Có đến với nhiều địa phương rơi vào “tâm hạn” mới thấu cảm được khó khăn chồng chất khó khăn của không ít người dân bởi cuộc sống không chỉ đơn thuần là “cơm ăn”, “nước uống” mà còn nhiều nhu cầu khác nhất là y tế, học hành... mà các nhu cầu này đều dựa vào thu nhập từ sản xuất. Có nơi liên tục từ năm 2015 đến nay, nghĩa là qua 4 vụ không có nước để sản xuất dẫn đến kiệt quệ tài chính... Đáng quý là nhiều người dân không trông chờ, ỷ lại vào hỗ trợ của Nhà nước mà chủ động bằng nhiều giải pháp để “vượt hạn”. Đáng nể phải kể đến tinh thần quyết liệt chống hạn của người dân quanh khu vực hồ Ông Kinh (Ninh Hải). Từ lòng hồ hàng trăm đường ống nước chằng chịt “rồng rắn” “bò” lên bờ hồ để tỏa về các khu đất sản xuất của người dân, có nơi phải kéo dài hàng ngàn mét ống mới đến nơi.
Bà con nông dân vùng "tâm hạn" Đồng Dày (Phước Trung, Bác Ái) nỗ lực đào ao gieo trồng cây bắp trên đất lúa trong vụ đông xuân 2015- 2016.
Ảnh: Sơn Ngọc
Việc tự tìm nguồn nước bằng giếng khoan cũng rất phổ biến ở nhiều địa phương. Nhiều nông hộ đã chủ động chuyển cây trồng ít sử dụng nước như trồng cỏ, trồng rau màu thay cho cây nho vốn gắn bó và là nguồn lợi lớn cho nhiều nhà nông... Có nông dân “cảm thán” cho rằng, để có thu nhập thì phải chọn cây trồng phù hợp với nguồn nước ít ỏi hiện có, phải đưa tiết kiệm nước lên hàng đầu rồi mới tính đến cây trồng. Đối với đàn gia súc, hạn hán rơi vào thời điểm thu hoạch vụ Đông Xuân nên nhiều bà con đã lùa đàn gia súc về các đám ruộng đã thu hoạch để tận dụng phụ phẩm, giải quyết nguồn thức ăn trước mắt, đồng thời mua rơm dự trữ cho những tháng sau...
Theo báo cáo của ngành Nông nghiệp, việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng để chống hạn đến nay gần 1.300 ha, chủ yếu là đậu xanh, bắp và cỏ chăn nuôi. Đây là những cây trồng ít sử dụng nước, vượt xa đến 22,3% so với kế hoạch ban đầu. Điều này cũng có nghĩa là đã có chuyển biến tích cực trong nhận thức từ lãnh đạo địa phương trong công tác chỉ đạo đến nông dân. Tuy nhiên, thực tế vẫn còn nhiều nông dân “dè dặt” trong việc chuyển cây lúa, cây màu sang cây trồng cạn. Theo tìm hiểu của chúng tôi có mấy lý do sau: Trước tiên là thiếu quy hoạch bài bản trong việc chuyển đổi nhất là đất lúa, kế đến là tình trạng sản xuất manh mún, thiếu đồng nhất trên cùng cánh đồng nên khó chuyển. Đó là chưa nói chất đất liệu có phù hợp với những cây trồng được khuyến cáo!. Vấn đề đầu ra của sản phẩm cũng làm bà con “chùn bước”, vì yên tâm sao được khi mà sản xuất nhưng không biết bán cho ai, giá cả ra sao? Ngay cả lãnh đạo địa phương cũng chỉ dừng lại ở việc động viên, tuyên truyền, còn “đầu ra” thì để nông dân tự lo lấy!. Bài học nhãn tiền “được mùa mất giá” làm cho không ít nông hộ phải thấm thía nên chưa mạng dạn cũng là điều dễ hiểu.
Để giúp nông dân “sống chung với hạn” cần thay đổi “tư duy” đồng bộ từ ngành chức năng đến lãnh đạo địa phương và nông dân. Mặt khác cũng cần có quy hoạch chi tiết từng vùng, xác định từng cây trồng cụ thể gắn với mối “liên kết 4 nhà”, nhất là với doanh nghiệp trong đầu tư đến bao tiêu sản phẩm. Có như vậy mới tránh được tình trạng “cháy đâu chữa đó”, thiếu căn cơ, như vậy thì chống hạn khó đạt hiệu quả cả kinh tế lẫn an sinh xã hội.
H.H