Tạo sức bật cho sản xuất nông nghiệp
Ninh Hải được xem là một trong những địa phương ứng dụng KHCN vào sản xuất nông nghiệp khá hiệu quả những năm gần đây. Với hàng chục mô hình được triển khai thông qua các nguồn vốn sự nghiệp nông nghiệp, Chương trình mục tiêu quốc gia Nông thôn mới... có thể kể ra, như: mô hình thâm canh lúa lai, mô hình cơ giới hóa nông nghiệp, mô hình trồng tỏi theo hướng VietGAP, mô hình thâm canh giống nho mới... Theo đó, có một số mô hình đã thực sự phát huy tác dụng và được nhân rộng bởi tính hiệu quả đạt được cả về kinh tế và ý nghĩa xã hội. Cụ thể như, trong thời kỳ nắng hạn gay gắt, cây trồng thiếu nước tưới nghiêm trọng, mô hình tưới tiết kiệm được xem là ”cứu cánh” của nhiều địa phương, nhằm tránh hao phí nguồn nước, nhất là ở những vùng ”tâm hạn”.
Diêm dân xã Tri Hải (Ninh Hải) ứng dụng công nghệ muối trải bạt vừa rút ngắn thời gian phơi từ 2-3 ngày
, giá bán cao hơn 180-200 ngàn đồng/tấn so với sản xuất muối đất truyền thống. Ảnh: Mai Dũng
Đó là chưa nói đến việc phải tốn rất nhiều nhân công cho đợt tưới, tăng chi phí sản xuất. Trong khi với mô hình tưới tiết kiệm nước lại có khá nhiều ưu điểm, giúp tiết kiệm 20 – 30% lượng nước tưới, đồng thời chỉ cần 1 người khởi động máy và đi kiểm tra, giảm từ 2 – 3 công nhưng chất lượng và năng suất cây trồng không ảnh hưởng, thậm chí còn tiết kiệm được lượng phân bón đáng kể. Đó là chưa kể một số nơi mô hình này đã tiết kiệm được chi phí nước từ 50 – 70% so với tưới tràn, tiết kiệm công lao động từ 8 – 12 triệu đồng/ha/vụ. Hiện nay, trên địa bàn huyện đã triển khai tưới tiết kiệm với tổng diện tích trên 190 ha, trong đó chủ yếu là tưới phun cho hơn 180 ha cây nho (Vĩnh Hải 150 ha, Nhơn Hải 30 ha), còn lại trên cây rau, hành, tỏi... ở các xã Thanh Hải, Nhơn Hải, Vĩnh Hải. Mô hình „1 phải 5 giảm“ trên cây lúa cũng đã mang lại hiệu quả cao cho nông dân. Chỉ tính trong năm 2015, toàn huyện đã mở rộng quy mô với diện tích gần 920 ha, trong đó nhiều nhất là xã Xuân Hải 742 ha, theo hướng xây dựng cánh đồng lớn, tập trung sản xuất các giống lúa chất lượng cao, đạt năng suất. Theo tính toán của nhiều nông hộ, trước đây lượng giống gieo từ 25 – 30 kg/sào nay giảm còn 15 – 20 kg/sào, từ đó giảm được lượng phân bón và thuốc bảo vệ thực vật đáng kể, góp phần giảm chi phí sản xuất. Năng suất lúa ứng dụng mô hình đạt bình quân 7,5 tấn/ha, cao hơn 0,5 – 0,8 tấn/ha; lợi nhuận trung bình khi áp dụng mô hình đạt 24,3 triệu đồng/ha, cao hơn gần gấp đôi so với ruộng đối chứng. Ngoài ra, hầu hết các cánh đồng hiện đã thu hoạch bằng máy gặt đập liên hợp vừa giảm thất thoát sau thu hoạch, tăng hiệu quả kinh tế. Có thể nói, số lợi nhuận tăng thêm không nhỏ như đã nêu trên từng bước giúp cho nông dân vừa cải thiện cuộc sống, vừa tích lũy tái sản xuất.
