CHUYỆN NHƯ ĐÙA:

Khi lòng tốt bị lợi dụng

(NTO) Cuộc sống vốn muôn màu, muôn vẻ và vô cùng… phức tạp. Bên cạnh sự lo toan, tất bật để mưu sinh của cộng đồng thì vẫn còn không ít kẻ lười biếng, lợi dụng vào lòng tốt của người khác một cách rẻ rúng để mà “kiếm sống” qua ngày.

Tôi đang muốn nói đến vấn nạn ăn xin. Đúng vậy, trong thời đại mà dường như người ta sẵn sàng làm mọi thứ chỉ để kiếm tiền như hiện nay, thì ăn xin đã trở thành một nghề, có thể nói là nghề đang… thịnh hành, cái nghề chả cần vốn liếng chi cả. Chỉ cần một tí lì lợm, mặt… dày một chút, nhập vai cho tốt là… kiếm sống được rồi, nếu không nói là “thoải mái”!

Nói đến người ăn xin thì ở đâu cũng thấy, nước nào cũng có. Qua các phương tiện truyền thông, ta thấy những người ăn xin hiện diện khắp cả… năm châu lục. Chỉ có điều ở nước ngoài, họ không xô bồ, trơ tráo để mà “kiếm” tiền cho bằng được; lực lượng ăn xin của họ cũng không đông đảo, cố tình đeo bám và bằng mọi cách làm mình trở nên… hết sức tội nghiệp hay đáng thương như ở nước ta. Họ ăn xin rất đơn giản, rất… thật thà. Người già ngồi ở một góc đường chờ người qua lại cho tiền hoặc họ lặng lẽ đánh đàn với cái nón trước mặt… Hiếm thấy những trường hợp ai đó bồng đứa trẻ nhếch nhác trên tay hay cố tình “trình diễn” những thương tật… tự tạo (còn hơn diễn viên hóa trang để… đóng phim) làm người khác đặc biệt thương hại như chúng ta gặp thường ngày trên đường phố, bến tàu-xe, chợ búa..., nói chung là nơi công cộng.

Trong cuộc sống tâm linh và tín ngưỡng của người Việt, cũng như các quốc gia vùng châu Á, nước ta là nơi mà Phật giáo có ảnh hưởng sâu sắc và lâu đời. Đạo Phật vốn đề cao luật nhân quả. Qua đó, nếu con người ta làm nhiều việc thiện, giúp đỡ người khác sẽ gặp những điều may mắn trong cuộc đời, và (biết đâu) kiếp sau sẽ có được một số phận tốt đẹp hơn (!?). Có lẽ, chính vì thế mà ăn xin có đất sống tại Việt Nam. Người ăn xin thường cố gắng làm cho mình trở nên thật đáng thương nhất có thể, để khiến người khác phải động lòng trắc ẩn. Khi ấy, người ta sẽ sẵn sàng bỏ tiền ra giúp đỡ (vì coi đó là việc thiện). Thực ra, suy cho cùng thì ăn xin không phải việc xấu, con người ta khi cùng đường, bất đắc dĩ mới phải đi xin, chứ ai muốn vậy. Nhưng thực chất không phải thế! Cuộc sống ngày càng chứng minh rằng, ăn xin đã bị biến thành một nghề kinh doanh... đặc biệt. Trong nghề này, người ta sử dụng đủ những mánh khóe, lọc lừa, kể cả nhẫn tâm, phi đạo đức (như chăn dắt người già, trẻ em; thuê, bắt trẻ con phải uống thuốc để ngủ lặc lè trên tay người đi xin…) nhằm mục đích xin được càng nhiều tiền càng tốt. Không thiếu những “ông trẻ”, những thanh niên vai u, thịt bắp hóa trang thành người khuyết tật, bệnh hoạn, lê lết khắp phố phường… kiếm sống. Để rồi cuối chiều, tìm xó xỉnh nào đó, “thay hình đổi dạng” tinh tươm, mạnh mẽ, tự thưởng cho mình vài lon bia, đánh một giấc ngon lành sau ngày “lao động” vất vả, để rồi sáng mai lại tiếp tục “hành nghề”... Cứ thế, cứ thế…!

Trong xã hội chúng ta hiện nay, cũng có người ăn xin do số phận, hoàn cảnh khốn khó đưa đẩy, họ không còn con đường mưu sinh nào khác. Còn lại thì phần lớn đều là những kẻ lười lao động, đang “kinh doanh” một mặt hàng đặc biệt-lòng tốt của người khác. Việc chính quyền các cấp có chủ trương đưa những người ăn xin, những người khốn khó thực sự, không nơi cư trú vào các cơ sở bảo trợ xã hội để nuôi dưỡng là một việc làm đầy tính nhân văn, góp phần thực hiện chính sách an sinh xã hội, hướng tới mục tiêu bền vững và đồng thời góp phần giúp lòng tốt của xã hội không bị kẻ xấu lợi dụng!