Nâng cao ý thức trách nhiệm trong công tác an toàn vệ sinh lao động, phòng chống cháy nổ

(NTO) Công tác quản lý an toàn vệ sinh lao động, phòng chống cháy nổ (ATVSLĐ, PCCN) được các ngành chức năng quan tâm, tuy nhiên, thời gian qua, vẫn xảy ra nhiều vụ tai nạn lao động, cháy nổ (TNLĐ, CN) gây thiệt hại về người và tài sản.

Theo thống kê của Sở LĐ-TB&XH, năm 2015, toàn tỉnh xảy ra 15 vụ TNLĐ, làm 5 người chết, 5 người bị thương nặng, tăng 2 vụ, 2 người chết so với năm 2014. Nguyên nhân chủ yếu do người lao động (NLĐ) bất cẩn, sơ ý hoặc không thực hiện đúng quy trình kỹ thuật trong vận hành máy móc, sản xuất; do tai nạn giao thông trên đường đến nơi làm việc hoặc ngược lại (6 vụ). Toàn tỉnh còn xảy ra 15 vụ CN, làm bị thương 1 người, thiệt hại tài sản gần 2 tỷ đồng. Trong đó, cháy nhà dân 8 vụ, khu vực kinh tế tư nhân 6 vụ, kinh tế nhà nước 1 vụ. Nguyên nhân chủ yếu là do sự cố điện, sự cố rò rỉ đường ống dẫn dầu, sự cố kỹ thuật...

Người lao động làm việc trong môi trường độc hại, nguy hiểm
vẫn chưa được trang bị bảo hộ lao động theo đúng quy định.

Ông Trần Văn Trưa, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH, cho biết: Công tác quản lý nhà nước về ATVSLĐ, PCCN gặp rất nhiều khó khăn, hạn chế. Mặc dù ngành chức năng tăng cường thanh tra, kiểm tra, tuyên truyền, vận động..., tuy nhiên nhiều chủ doanh nghiệp (DN), nhất là tại các DN khu vực ngoài nhà nước. Do sợ tốn kém chi phí, nhiều DN không trang bị đầy đủ bảo hộ lao động cho NLĐ, các trang thiết bị PCCC; không có cán bộ chuyên trách về công tác ATVSLĐ, PCCN, không thành lập đội an toàn vệ sinh viên cho cơ quan, đơn vị theo đúng quy định pháp luật. Riêng trong lĩnh vực PCCN, thời gian qua, các ngành chức năng đã phối hợp tổ chức kiểm tra an toàn PCCC được 800 lượt cơ sở, lập 775 biên bản kiểm tra, kiến nghị và hướng dẫn khắc phục 2.104 sơ hở, thiếu sót. Qua kiểm tra, đã phát hiện và lập biên bản vi phạm về quy định an toàn PCCC 22 trường hợp, xử lý phạt tiền 92 triệu đồng. Các ngành còn tổ chức thanh tra công tác an toàn trong sử dụng vật liệu nổ công nghiệp tại 6 DN; giám sát, kiểm tra tại 2 công trường, 4 điểm khai thác khoáng sản và 5 kho chứa vật liệu nổ công nghiệp; thanh tra công tác an toàn trong hoạt động chiết nạp khí hóa lỏng (LPG) tại 1 trạm chiết nạp LPG vào chai. Kết quả thanh tra có 1 vụ vi phạm, với số tiền xử phạt là 3 triệu đồng.

Việc cải thiện môi trường làm việc, chăm lo sức khỏe cho NLĐ cũng chưa được quan tâm đúng mức. Theo số liệu báo cáo của 113 cơ quan, đơn vị, DN trên địa bàn tỉnh, năm 2015 có 8.577 NLĐ được khám sức khỏe định kỳ; trong đó: Sức khỏe loại I chiếm 32,6%, sức khỏe loại II chiếm 31,1%, sức khỏe loại III chiếm 23,1%, sức khỏe loại IV chiếm 11%, sức khỏe loại V chiếm 2,2%.

Công tác báo cáo định kỳ về bảo hộ lao động, TNLĐ cũng chưa được DN thực hiện nghiêm túc. Trung bình hàng năm chỉ có khoảng 50% DN thực hiện công tác này, nhiều DN có báo cáo nhưng chưa đầy đủ, sơ sài, nhằm để đối phó… Trong khi đó, do nguồn nhân lực của ngành chức năng còn thiếu và yếu, việc thực hiện các biện pháp chế tài còn mang tính nể nang, nên công tác quản lý nhà nước về ATVSLĐ của các cơ quan chức năng chưa chặt chẽ, toàn diện…

Trong khi chủ DN chưa quan tâm, công tác quản lý còn nhiều hạn chế, NLĐ cũng chưa nhận thức rõ về tầm quan trọng của công tác ATVSLĐ, PCCN, chủ quan, sơ ý trong quá trình lao động, sản xuất đã dẫn đến các vụ TNLĐ, CN trong thời gian qua.

Nhằm khắc phục những hạn chế trong công tác quản lý, nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm của người sử dụng lao động và NLĐ, thời gian tới, các ngành, các cấp tiếp tục duy trì, đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, vận động, thường xuyên tổ chức huấn luyện ATVSLĐ, PCCN cho NLĐ, đặc biệt là tại các DN ngoài khu vực nhà nước, các làng nghề, hợp tác xã tiểu thủ công nghiệp. Tổ chức cho các cơ quan, đơn vị ký cam kết thực hiện các mục tiêu cải thiện môi trường làm việc; yêu cầu các đơn vị đầu tư, thường xuyên kiểm tra, quản lý tốt các thiết bị, máy móc, vật tư, chất có yêu cầu nghiêm ngặt về ATVSLĐ; kiểm tra các dụng cụ, phương tiện PCCC, kịp thời thay thế và bổ sung những thiết bị hư hỏng. Tập trung rà soát, đôn đốc và kiểm tra việc thực hiện chế độ báo cáo định kỳ về bảo hộ lao động, tình hình TNLĐ và bệnh nghề nghiệp của các DN trên địa bàn tỉnh, biểu dương, khen thưởng kịp thời đối với tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc; đồng thời, thực hiện nghiêm các biện pháp chế tài đối với những tập thể, cá nhân vi phạm trong công tác ATVSLĐ, PCCN.