Vấn đề hôm nay:

Nâng tầm hoạt động của các HTX, đâu là giải pháp?

(NTO) Toàn tỉnh có 75 HTX dịch vụ nông nghiệp, ngành nghề và HTX ngư nghiệp, trong số này có gần 50% là HTX nông nghiệp. Đến nay một số đã chuyển đổi hoạt động theo Luật HTX năm 2012 khá hiệu quả, không những là chỗ dựa cho xã viên từ khâu tổ chức sản xuất, cung ứng các dịch vụ cần thiết đến tiêu thụ sản phẩm với giá cả ổn định…mà còn đóng góp tích cực cho phúc lợi địa phương, xây dựng nông thôn mới.

Mặt khác, những năm gần đây nhiều cán bộ HTX đã được đơn vị hữu quan tổ chức các lớp bồi dưỡng nghiệp vụ quản trị, kế toán, kinh doanh…để vận dụng vào thực tiễn công việc tại HTX. Nhiều chính sách khuyến khích, ưu đãi của Nhà nước đối với loại hình kinh tế tập thể được triển khai thực hiện tốt.

Hợp tác xã Hữu Đức (Phước Hữu, Ninh Phước) cung cấp dịch vụ vật tư nông nghiệp cho xã viên.
Ảnh: Thanh Long

Tuy nhiên, thực tế cho thấy, phần lớn các HTX vẫn còn nhiều lúng túng trong định hướng hoạt động. Có HTX đã chuyển đổi hoạt động, ”bình đẳng” như doanh nghiệp...nhưng thực chất cũng chỉ là ”bình cũ, rượu mới” mà thôi!. Nhìn chung các HTX, nhất là nông nghiệp đều thiếu vốn để sản xuất, kinh doanh nhưng lại khó tiếp cận được với nguồn vốn vay từ các tổ chức tín dụng do không có tài sản thế chấp, hoạt động sản xuất, kinh doanh ”hệ số” rủi ro cao, chưa xây dựng được các phương án sản xuất cũng như kinh doanh có tính khả thi.

Nhiều HTX nông nghiệp chưa có sản phẩm dịch vụ tốt để đáp ứng nhu cầu sản xuất hàng hóa; thiếu sự liên kết chặt chẽ giữa HTX với thành viên; HTX với với doanh nghiệp để tiêu thụ sản phẩm, dẫn đến đa số nông hộ vẫn phải “tự sản, tự tiêu” là chính... Nguyên nhân của những khó khăn nêu trên chủ yếu là do nhận thức về vai trò của HTX của các cấp, các ngành và chính bản thân các thành viên tham gia chưa đúng với bản chất của HTX theo Luật năm 2012. Bên cạnh đó, việc tiếp cận chính sách của các HTX vẫn còn nhiều hạn chế. Đồng thời, trong bối cảnh hiện nay, một số chính sách về kinh tế tập thể quy định chưa cụ thể cho từng lĩnh vực nên rất khó áp dụng trong thực tiễn.    

Vấn đề đặt ra là làm thế nào để nâng cao hiệu quả hoạt động của các HTX?. Theo các chuyên gia, giải pháp đầu tiên là các HTX cần hoạt động theo hướng HTX không chỉ làm dịch vụ đầu vào mà phải hướng dẫn nông dân sản xuất hàng hóa, gắn với chế biến và tiêu thụ. Mặt khác, phải đẩy mạnh việc xây dựng vùng nguyên liệu tập trung gắn với liên kết sản xuất và tiêu thụ nông sản theo chuỗi giá trị thông qua hợp đồng kinh tế trong lĩnh vực nông nghiệp phù hợp với từng vùng, từng ngành hàng nông sản. Các ngành, địa phương liên quan cần tạo điều kiện thuận lợi về cơ chế, chính sách, địa bàn, thị trường để thu hút doanh nghiệp, nhà đầu tư, nhà khoa học, ngân hàng… cùng với HTX và nông dân tham gia xây dựng chuỗi giá trị trong mô hình liên kết.

Suy cho cùng, nhận rõ khó khăn, vướng mắc của từng HTX để có phương án tháo gỡ cụ thể sẽ là giải pháp hiệu quả để nâng tầm hoạt động của loại hình ”doanh nghiệp” HTX này.