Tình thương và trách nhiệm

(NTO) Hôm nay là ngày thứ 22, cháu Pi Năng Xuân Hiếu đã qua cơn nguy kịch. Mẹ cháu là Pi Năng Thị Yếm, thôn Suối Rua, xã Phước Tiến, Bác Ái. Cháu là đứa con thứ 3, sau khi sinh được vài tuần lễ đã có dấu hiệu ngất xỉu, khó thở. Chưa đầy 2 tháng tuổi, bệnh của cháu ngày càng nặng. Khi chuyển đến Bệnh viện Đa khoa tỉnh, cháu trong tình trạng người tím tái, có hiện tượng giống như bệnh tim. Đúng ngày hôm đó, Hội Bảo trợ bệnh nhân nghèo tỉnh cùng Bệnh viện Đa khoa tỉnh phối hợp với Đoàn Y bác sĩ Bệnh viện Đại học Y Dược TP. Hồ Chí Minh khám sàng lọc bệnh tim bẩm sinh tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh, nên bác sĩ (BS) trực siêu âm cấp cứu của bệnh viện mời BS Lê Minh Khôi kiểm tra. Sau khi siêu âm, TS. BS Lê Minh Khôi khẳng định đây không phải là bệnh tim, mà do một bệnh khác ở phổi làm mất khả năng cung cấp ôxy.

 
Các bác sĩ tận tình chăm sóc cháu Hiếu.

Trước tình trạng nguy kịch của cháu Hiếu, Đoàn BS khoa Phẫu thuật tim Bệnh viện Đại học Y Dược TP. Hồ Chí Minh trao đổi với lãnh đạo bệnh viện và cách duy nhất để cứu cháu là phải khẩn trương phẫu thuật. Nếu được sự đồng ý và hợp tác của bệnh viện, thì Ths.BS. Nguyễn Anh Dũng, Phó trưởng khoa Phẫu thuật tim mạch, Bệnh viện Đại học Y Dược TP. Hồ Chí Minh sẽ trực tiếp phẫu thuật. Tình hình là vậy, nhưng cần có ý kiến từ nhiều phía: Gia đình bệnh nhân, lãnh đạo bệnh viện, kinh phí, hơn nữa người đứng ra phẫu thuật trực tiếp không phải là BS của bệnh viện.

12 giờ trưa ngày 12-3, Đoàn BS khám sàng lọc bệnh tim tạm nghỉ để dùng cơm trưa trong lúc chờ đợi Giám đốc bệnh viện mời BS Dũng phẫu thuật cho cháu Hiếu.

Sau gần 1 tiếng phẫu thuật, ca mổ tạm gọi thành công. Tối hôm ấy, chúng tôi chia tay đoàn, chị Hoàng Thị Út Lan thay mặt Hội Bảo trợ bệnh nhân nghèo tỉnh, gia đình bệnh nhân và lãnh đạo Bệnh viện Đa khoa tỉnh có lời cảm ơn đoàn. Riêng tôi, qua bài viết này muốn chia sẻ cùng bạn đọc một việc làm đầy tính nhân văn.

7 năm qua, Hội Bảo trợ bệnh nhân nghèo tỉnh đã hỗ trợ 358 bệnh nhân tim được phẫu thuật trong nước và nước ngoài trong đó có 320 ca mổ tại Bệnh viện Đại học Y Dược TP. Hồ Chí Minh, có sự tham gia của BS Dũng và BS Khôi. Ngoài ra, BS Dũng và BS Khôi đã nhiều lần đến Ninh Thuận khám sàng lọc bệnh tim cho hàng ngàn trẻ em. Họ là những thầy thuốc tận tâm, tận tình trong tầm soát và cứu chữa bệnh nhân.

Bữa cơm trưa hôm ấy, ngồi bên BS Dũng, tôi thấy anh đăm chiêu, có lẽ anh đang nghĩ về cháu Hiếu, chẳng may điều gì đến với anh chăng hay anh đang tính phương án tối ưu cho ca mổ. Tôi mạo muội động viên anh: Làm thầy thuốc sao không cứu bệnh nhân, trường hợp ngoài mong muốn có gì phải hối tiếc. Cháu Hiếu không được mổ để rồi chết hoặc mổ có thể cứu sống dù rất ít phần trăm, nhưng lại không mổ thì có gì ân hận hơn đối với người thầy thuốc. Tôi nghĩ, hay anh sợ câu nói của một triết gia nào đó “Người ta thường ân hận khi đã nói hơn là khi chưa nói”. Nhưng không, vì trách nhiệm và tình thương của người thầy thuốc, nên anh đã làm tất cả. Những người có mặt, mà trực tiếp là ê-kíp ca mổ, họ thật sự vui mừng khi ca mổ thành công bước đầu.

Việc mổ cho cháu Hiếu tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh cũng chỉ là giải nguy. Bệnh nhân cần chuyển lên tuyến trên để tiếp tục chăm sóc. Việc chuyển viện đối với gia đình chị Pi Năng Thị Yếm không dễ chút nào. Tuy vậy, việc làm ở bệnh viện hôm đó đối với bệnh nhân không chỉ là trách nhiệm của thầy thuốc, mà còn có sự chung tay của nhiều người: cán bộ hưu trí, đương chức, công nhân viên bệnh viện, người nuôi bệnh và có cả bệnh nhân, mỗi người một ít góp sức cùng gia đình để chữa trị bệnh cho cháu Hiếu. Họ hành động trước người bệnh với tất cả trách nhiệm và tình thương. Đối với BS Nguyễn Anh Dũng, ở trường hợp này, tình thương của người thầy thuốc đã vượt lên trên trách nhiệm vì họ không phải là BS của Bệnh viện Đa khoa tỉnh nhưng họ sẵn sàng làm tất cả vì người bệnh, chấp nhận rủi ro về phía mình.

Sự quyết định của lãnh đạo Bệnh viện Đa Khoa tỉnh và tập thể ê-kíp mổ cho cháu Hiếu hôm đó thật đáng trân trọng. Có lẽ trong chúng ta ai cũng nghĩ: Y đức không phải là khẩu hiệu, càng không phải là lời nói suông.