Đó là đa số ý kiến của các chuyên gia kinh tế, các nhà lãnh đạo doanh nghiệp (DN) tại Hội nghị Lãnh đạo doanh nghiệp Việt Nam 2016 với chủ đề: “Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương: Cơ hội và thách thức trong kinh doanh tại Việt Nam” do Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư TPHCM (ITPC) tổ chức ngày 8/4 tại TPHCM.
Hội nghị Lãnh đạo doanh nghiệp Việt Nam 2016. Ảnh: VGP/Thanh Thủy
Ông Trương Đình Tuyển, nguyên Bộ trưởng Bộ Thương mại, Cố vấn cao cấp của Chính phủ trong đàm phán TPP cho rằng, kinh tế thế giới đang chuyển đổi từ thị trường quốc gia sang thị trường thế giới và khu vực, tức là tham gia vào mạng sản xuất và chuỗi cung ứng chứ không chỉ là xuất khẩu vào các thị trường riêng lẻ. Chính vì vậy, việc Việt Nam đã ký kết và đang đàm phán các hiệp định thương mại tự do (FTA) mới và tham gia vào sự hình thành của Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) sẽ tạo ra nhiều cơ hội như thu hút đầu tư, mở rộng xuất khẩu, tạo ra việc làm, tăng hiệu quả kinh tế nhờ quy mô thị trường rộng lớn và tiếp thu được công nghệ sản xuất, công nghệ quản lý mới, từ đó góp phần thúc đẩy tiến trình tái cơ cấu nền kinh tế.
Theo đánh giá của các chuyên gia kinh tế tại hội nghị, các DN, nhà đầu tư nước ngoài kỳ vọng rất nhiều vào các lĩnh vực đầu tư mới tại Việt Nam như Dệt may, Công nghệ điện tử… khi TPP có hiệu lực. Bởi vì để tạo thuận lợi cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước, Chính phủ Việt Nam đang tích cực tiến hành cải cách chính sách như cải cách hành chính, các vấn đề về quyền sở hữu trí tuệ, thay đổi chính sách về lao động, tác động của tiêu chuẩn lao động quốc tế của ILO… để đáp ứng những yêu cầu của TPP.
Bên cạnh đó, năm 2016 báo hiệu có nhiều thuận lợi do kinh tế thế giới được dự báo tăng trưởng rõ nét hơn tạo ra xung lực mới cho tăng trưởng kinh tế tại Việt Nam. Trong khi đó, ở trong nước bộ máy quản lý các cấp đã đi vào hoạt động ổn định, tạo ra nhiều động lực mới. Các phong trào khởi nghiệp và các DN mới xuất hiện nhiều hơn chính là nhân tố quyết định cho tăng trưởng nền kinh tế của Việt Nam.
Đặc biệt, để tăng trưởng xuất khẩu cũng như thu hút đầu tư, Việt Nam sẽ phải điều chỉnh quan hệ thương mại với các nước theo hướng cân bằng hơn; tạo dựng khuôn khổ cho cải cách thể chế và cải thiện môi trường kinh doanh; nâng cao vị thế của Việt Nam tại một khu vực phát triển năng động.
Chia sẻ về những cơ hội trong việc tuân thủ các cam kết về thương mại trong TPP mà DN Việt Nam có được, ông Nestor Scherbey, Cố vấn cấp cao Liên minh thuận lợi hóa Thương mại Việt Nam (VTFA) cho rằng do các công ty đa quốc gia (FDI) sẽ phải xác định lại chuỗi cung ứng toàn cầu của họ để tận dụng các ưu đãi thuế do các hiệp định FTA, trong đó có TPP mang lại khi sản xuất hàng xuất khẩu sang các thị trường TPP. Vì vậy, điều này sẽ mang đến cơ hội mới cho các DN Việt Nam để trở thành nhà cung cấp cho các DN FDI tại Việt Nam và các công ty toàn cầu khác trong chuỗi cung ứng toàn cầu của họ.
Tuy nhiên, theo ông Nestor Scherbey, để nắm bắt hiệu quả các cơ hội trên, các DN Việt Nam cần sẵn sàng đầu tư mới trong sản xuất nguyên vật liệu và hàng hóa ngay từ bây giờ. Theo đó, phải chú ý các yêu cầu cung cấp tài liệu chứng minh nguồn gốc của nguyên vật liệu và các thành phần được sử dụng để sản xuất, lắp ráp thành phẩm để xuất khẩu sang một nước TPP.
Về phía Chính phủ, nên thiết lập một cơ sở dữ liệu thông tin thương mại của các doanh nghiệp FDI và các nhà cung cấp trong nước, với mục đích xác định các cơ hội cho các công ty Việt Nam để trở thành nhà cung cấp cho các công ty FDI. Với sự giúp đỡ từ các chuyên gia kỹ thuật, các cuộc điều tra được tiến hành để xác định cụ thể hàng hóa trung gian mà Việt Nam có thể sản xuất, cung cấp cho các công ty FDI để các sản phẩm xuất khẩu chính thức đủ điều kiện ưu đãi TPP.
Mặt khác, các cơ quan chức năng cũng nên thiết lập các nguồn thông tin thương mại FTA và các trung tâm hỗ trợ DN Việt Nam tiến hành các thủ tục chứng minh nguồn gốc xuất xứ, giúp họ tìm hiểu về việc tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu, đặc biệt quan trọng đối với các DN vừa và nhỏ. Những trung tâm thông tin thương mại mới này nên tiến hành nghiên cứu thị trường xuất khẩu liên quan đến tiêu chuẩn kỹ thuật nước ngoài, nên Việt hoá các tiêu chuẩn và yêu cầu nước ngoài, phổ biến thông tin này cho các DN trong nước.
Hiện tại, VTFA đang thiết kế một cổng thông tin thương mại B2B toàn cầu và miễn phí cho các nhà sản xuất hàng Việt Nam khi đăng ký sản phẩm cũng như thông tin liên lạc của mình trên đó.
Nguồn www.chinhphu.vn