch sử, một sự kiện chính trị, pháp lý quan trọng. Đó là ngày mà cử tri, đồng bào cả nước bằng lá phiếu của mình quyết định lựa chọn ra đại biểu Quốc hội khóa XIV, đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016-2021.

Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND là hình thức dân chủ trực tiếp, là phương thức thể hiện ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của Nhân dân trong việc xây dựng Nhà nước nói chung và cơ quan đại diện-cơ quan quyền lực Nhà nước từ Trung ương đến địa phương ở nước ta nói riêng.

Cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016-2021 được tổ chức cùng một ngày trên phạm vi cả nước, trong bối cảnh nước ta tiếp tục triển khai mạnh mẽ công cuộc đổi mới, xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa và tổ chức bộ máy nhà nước theo quy định của Hiến pháp năm 2013, Luật Tổ chức Quốc hội năm 2014, Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015, Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND năm 2015 mới được ban hành.

Đây là sự kiện chính trị quan trọng của đất nước, diễn ra sau thành công của Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng, gắn liền với công tác cán bộ, liên quan đến trách nhiệm của các cấp, các ngành; là nơi để cử tri phát huy quyền và nghĩa vụ của công dân, lựa chọn bầu ra những người tiêu biểu, xứng đáng, đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của mình trong cơ quan quyền lực Nhà nước ở Trung ương và địa phương, đáp ứng yêu cầu xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân.

Điều mà Đảng, Nhà nước, Nhân dân đang hướng tới là phải nâng cao năng lực và tăng tính chuyên nghiệp của đại biểu. Chỉ có những đại biểu tâm huyết, có trình độ, am hiểu sâu sắc trên mọi lĩnh vực, có những ý kiến đóng góp thiết thực, để các Nghị quyết của Quốc hội, HĐND có chất lượng, đi vào cuộc sống.

Bên cạnh đó, những đại biểu được bầu phải có trình độ chuyên môn phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ và trình độ về lý luận chính trị; có khả năng về phân tích chính sách, thu thập và xử lý thông tin; có khả năng thuyết phục và tạo sự đồng thuận của xã hội theo phương thức hoạt động của cơ quan dân cử; phải có kỹ năng, kinh nghiệm trong hoạt động Quốc hội, HĐND.

Hiệu quả hoạt động của đại biểu dân cử dễ nhìn thấy nhất là qua thực hiện chức năng đại diện. Đó là việc đại biểu lắng nghe ý kiến cử tri, phản ánh ý chí, nguyện vọng của cử tri tại diễn đàn kỳ họp, cũng như thông qua các hình thức giám sát để thực hiện chức năng quyết định. Điều này thôi thúc các đại biểu Quốc hội, HĐND phải luôn gần gũi, gắn bó với Nhân dân, phải thật sự có trách nhiệm với dân, phải có bản lĩnh và dũng khí để nói lên tiếng nói của người dân, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của Nhân dân.

Vì vậy, việc lựa chọn, bầu ra những người tiêu biểu về đức, tài, xứng đáng đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của Nhân dân trong Quốc hội và HĐND các cấp nhiệm kỳ mới là một nhiệm vụ chính trị trọng tâm của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân trong năm 2016./.