Mô hình tưới nước tiết kiệm cho hoa màu của nông dân xã An Hải (Ninh Phước). Ảnh: Văn Miên
Trong lĩnh vực khai thác thủy sản, với mô hình áp dụng máy dò ngang cho thấy hiệu quả rất cao, đó là cho phép tàu cá mở rộng phạm vi dò lên từ 300m đến hơn 1.000m tùy theo công suất máy dò. Từ đó, khả năng phát hiện đàn cá lớn hơn giúp giảm chi phí di chuyển so với máy dò đứng trước đây, nhờ đó, sản lượng tăng lên từ 200% đến 280%. Hay như ứng dụng mô hình muối trải bạt đã rút ngắn thời gian phơi từ 2 – 3 ngày, tăng sản lượng trên một đơn vị diện tích, chất lượng muối tốt hơn, giá bán cao hơn 180 – 200 ngàn đồng/tấn... so với sản xuất muối đất truyền thống.
Đối với huyện Ninh Phước, việc ứng dụng tiến bộ KHCN vào sản xuất nông nghiệp cũng được thực hiện khá bài bản với sự hưởng ứng cao của không ít nông hộ, góp phần thúc đẩy phát triển sản xuất nông nghiệp ổn định, bền vững, theo hướng đa dạng hoá các sản phẩm có khả năng cạnh tranh trên thị trường. Trong năm 2015, mô hình “1 phải, 5 giảm” trên cây lúa toàn huyện đạt diện tích gần 3.540 ha; mô hình “Sản xuất rau an toàn” với diện tích 242 ha; mô hình sản xuất theo hướng VietGAP trên cây nho, cây táo; bắp nhân giống 423 ha... Các mô hình nêu trên đều mang lại hiệu quả đáng kể trên đầu diện tích.
Nông dân huyện Ninh Phước đưa cơ giới hóa vào sản xuất lúa. Ảnh: N.A T
Vẫn còn không ít thách thức!
Bên cạnh những kết quả khả quan như đã nêu trên, thực tế cho thấy việc ứng dụng KHCN vào sản xuất vẫn còn phải đối mặt với không ít khó khăn. Đó là, tình hình biến đổi khí hậu dẫn đến hạn hán kéo dài gây thiệt hại đáng kể cho sản xuất nông nghiệp. Thêm vào đó, nhận thức của một bộ phận nông dân về việc triển khai các mô hình một số nơi còn hạn chế, tập quán canh tác nhỏ lẻ vẫn còn phổ biến. Một số địa phương chưa chủ động trong việc lựa chọn đối tượng tham gia và khả năng nhân rộng mô hình. Chủ trương chuyển đổi cây trồng, con vật nuôi thực hiện còn nhỏ lẻ, chưa quy hoạch được vùng chuyên canh cây trồng, gắn với quy hoạch hệ thống thủy lợi; việc xác lập công thức canh tác cho từng vùng còn thiếu đồng bộ và chưa theo kịp với yêu cầu phát triển. Một số cơ chế chính sách chưa tạo sức thu hút vốn đầu tư của các thành phần kinh tế. Việc bao tiêu sản phẩm còn hạn chế khiến nông dân khó tìm đầu ra khi sản xuất nông sản với khối lượng lớn. Đó là chưa đề cập đến hoạt động ứng dụng KHCN vào sản xuất còn nhiều “điểm vướng” như: Sự phối hợp giữa các sở, ngành, các huyện trong quản lý các hoạt động khoa học và công nghệ chưa thường xuyên và chặt chẽ. Cán bộ quản lý Khoa học và Công nghệ cấp huyện vẫn kiêm nhiệm, nên theo dõi công việc chưa được liên tục, thường xuyên, thiếu chủ động trong việc đề xuất triển khai các chương trình, hoạt động KHCN trên địa bàn. Đáng nói nữa là hầu như chưa có kinh phí cho hoạt động này, nên bị động trong việc tổ chức thực hiện.
Ứng dụng công nghệ tưới phun trong trồng cỏ chăn nuôi nhằm tiết kiệm nước. Ảnh: Mai Dũng
Trong giai đoạn phát triển mới, việc tăng cường đầu tư cho các chương trình chuyển giao ứng dụng tiến bộ KHCN; khuyến khích, tạo điều kiện gắn kết giữa nông dân và doanh nghiệp, đảm bảo đầu ra cho sản phẩm... luôn là yêu cầu bức thiết đặt ra. Do vậy, tỉnh cần có chiến lược đào tạo, nâng cao trình độ nhất là mạng lưới cán bộ khuyến nông ở các xã để góp phần nâng cao chất lượng và hiệu quả của quá trình chuyển giao, ứng dụng KHCN vào sản xuất nông nghiệp.
Mai Dũng