(NTO) Ngày 28-11-1959, báo Nhân dân đăng bài “Tết trồng cây” của Bác Hồ với bút danh Trần Lực, kêu gọi mọi người, mọi nhà, mọi đoàn thể, địa phương cùng tích cực thi đua trồng, chăm sóc cây xanh và đề nghị tổ chức một ngày “Tết trồng cây” trong cả nước. Từ đó đến nay, lời phát động “Tết trồng cây” của Bác Hồ đã đi vào nếp sống thường nhật của Nhân dân, trở thành một phong trào quần chúng sâu rộng, một phong tục đẹp, một hoạt động văn hóa giàu ý nghĩa mỗi dịp Tết đến, Xuân về.
Công viên 16 Tháng 4 môi trường xanh mát thu hút các em học sinh đến vui chơi, múa hát. Ảnh: Sơn Ngọc
Thực hiện lời dạy của Bác Hồ “Mùa xuân là Tết trồng cây, làm cho đất nước càng ngày càng xuân”, trong những năm qua, phong trào trồng cây, trồng rừng và bảo vệ rừng của tỉnh đã mang lại nhiều lợi ích to lớn và trở thành nét đẹp văn hóa truyền thống của Nhân dân. Chỉ tính trong năm 2015, toàn tỉnh tiếp tục trồng mới 986 ha rừng tập trung và hàng ngàn cây phân tán ở các địa phương, góp phần nâng tỷ lệ che phủ rừng lên 45%. Bên cạnh đó, các huyện, thành phố còn chú trọng trồng cây xanh ở các công viên, hè phố, các cơ quan, trường học…
Qua đó, góp phần cải tạo môi trường sống, tạo không gian sinh thái xanh - sạch - đẹp, nhất là ở đô thị.
Ngày nay, trước tác động của biến đổi khí hậu toàn cầu đe dọa trực tiếp đến cuộc sống của mỗi chúng ta. Không đâu xa, ngay trong năm 2015 tình trạng hạn hán kéo dài và trên diện rộng ảnh hưởng lớn đến sản xuất nông nghiệp và đời sống của một bộ phận người dân nên tỉnh ta phải công bố tình trạng thiên tai. Từ đầu năm 2016 đến nay hạn hán tiếp tục diễn ra trên địa bàn tỉnh nói riêng và nhiều tỉnh đồng bằng sông Cửu Long, mới đây tỉnh Bến Tre cũng buộc phải công bố thiên tai xâm nhập mặn… Cho nên, vấn đề bảo vệ môi trường để phát triển kinh tế bền vững càng quan trọng hơn bao giờ hết. Do vậy, “Tết trồng cây” lại càng có ý nghĩa to lớn trong việc trồng cây, bảo vệ môi trường sống; giảm bớt những hậu quả do thiên tai; trồng cây tại các khu đô thị, khu công nghiệp, trong thôn xóm, dọc đường giao thông nông thôn, ở các trường học, công viên… tạo môi trường “xanh- sạch- đẹp”; đồng thời, nâng cao ý thức bảo vệ rừng, ngăn chặn tình trạng phá rừng, khai thác rừng trái pháp luật, cải thiện chất lượng rừng và môi trường sinh thái, nâng cao độ che phủ của rừng… Và như vậy, sau mỗi “Tết trồng cây”, lại có thêm hàng ngàn cây xanh được trồng. Việc làm đó đã và đang mang lại lợi ích nhiều mặt cho địa phương, đơn vị và hộ gia đình.
Vấn đề cũng cần đặt ra là để “Tết trồng cây” thực sự có ý nghĩa như mong muốn của Bác, điều quan trọng không chỉ là trồng được nhiều cây, mà còn là trồng cây nào sống cây đó, tránh để tình trạng trồng cây cho có phong trào rồi… “sống chết mặc bay”!… Mới đây, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch hành động “Phát triển cây xanh đô thị bằng phương thức xã hội hóa năm 2016 và giai đoạn 2016-2020 trên địa bàn tỉnh”. Theo đó, tận dụng và phát huy tối đa nguồn lực của cộng đồng xã hội để chung tay phát triển cây xanh đô thị, phấn đấu đến năm 2020 diện tích cây xanh đô thị bình quân đầu người đạt từ 8-10m2 đối với Tp. Phan Rang-Tháp Chàm, từ 4-5m2 đối với các thị trấn Tân Sơn, Khánh Hải, Phước Dân,… Như vậy, đây cũng là cách làm thiết thực cụ thể hóa Đề án “Chung tay xây dựng Ninh Thuận xanh-sạch-đẹp”. Để Kế hoạch nêu trên sớm trở thành hiện thực, quan trọng bậc nhất vẫn là người dân đồng thuận thực hiện trồng, chăm sóc, bảo vệ cây xanh.
HH