Vấn đề hôm nay:

Nhận diện và hành động!

(NTO) Việc sử dụng chất cấm trong chăn nuôi từ lâu đã trở thành vấn nạn không chỉ gây hại cho nền kinh tế mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe người tiêu dùng. Như báo chí đã thông tin, phổ biến là chất Salbutamol hay còn gọi là chất “bung đùi, nở vai”- chất cấm gây ung thư- được sử dụng gần như tràn lan do một số cơ sở sản xuất thức ăn gia súc trộn sẵn để bán. Có nguyên nhân khác là ngay người thu mua yêu cầu người chăn nuôi phải sử dụng nếu không sẽ từ chối mua khi xuất chuồng để kiếm lợi. Cũng có không ít trường hợp người chăn nuôi, nhất là những hộ nuôi nhỏ lẻ gia đình có thể do thiếu thông tin về các chất cấm cũng như tác hại mà chỉ “học” kinh nghiệm nuôi heo mau lớn, bán giá cao… là sử dụng. Gần đây, cơ quan chức năng còn phát hiện thêm một chất cấm mới là Cysteamine - chất tiền hoóc môn tạo nạc- cũng được người chăn nuôi sử dụng, thậm chí có địa phương người dân mua luôn viên chống hen suyễn cho người (có thành phần Salbutamol) về tán ra cho heo ăn!. Đó là chưa nói đến việc sử dụng thuốc kháng sinh sai mục đích, lạm dụng thuốc kháng sinh trong chăn nuôi…cũng thực sự trở thành vấn nạn trong đời sống xã hội.

Người tiêu dùng lựa chọn mua thịt heo tại siêu thị Thanh Hà. Ảnh: Sơn Ngọc

Để xảy ra tình trạng này còn có trách nhiệm của cơ quan chức năng từ khâu tuyên truyền đến kiểm tra việc sử dụng chất cấm đối với các cơ sở, người chăn nuôi, qua đó để kịp thời phát hiện xử lý đối với từng trường hợp vi phạm cụ thể. Một nguyên nhân khác là chế tài xử phạt còn thấp nên không đủ sức răn đe, bởi theo Nghị định số 19/2013/NĐ-CP ngày 9-10-2013 của Chính phủ, các hành vi sử dụng chất cấm trong chăn nuôi chỉ bị phạt tiền ở mức rất “dè dặt”, cụ thể nông hộ chỉ bị phạt 5 - 10 triệu đồng, bị phạt 10 - 20 triệu đồng nếu chăn nuôi trang trại…

Có thể nói, những nguyên nhân từ phía người chăn nuôi đến “lỗ hổng” trong công tác quản lý đã được “nhận diện”, vấn đề là hành động như thế nào để ngăn chặn triệt để thực trạng bức xúc đã nêu, tránh mầm độc hại đã và đang âm ỉ bào mòn sức khỏe người dân?.

Được biết, mới đây Cục Chăn nuôi (Bộ NN-PTNT) đã có văn bản gửi Sở NN-PTNT các tỉnh, thành phố cần có chỉ đạo các đơn vị chức năng triển khai đồng bộ “Phong trào ký cam kết chăn nuôi an toàn, không sử dụng chất cấm trong chăn nuôi”. Theo đó, cần rà soát, lập danh sách các cơ sở chăn nuôi heo, gia cầm thương phẩm quy mô vừa và quy mô lớn; tuyên truyền cho chủ các cơ sở chăn nuôi và người dân hiểu được ý nghĩa của việc ký cam kết chăn nuôi an toàn, không sử dụng chất cấm… Đồng thời, phải thực hiện giám sát, kiểm tra sau cam kết, phát hiện kịp thời khó khăn, vướng mắc để khắc phục và kịp thời phát hiện những kết quả tốt để tuyên dương. Ngoài ra, cần thiết lập “đường dây nóng” bao gồm số điện thoại, người thường trực để tiếp nhận và xử lý các thông tin do các tổ chức, cá nhân cung cấp về việc phát hiện các trường hợp vi phạm sử dụng chất cấm trong chăn nuôi; chăn nuôi không an toàn vệ sinh thực phẩm....

Giải pháp mạnh khác, đó là hành vi mua bán, sử dụng chất cấm đã được cụ thể hoá trong Bộ luật Hình sự sửa đổi (có hiệu lực từ 1-7-2016), với mức độ răn đe cao. Đơn cử như, đối tượng sản xuất, kinh doanh chất cấm có thể bị phạt từ 100 triệu đến 1 tỷ đồng, phạt tù 1-5 năm; vận chuyển phạt 200 triệu đồng, phạt tù 1-5 năm; sử dụng chất cấm bị phạt 200-500 triệu đồng, phạt tù 1-5 năm. Nếu có tình tiết tăng nặng có thể phạt đến 20 năm tù... Điều này cho thấy sự quyết tâm của cả hệ thống chính trị trong việc ngăn chặn vấn nạn này.

Suy cho cùng, điều quan trọng hơn cả là cần tuyên truyền mạnh mẽ, bằng nhiều hình thức hơn nữa để xã hội nói chung, người chăn nuôi nói riêng biết đây là hành vi vi phạm để tránh.