Khẩn trương đưa nước về vùng hạn
Theo thống kê của Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn tỉnh, hiện toàn tỉnh đã có 87% dân số có nước sinh hoạt, tuy nhiên, trong đó chỉ có 55% người dân được sử dụng nước sạch theo tiêu chuẩn của Bộ Y tế. Những địa bàn chưa có hệ thống nước sạch thường là vùng sâu, vùng xa, miền núi. Đơn cử như tại thôn Phước Diêm 1, Phước Diêm 2 và Lạc Tân 3 (xã Phước Diêm, Thuận Nam), với gần 6.000 nhân khẩu, từ nhiều năm nay, người dân rất khó khăn về nguồn nước sinh hoạt. Trước đây, người dân sử dụng nguồn nước từ hệ thống cấp nước của Doanh nghiệp tư nhân Khai thác nước Thạnh Đức. Nhưng đến nay, nguồn nước này không đủ đáp ứng nhu cầu nước sinh hoạt cho người dân.
Công nhân khẩn trương thi công đường ống dẫn nước phục vụ người dân xã Phước Diêm (Thuận Nam).
Ảnh: Hồng Lâm
Trong đợt khảo sát thực tế, lãnh đạo UBND tỉnh đã chỉ đạo chính quyền địa phương cùng các ban, ngành liên quan phải khẩn trương huy động mọi nguồn lực tập trung cho công tác cấp nước sinh hoạt cho bà con trong thời gian sớm nhất có thể. Trên tinh thần chỉ đạo đó, UBND huyện, xã đã huy động mọi nguồn lực gấp rút triển khai thi công đấu nối đường nước sinh hoạt đến người dân. Ông Nguyễn Văn Tơ, thôn Thương Diêm 1, cũng như nhiều hộ dân ở địa phương rất phấn khởi khi dự án đang được gấp rút hoàn thành. “Tôi rất vui khi có chủ trương đấu nối hệ thống nước cũ không hiệu quả với hệ thống nước của Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn, nhằm đảm bảo nguồn nước vệ sinh và ổn định, lâu dài. Người dân có nước sẽ không lo khó khăn mỗi khi khô hạn nữa”- ông Tơ cho biết.
Đến thời điểm này, công tác triển khai thi công đường ống dẫn nước sinh hoạt đến các khu dân cư cơ bản đã theo đúng tiến độ đề ra, với khối lượng công việc đạt trên 50%. Dự kiến đến đầu tuần sau, hệ thống đường ống sẽ được đấu nối đến các địa điểm tại các thôn, kinh phí dự kiến là 430 triệu đồng được trích từ nguồn ngân sách chống hạn của địa phương.
Tiếp tục mở rộng phạm vi phục vụ
Trong điều kiện còn nhiều khó khăn, tỉnh ta vẫn quan tâm ưu tiên nguồn vốn và huy động các nguồn lực đầu tư xây dựng hệ thống cấp nước sinh hoạt cho người dân các địa phương. Trong năm 2015, từ nguồn vốn hỗ trợ chống hạn của Trung ương, tỉnh ta đã đầu tư trên 54 tỷ đồng để thực hiện 21 công trình cấp nước để kịp thời đáp ứng nhu cầu nước sinh hoạt đảm bảo ổn định, hợp vệ sinh theo tiêu chuẩn của Bộ Y tế cho 63.407 người dân.
Để đảm bảo lâu dài đủ nguồn nước phục vụ cho sinh hoạt trên địa bàn, UBND tỉnh cũng đã chỉ đạo các sở, ngành liên quan khẩn trương đẩy nhanh tiến độ đầu tư dự án xây dựng Nhà máy cấp nước 70.000m3/ngày tại xã Lợi Hải (Thuận Bắc) bằng nguồn vốn xã hội hóa. Đồng thời, giao Công ty Cổ phần Cấp nước Ninh Thuận đẩy nhanh việc nâng cấp hệ thống xử lý nước của Nhà máy nước Tháp Chàm; tăng công suất nhà máy phục vụ nhu cầu cấp nước trong thời gian tới, có trách nhiệm tiếp tục thực hiện dịch vụ cấp nước khu đô thị và vùng lân cận. Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn tiếp tục thực hiện dịch vụ cấp nước tại khu vực nông thôn.
Theo kế hoạch trong năm 2016, tỉnh ta sẽ tiếp tục đầu tư trên 43,8 tỷ đồng thực hiện đấu nối, vận chuyển cấp nước sinh hoạt cho Nhân dân. Về lâu dài, quyết tâm phấn đấu nâng tỷ lệ hộ được cấp nước sinh hoạt từ 87% hiện nay lên 95% vào năm 2020. Để hoàn thành mục tiêu này, tỉnh ta hiện đã được Chính phủ chọn là một trong 21 tỉnh triển khai thực hiện Chương trình mở rộng quy mô vệ sinh và nước sạch nông thôn dựa trên kết quả (gọi tắt là WB3). Đây là tín hiệu vui đối với địa phương, góp phần quan trọng vào việc cung cấp nước sạch, nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân vùng nông thôn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, nhất là trong tình hình hạn hán nghiêm trọng hiện nay.
Việc đầu tư mở rộng hệ thống cấp nước sinh hoạt cho các địa phương khó khăn về nguồn nước là việc làm cấp thiết đáp ứng nhu cầu của người dân; với mục tiêu không để dân đói, không để dân khát, đặc biệt trong tình hình khô hạn như hiện nay.
Anh Tuấn