(NTO) Thực hiện Quyết định số 89/QĐ-TTg ngày 9-1-2013 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2012-2020’’ và Kế hoạch số 4438/KH-UBND ngày 23-9-2013 của UBND tỉnh về triển khai thực hiện Đề án nói trên, những năm qua tỉnh ta đã thực hiện đa dạng hóa các loại hình học tập, trong đó chỉ đạo các địa phương thành lập và duy trì hoạt động của các Trung tâm học tập cộng đồng (TTHTCĐ) - đây còn được xem như cơ sở “giáo dục thường xuyên” tổ chức tại xã, phường, thị trấn. Với hoạt động học tập phù hợp theo phương châm: Cần gì học nấy, học cái đang cần, học để làm ngay… các TTHTCĐ không những thu hút đông đảo người dân địa phương tham gia học tập mà còn làm thay đổi nhận thức. Từ đó, nhiều người đã gọi TTHTCĐ là “Nhà trường Nhân dân”.
Toàn tỉnh hiện có 65 TTHTCĐ tại 65 xã, phường, thị trấn. Hàng năm, các TTHTCĐ thường xuyên phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể ở địa phương và các cơ quan chuyên môn để tổ chức các lớp học tập, bồi dưỡng kiến thức pháp luật và các chuyên đề khoa học kỹ thuật cho người dân.
Chỉ tính trong vòng 3 năm trở lại đây, toàn tỉnh có trên 13.000 lượt lao động nông thôn được học tập, bồi dưỡng để nâng cao hiểu biết, nâng cao khả năng lao động và nâng cao chất lượng cuộc sống, chiếm tỷ lệ 7,5% tổng số lao động nông thôn toàn tỉnh. Theo tìm hiểu, hoạt động của nhiều TTHTCÐ đã mang lại hiệu quả tích cực. Ðiển hình như TTHTCĐ xã An Hải (Ninh Phước) đã đóng vai trò tích cực, chủ chốt trong việc phối hợp với các cơ quan chức năng triển khai, ứng dụng khoa học- kỹ thuật vào sản xuất cho người dân, thông qua các mô hình chuyển giao khoa học công nghệ, như kỹ thuật trồng rau an toàn, rau măng tây xanh, quy trình sản xuất táo, nho, hành tỏi, hội thảo trên đồng ruộng, tổ chức tham quan học tập tại các địa phương trong, ngoài tỉnh về thực hiện các mô hình có hiệu quả... với trên 3.730 lượt người dân của các thôn trên địa bàn xã tham gia. Qua đó tạo tiền đề cho người dân khai thác tài nguyên đất đai, tăng thu nhập, nhiều hộ vượt khó vươn lên trở thành hộ khá giả, hỗ trợ lại cho cộng đồng, cùng phát triển kinh tế, cải thiện chất lượng cuộc sống...
Thanh niên xã Lợi Hải (Thuận Bắc) được học nghề may công nghiệp tại địa phương. Ảnh: Anh Tuấn
Có thể nói, TTHTCÐ đóng vai trò quan trọng, là công cụ thiết yếu xây dựng xã hội học tập từ cơ sở. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, một số TTHTCÐ hoạt động chưa hiệu quả, nhiều trung tâm còn hoạt động mang tính hình thức; cấp ủy đảng, chính quyền một số địa phương chưa quan tâm chỉ đạo và đầu tư đúng mức cho công tác này. Sự phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể địa phương còn thiếu chặt chẽ. Một số nội dung học tập chưa thực sự xuất phát từ nhu cầu thực tế của người dân, hình thức học tập chưa đa dạng nên chưa thu hút đông đảo Nhân dân tham gia học tập thường xuyên. Đó là chưa kể một số TTHTCÐ phát huy hiệu quả trong những năm đầu thành lập, nhưng sau đó không thu hút được người học vì nội dung hoạt động không đáp ứng được với sự thay đổi trong nhu cầu học tập của cộng đồng qua thời gian…
Để nâng cao chất lượng và hiệu quả hoat động, vấn đề đặt ra là trong thời gian tới cấp ủy, chính quyền các địa phương cần đánh giá đúng vai trò của TTHTCÐ. Nhất là chính quyền cấp xã cần quan tâm đến hoạt động và coi TTHTCÐ là công cụ, phương tiện để phát triển kinh tế, xã hội, nâng cao chất lượng sống người dân. Ngoài ra, nội dung hoạt động của TTHTCÐ cần đa dạng, linh hoạt phù hợp với đặc điểm địa bàn dân cư, trình độ phát triển và điều kiện kinh tế - xã hội để đáp ứng nhu cầu học tập của Nhân dân. Ðồng thời, động viên những người có kinh nghiệm sản xuất trên từng lĩnh vực tham gia phổ biến kiến thức, chuyển giao kỹ thuật tại TTHTCÐ… Có như vậy sẽ phát huy tốt vai trò “nhà trường Nhân dân”, góp phần tích cực vào việc xây dựng xã hội học tập, thực hiện các nhiệm vụ chính trị của địa phương…
T.D