CÂU CHUYỆN CUỐI TUẦN:

Chuyện… việc tìm người!

(NTO) Anh bạn tôi sau nhiều năm “làm công” cho doanh nghiệp, cả nhà nước (thời chưa cổ phần hóa) và tư nhân (sau khi cổ phần) nay “nghỉ ngang” về nhà lập doanh nghiệp riêng để tự mình làm chủ!.

Có doanh nghiệp rồi vấn đề nhân sự cũng dễ tìm, từ anh kỹ thuật đến chị nhân viên, duy chỉ có vị trí kế toán trưởng, có am hiểu, kinh nghiệm, chuyên môn sâu... thì khó tìm hơn là tìm... giám đốc - như lời anh bạn tôi nói. Vậy là anh nhờ tìm giúp, có lẽ là biết nghề nghiệp của tôi hay quan hệ đến nhiều giới nên dễ tìm người chăng!. Tôi “hăng hái”nhận lời bạn và lục trong trí nhớ xem bạn bè có con cháu đã từng nhờ mình tìm việc, thấy cũng có vài cháu học ngành tài chính, quản trị kinh doanh, trung cấp, cao đẳng có, đại học cũng từng nhưng…đang thất nghiệp hoặc có việc mà lại trái ngành... Vậy là yên tâm để giới thiệu cho bạn “phỏng vấn”.

Các em học sinh lớp 12 tham gia Chương trình Tư vấn mùa thi 2016. Ảnh: Phạm Lâm

Vốn tính cẩn thận, tôi liên hệ trước thăm dò xem các cháu có làm được không, thì câu trả lời chung làm cho tôi thất vọng còn hơn là mình bị...mất việc, đó là: học nhưng chưa từng làm kế toán hoặc có làm nhưng đơn giản chỉ là kế toán bán hàng chuyên ghi chép, báo sổ hơn là tính toán, hạch toán... theo chuyên môn!. Và như thế cũng có nghĩa là lấy đâu ra kinh nghiệm như anh bạn tôi yêu cầu!. Hóa ra, không phải các cháu học dở mà cũng vì học lý thuyết nhưng thiếu thực hành bằng chính công việc cụ thể tại doanh nghiệp với đúng ngành học sau khi ra trường...đời. Cũng nói thêm là anh bạn tôi chỉ cần kế toán làm được việc mà không cần bằng cấp cao.

Việc thì tìm người nhưng không có người đáp ứng theo yêu cầu như câu chuyện của anh bạn tôi, trong khi trên thực tế thì người vẫn đi tìm việc nhưng không đúng ngành, nghề đào tạo. Mâu thuẫn này xuất phát từ việc thiếu thông tin về thị trường lao động đã đành mà sâu xa hơn là ngay cả định hướng nghề khi còn học phổ thông cũng không đến nơi, đến chốn. Thực tế ngay cả phụ huynh ai cũng mong muốn con mình vào đại học, còn học gì thì tùy sở thích của con em mà lẽ ra phải tư vấn hoặc nhờ tư vấn trước khi chọn ngành học để thi đầu vào. Trong khi đó, các trường cao đẳng, trung cấp nghề lại khó tuyển. Điều cũng đáng quan tâm là thông tin dự báo về vị trí việc làm để giúp các phụ huynh, học sinh có định hướng hiện còn rất mù mờ. Cho nên khi tốt nghiệp xong cầm tấm bằng trên tay lại không biết phải làm gì, ở đâu cho phù hợp với ngành, nghề đã học. Nhiều em cay đắng nhìn nhận: Sở thích là một lẽ, còn học ngành gì cần theo nhu cầu của xã hội mới mong có việc làm, bây giờ hối cũng không kịp!. Đây là một trong những nguyên nhân gây bức xúc cho xã hội về việc làm mà lâu nay chưa tìm được “lời giải” thỏa đáng.

Hiện nay đang là thời điểm học sinh cuối cấp tập trung ôn tập để dự kỳ thi “2 trong 1”: vừa thi tốt nghiệp THPT vừa lấy kết quả để dự tuyển vào đại học, cao đẳng... Kể lại câu chuyện tìm người đã nêu mong rằng các bậc phụ huynh và học sinh cần cân nhắc để tránh “vết xe đổ” là học nhưng không biết phải làm gì khi ra trường.