Theo ông Lê Nhượng, Phó Ban chuyên trách Dự án HTTN (DASU) huyện Bác Ái, một trong những kết quả đáng ghi nhận kể từ khi dự án được triển khai tại địa phương, đó là công tác đào tạo nâng cao năng lực cho người dân trong phát triển sản xuất và chăn nuôi. Ngoài các hình thức đào tạo truyền thống, các hình thức đào tạo mới được triển khai thực hiện khá bài bản như: Doanh nghiệp hoặc nông dân giỏi tham gia đào tạo cho nông dân; đào tạo, tập huấn kết hợp thực tiễn tại hiện trường sản xuất… đã thật sự nâng cao “tay nghề” cho nông dân và phát huy được hiệu quả trong sản xuất. Nhiều địa phương chỉ qua một, hai lớp tập huấn, nông dân đã có thể chủ động tự canh tác và phát triển nhân rộng mô hình trồng trọt, chăn nuôi của gia đình, bước đầu phát huy hiệu quả rất đáng kể.
Điển hình tại xã Phước Tân, trước đây nói đến việc trồng lúa bà con chỉ canh tác một vụ, nhiều nhất là hai vụ. Năng suất các vụ chỉ đủ để tự túc lương thực, chưa có hướng phát triển theo hướng hàng hóa. Một phần do điều kiện đất sản xuất của bà con chưa được cải tạo, hệ thống thủy lợi để tưới tiêu chưa được nâng cấp. Tuy nhiên, qua tìm hiểu nguyên nhân chính vẫn là do lối canh tác của bà con vẫn còn manh mún theo kiểu “da beo”, không tập trung chủ động để theo nước, xuống giống không đều vụ… nên năng suất sau các vụ đều bị hạn chế. Kể từ khi Dự án HTTN triển khai, trong Tiểu hợp phần liên quan đến công tác đào tạo và nâng cao năng lực cho người được hưởng lợi, thông qua nhiều lớp tập huấn trực tiếp tại hiện trường trên các cánh đồng sản xuất và cử cán bộ nông nghiệp theo dõi, hướng dẫn cho người dân các kỹ thuật, phương pháp sản xuất lúa như: kỹ thuật gieo đều vụ; bón phân; theo nước; diệt cỏ; phòng trừ sâu bệnh…, việc sản xuất lúa của nông dân xã Phước Tân đã có những chuyển biến rõ rệt, các diện tích sản xuất ngày một được mở rộng và nâng cao năng suất. Hiện nay, sản xuất lúa tại 2 cánh đồng chính của xã là Suối Vớ và Lưỡi Mẫu đã tăng từ 1 vụ/năm lên 3 vụ/năm, diện tích gieo trồng đều vụ từ 30ha/vụ lên đến gần 90ha/vụ; năng suất bình quân đạt 4,2-4,5 tạ/sào (tăng gần 1 tạ/sào so với trước).
Hay tại xã Phước Trung, thế mạnh của địa phương lâu nay là chăn nuôi. Tuy nhiên, việc chăn nuôi vẫn chỉ là kiểu thả rong tự do, ít có hộ nào biết dự trữ thức ăn, nuôi nhốt theo hướng chuồng trại, vỗ béo, sinh sản. Trong quá trình triển khai hỗ trợ trực tiếp con giống cho các tổ, nhóm sở thích phát triển chăn nuôi, Dự án HTTN cũng đã cử cán bộ mở kèm theo nhiều lớp tập huấn, hướng dẫn bà con các phương pháp chăn nuôi mới, kỹ thuật chăm sóc đàn vật nuôi vào các mùa; phương pháp dự trữ thức ăn… Thông qua những buổi tập huấn đó, ý thức về chăn nuôi theo “hướng mới” của người dân xã Phước Trung đã được nâng cao rõ rệt.
Thực tế, về xã Phước Trung trong những ngày tâm điểm mùa hạn hán, có thể thấy việc dự trữ nguồn thức ăn cho đàn gia súc của bà con khá bài bản. Từ những phụ phẩm rơm rạ, cho đến cây, cỏ, lá đều được bà con dự trữ khá “khoa học”. Một số hộ còn trang bị cả hộp thuốc thú y ngay tại chuồng trại theo chỉ dẫn của cán bộ nông nghiệp. Do đó, đàn vật nuôi của địa phương, đặc biệt là của các tổ, nhóm chung sở thích đều phát triển khá tốt.
Theo đánh giá của DASU huyện, kể từ khi Dự án HTTN được triển khai, toàn huyện đã tổ chức gần 150 khóa tập huấn giúp nâng cao kiến thức cho hơn 4.200 người dân về kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt và sản xuất, kinh doanh. Qua kết quả khảo sát thực tế mới đây, từ các hoạt động nâng cao năng lực, trong đó về nâng cao năng lực sản xuất trong chăn nuôi và trồng trọt thì tỷ lệ học viên sau khi được tập huấn, có thu nhập tăng cao gần 25% so với trước.
Nguyễn Sơn