Nhận diện hộ nghèo theo hướng đa chiều để tìm giải pháp giảm nghèo bền vững

(NTO) Theo báo cáo của UBND tỉnh, kết quả điều tra hộ nghèo, hộ cận nghèo (HN, HCN) năm 2015 theo Quyết định 59/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều áp dụng cho giai đoạn 2016-2020, tổng số HN, HCN trên địa bàn tỉnh ta là 37.810 hộ, chiếm 23,75% dân số toàn tỉnh. Trong đó: 23.767 HN, chiếm 14,93% và 14.043 HCN, chiếm 8,81% (xấp xỉ số HN, HCN do Tổng cục Thống kê và Văn phòng Quốc gia về giảm nghèo dự kiến là 23,4% đối với tỉnh ta). Thành phố Phan Rang-Tháp Chàm có tỷ lệ HN, HCN thấp nhất, huyện Bác Ái có tỷ lệ HN, HCN cao nhất. Phân theo khu vực, khu vực thành thị có 2.903 HN, chiếm 4,88%; 4.317 HCN, chiếm 7,26%; khu vực nông thôn 20.864 HN, chiếm 20,92%; 9.726 HCN, chiếm 9,75% dân số toàn tỉnh.

 
Lãnh đạo Tỉnh đoàn trao Nhà nhân ái cho gia đình ông Nguyễn Văn Bình (thôn Nho Lâm, xã Phước Nam, huyện Thuận Nam). Ảnh: Phan Hiếu
 

Đồng chí Hà Anh Quang, Giám đốc Sở LĐ-TB&XH, cho biết: Khi thực hiện phương pháp tiếp cận hộ nghèo đa chiều sẽ làm thay đổi tỷ lệ giảm nghèo ở tỉnh ta trong giai đoạn tới. Đến cuối năm 2015, qua điều tra, rà soát theo chuẩn cũ giai đoạn 2011-2015, tỷ lệ HN trên địa bàn tỉnh ước còn 5,74%, nhưng theo chuẩn đa chiều trong giai đoạn 2016-2020, tỷ lệ HN của tỉnh tăng lên 14,93%. Việc điều tra, tiên lượng trước sự thay đổi tỷ lệ này rất có ý nghĩa, làm cơ sở để Trung ương bố trí ngân sách và có giải pháp, chính sách hỗ trợ phù hợp trong Chương trình mục tiêu giảm nghèo bền vững chứ không phải là “chỉ tiêu” để tạo áp lực cho các địa phương.

Phương pháp xác định HN, HCN theo hướng đa chiều sẽ góp phần nhận diện HN toàn diện, cụ thể và rõ ràng hơn. Bởi đo lường HN đa chiều không chỉ dựa vào thu nhập mà còn căn cứ vào mức độ thiếu hụt tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bzản (DVXHCB). Theo quy định của Chính phủ, HN khu vực nông thôn là hộ có thu nhập bình quân đầu người từ 700 ngàn đồng/tháng trở xuống; hoặc là hộ có thu nhập từ trên 700 ngàn đồng đến 1 triệu đồng và thiếu hụt từ 3 chỉ số đo lường mức độ thiếu hụt tiếp cận các DVXHCB trở lên. HN khu vực thành thị là hộ có thu nhập bình quân đầu người từ 900 ngàn đồng/tháng trở xuống; hoặc là hộ có thu nhập từ trên 900 ngàn đồng đến 1,3 triệu đồng và thiếu hụt từ 3 chỉ số đo lường mức độ thiếu hụt tiếp cận các DVXHCB trở lên. Tiêu chí mức độ thiếu hụt tiếp cận DVXHCB được xác định 5 chiều, mỗi chiều có 2 chỉ số, các chỉ số đo lường mức độ thiếu hụt bao gồm về giáo dục (trình độ giáo dục của người lớn, tình trạng đi học của trẻ em), về y tế (tiếp cận các dịch vụ y tế, bảo hiểm y tế), về nhà ở (chất lượng nhà ở, diện tích nhà ở bình quân đầu người), về nước sạch và vệ sinh (nguồn nước sinh hoạt, loại hố xí/nhà tiêu) và tiếp cận thông tin (sử dụng dịch vụ viễn thông, tài sản tiếp cận thông tin).

Hội Bảo trợ bệnh nhân nghèo tỉnh tặng quà Tết cho các hộ nghèo ở thôn Tà Dương (xã Phước Thái, Ninh Phước).
Ảnh: Hoàng Lan

Trên cơ sở đo lường, giám sát mức độ thiếu hụt về thu nhập và tiếp cận các DVCBXH của người dân, các cấp chính quyền sẽ đánh giá được sự thay đổi, tiến bộ xã hội hằng năm và cả giai đoạn, từ đó không ngừng cải thiện, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân. Đặc biệt, các cơ quan quản lý sẽ nhận thấy rõ hơn các khu vực có mức độ thiếu hụt cao, làm cơ sở xây dựng các chính sách cụ thể để từng bước giảm dần mức độ thiếu hụt giữa các vùng, nhóm dân cư. Đây cũng là cơ sở để xây dựng đề án giảm nghèo cho từng vùng, khu vực và mỗi địa phương, đảm bảo các chính sách được thực hiện và phát huy hiệu quả.

Cũng theo đồng chí Hà Anh Quang, hiện nay, tỉnh đang chờ hướng dẫn cụ thể của Trung ương về chương trình giảm nghèo quốc gia theo chuẩn mới giai đoạn 2016-2020; phê duyệt kết quả điều tra giảm nghèo của tỉnh để đề ra kế hoạch, giải pháp, mục tiêu giảm nghèo từng năm và cả giai đoạn 2016-2020 của tỉnh. Trước mắt vẫn tập trung triển khai các chương trình giảm nghèo, phấn đấu đạt kế hoạch mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIII đề ra, giảm từ 1,8% đến 2% trong năm 2016.