Nay nghe anh thông báo, tôi ngạc nhiên: Chắc bác tính chuyển qua các hội sớm cho chắc chắn phải không? Vốn tính cách nói thẳng, nói thật, anh bảo: Mình tự thấy về nghỉ lúc này là thích hợp nhất. Nghe anh nói sao tôi tin vậy nhưng vẫn áy náy.
Con người vốn ham công tiếc việc, lúc nào cũng hừng hực với cái chung, nay bỗng dưng xin nghỉ hưu. Tôi giả bộ khích tướng: Chắc cấp trên gợi ý bác nghỉ để trống ghế cho người khác phải không? Anh trầm ngâm: Cái ghế của tớ lơ lửng giữa không trung, vị trí công tác mấy ai muốn giành bởi bổng không - lộc rỗng, vậy nên chuyện “gợi ý” làm gì có. Rồi anh cho biết: Cũng định đến tuổi nghỉ hưu chuyển qua công tác hội vừa phù hợp với sở trường bản thân và thử sức mình trong công tác xã hội. Thế nhưng, mấy người bạn từ Hà Nội vừa rồi ghé thăm, tụi nó bảo: Nghỉ hưu bây giờ có sáu loại cơ bản, nào “hưu trâu”, “hưu nhàn”, "hưu"… Nghe hưu cũng thiệt phức tạp, nên mình quyết định chọn “hưu nhàn”, việc bên hội để cho các cháu tốt nghiệp đại học chưa có việc làm, trẻ và năng động tốt hơn.
Nghe anh chia sẻ đầy thuyết phục, nhưng tìm hiểu thêm mới biết dự định xin nghỉ hưu có phần do áp lực chính từ tính cách nói thẳng, nói thật của anh. Chẳng là, thấy tình hình hội họp quá nhiều, tốn thời gian, ảnh hưởng đến thực hiện nhiệm vụ của cơ quan, anh góp ý với cấp trên: Báo cáo tổng hợp gửi qua mail cho từng thành viên nghiên cứu trước nội dung, nếu có góp ý chuyển cho bộ phận tổng hợp biên tập, chủ trì nên dành thời gian họp tập trung bàn giải quyết những vướng mắc, kiến nghị của từng đơn vị. Ý kiến của anh được nhiều người đồng tình nhưng có lẽ do chế độ trách nhiệm chưa cụ thể, rõ ràng, nên việc họp hành ít được đổi mới. Tiếp tục đề xuất với trên thì có người e ngại: Gần đến tuổi nghỉ hưu rồi, hăng làm gì (!?). Rồi việc triển khai đánh giá phân loại năm công tác cán bộ, nhân viên theo quy chế mới, anh mạnh dạn chỉ đạo đánh giá đúng thực chất với hy vọng để cán bộ, nhân viên thấy mặt được, mặt hạn chế để khắc phục, tiến bộ. Có cô nhân viên khá trẻ, học hành chính quy, do nể nang các năm luôn được xếp loại tốt, nay áp theo tiêu chuẩn mới đạt trung bình khá (kề loại yếu), thế là cô phản ứng gay gắt, nói anh chèn ép, rằng anh nghỉ hưu thì cô ấy cũng ra đi (giảm biên chế)… Vốn chỗ thân tình với gia đình, tôi nghe vợ anh bộc bạch: Quá trình công tác, ông ấy luôn được cấp trên đánh giá tốt nhưng với bản tính bộc trực, nói thẳng, nói thật, nhiều khi đụng chạm, mà nhiều người tính tự ái lại cao hơn trời. Vậy nên, ông ấy bảo chị, có lẽ mình “hăng” không phải thời, nên nghỉ hưu sớm vài năm e cũng tốt cho cơ quan!!!
Từ câu chuyện của anh, tôi liên tưởng đến thế giới hiện đại. Đó là những cô cậu tuổi học trò ở các nước phát triển châu Âu-Mỹ tự tin tuyên bố lớn lên sẽ làm tổng thống nhưng sao chẳng ai nói cháu “hăng”, ngược lại ở đó xã hội còn khuyến khích. Mới đây, trên chuyên mục “Dân đặt hàng lãnh đạo TP. Hồ Chí Minh” do báo Tuổi Trẻ làm cầu nối thì Bí thư Thành ủy Đinh La Thăng đã phần nào "khai thông" được tinh thần của người dân thành phố này. Bởi đặc tính người Sài Gòn - TP. Hồ Chí Minh như ông biết vốn dĩ bộc trực, thẳng thắn, chuộng sự thật và cả sự sòng phẳng, không ưa bị/được "vuốt ve" cho qua ngày, đoạn tháng.
Nói thẳng, nói thật đồng hành cùng với nói được, làm được và làm việc hết sức công tâm vì mọi người, vì sự nghiệp chung có lẽ đang là xu thế mới của xã hội chúng ta. Tôi hy vọng anh bạn già của mình và những ai có dự định xin nghỉ hưu trước tuổi có sức khỏe, năng lực làm việc sẽ có cơ hội được tiếp tục đóng góp sức mình cho sự nghiệp chung.
Thanh Tâm