Thấy vậy, chị cùng cơ quan cho ngay bài học: Cánh đàn ông sau ba ngày tết “điên” hết rồi, bỏ nhà đi “bụi” coi là sướng, thật vô trách nhiệm? Này, các bà ngày tết sung sướng, biết gì cánh đàn ông chúng tôi khổ ra sao mà phê phán!? Không khí đầu xuân xem ra có nguy cơ… xung đột nên cô trưởng phòng xinh đẹp đành xen vô: Ai sướng, ai khổ lát nữa ta bàn tiếp!
Đã thành thông lệ, sáng ngày đầu năm mới, cơ quan chỉ giải quyết những việc khẩn, thời giờ còn lại để anh chị em thăm hỏi chúc tết nhau. May mà mọi việc quan trọng đã xử lý trước tết nên chủ đề ai sướng, ai khổ trở nên hào hứng, sôi động hơn cả không khí ngày ba mươi tết. Cánh phụ nữ kể lể bao nhiêu chuyện khổ mình gánh hết: Nào lo quần áo mới, giày dép cho chồng-con, rồi đồ ăn thức uống, quét dọn nhà cửa, lo phục vụ tiếp khách, tiệc tất niên… toàn những việc không tên, tốn thời gian công sức và… tiền triệu cứ như không cánh mà bay. Cánh đàn ông chỉ biết hưởng thụ, không cảm ơn còn cho rằng mình mới là người khổ!? Nếu không có tết chị em chúng ta tệ lắm cũng sắm được vài khâu (chỉ vàng), vậy nên cánh phụ nữ là khổ nhất! Thế rồi các chị kết luận: Ông nào cho rằng ngày tết phụ nữ sướng thì chỉ có nóng đầu!!!
Nghe các chị, các cô thống kê nỗi khổ ngày tết, cánh đàn ông dịu giọng. Này, mấy mẹ “sư tử”, tụi này đâu dám phê phán. Các “mẹ” ngày tết sướng là bởi được dịp trổ tài nội trợ, chăm sóc chồng con… nghĩa là chu đáo mọi bề. Cứ để ý xem, khách đến nhà chỉ khen các chị (nào phòng khách trang trí đẹp, xinh đẹp-dịu dàng, đồ ăn ngon, thức uống chất lượng…), nội ngoại hai bên khen dâu khéo, dạy con giỏi, cháu ngoan. Vậy nên cánh đàn ông chỉ biết cảm ơn, nếu có ý gì khác thì chỉ có cách ra… đường ở. Các chị đúng là tiên nữ rồi còn gì nữa! Nghe mềm lòng, cánh phụ nữ nhỏ nhẹ: Nhưng sao lúc nãy mấy ông nói tết không ở nhà là sướng? Đấy, bởi các bà cứ nghĩ đàn ông đi công tác xa nhà, nhất là dịp tết đều có vấn đề (?) nên thành to chuyện. Cái khổ ba ngày tết của đàn ông ở nhà là tiếp khách, thăm chúc tết sếp, bạn bè thân quen… và thuộc lòng điệp khúc “nâng lên hạ xuống”, uống nhiều ăn ít không theo giờ giấc, quy luật nào cả. Những lần có khách đến nhà, sử dụng quyền trợ giúp “gọi điện cho người thân” nhờ mấy chị (uống bia, rượu) giúp chồng nhưng có chị nào hăng hái. Thế nên đàn ông đích thực ngày tết sẽ khổ!
Được các anh trải lòng, mấy chị mới vỡ lẽ “cái khổ” của các anh ngày tết là như thế. Nếu tổ chức xét nghiệm có đến gần 100% đàn ông nồng độ cồn vượt quy định. Sự quá tải rượu bia do tiếp khách, vui xuân chén chú chén anh cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến tai nạn giao thông gia tăng đột biến trong những ngày tết cổ truyền của dân tộc. Nếu mỗi người, mỗi gia đình không biết làm chủ bản thân thì ngày tết không chỉ là việc “ai khổ, ai sướng” mà còn dẫn đến nguy hại về sức khoẻ mà có tiền cũng không mua được và sự xuống cấp “văn hóa tết” của người Việt.
“Mùng một tết cha, mùng hai tết mẹ, mùng ba tết thầy” là nét đẹp thuần túy của Tết Việt. Vậy thì mỗi chúng ta phải biết gìn giữ, làm sâu sắc hơn văn hoá tết của dân tộc trở thành di sản để giới thiệu với các dân tộc khác trên thế giới. Nếu làm được như vậy thì việc “ai khổ, ai sướng” trong ba ngày tết sẽ trở nên thân thương hơn bao giờ hết!
Thanh Tâm