CÂU CHUYỆN CUỐI TUẦN:

Đâu rồi lời nói... ôn hòa!

(NTO) Có thể nói, sau mối lo “thường trực” về tai nạn giao thông trong “ba ngày Tết” là tình trạng ngày càng phổ biến trong đời sống xã hội: dùng bạo lực để “giải quyết” mâu thuẫn bởi nhiều lý do thay vì chỉ dùng lời nói ôn hòa, tế nhị... để “đả thông” mọi xích mích, hiềm khích, va chạm xảy ra trong cuộc sống, hay nói khác hơn là xử sự có văn hóa với nhau!.

Xin đưa ra con số: Theo thống kê của Bộ Y tế, chỉ trong 6 ngày Tết Nguyên đán Bính Thân 2016 (từ ngày 7-12/2) các bệnh viện trong cả nước đã tiếp nhận gần 4.000 trường hợp nhập viện vì đánh nhau. Đối với tỉnh ta, tuy không đưa ra con số cụ thể nhưng theo thống kê chung tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh cũng đã có trên 1.074 trường hợp đến khám cấp cứu, tai nạn, tăng 32% so với cùng kỳ của năm trước...

Người dân huyện Ninh Sơn chấp hành tốt quy định an toàn giao thông trong dịp Tết Nguyên đán Bính Thân 2016.

Thực ra, đây cũng chỉ là những con số mang tính bề nổi, còn thực tế có lẽ còn cao hơn nhiều. Điều này đã thêm một lần cảnh báo về tình trạng gia tăng bạo lực trong hành xử với nhau. Không đâu xa, qua thông tin báo chí hàng ngày hầu như địa phương nào cũng xảy ra những vụ việc đau lòng mà nguyên nhân chỉ vì va chạm hay không nhường đường khi tham gia giao thông; trong quán nước nhóm thanh niên này vô tình hay hữu ý nhìn nhau hoặc bông đùa nhau; lời qua tiếng lại không hài lòng nhau giữa nhóm bạn, thậm chí là thân nhau…còn nhiều và nhiều trường hợp tương tự như vậy đều dẫn đến kết cục là “thượng cẳng chân, hạ cẳng tay” với nhau đến mức gây thương tích nghiêm trọng, thậm chí chết người. Hậu quả là người thì bị thương tật (có khi vĩnh viễn), mất mạng; người thì phải lâm vào đường lao lý. Lớn hơn đó là tạo thêm “gánh nặng” cho ngành Y thay vì dành công sức để điều trị bệnh, gây tốn kém gia đình, xã hội.

Mặt khác, còn gây mất an ninh trật tự, ảnh hưởng lớn đến hình ảnh vốn hiền hòa, yên bình của đất nước mà Đảng, Nhà nước và Nhân dân đã dày công tạo dựng.

Nguyên nhân của bạo lực có nhiều nhưng đầu tiên phải kể đến đó là tình trạng uống rượu, bia say dẫn đến mất lý trí, không làm chủ được hành vi của bản thân. Kế đến đó là giáo dục của gia đình, nhà trường, xã hội. Đáng nói là một bộ phận không nhỏ thiếu những kỹ năng xử lý tình huống, ứng xử kém trong quan hệ, giao tiếp. Hay nói như người xưa là “cục cằn” dẫn đến bản tính hung hãn, thô bạo trong hành xử ngay cả trong gia đình và xã hội...Điều cũng đáng nói là không chỉ xảy ra trong lứa tuổi thanh, thiếu niên mà ngay cả những người ở vào tuổi “tri thiên mệnh” cũng hoặc a dua hoặc trực tiếp tham gia và hô hào con cháu tham gia giải quyết mâu thuẫn xảy ra mà lẽ ra chỉ cần bình tâm là mọi chuyện “đâu vào đó!”.

Khó có thể nói hết những hành vi bạo lực trong cư xử. Vấn đề đặt ra là làm thế nào để kéo giảm như phấn đấu kéo giảm tai nạn giao thông?. Có nhiều ý kiến của các nhà giáo dục, tâm lý, chuyên gia... nhưng tựu trung lại “cốt lõi” vẫn là giáo dục cả gia đình và xã hội về “tâm thiện”, về kỹ năng xử lý tình huống để tránh va chạm không cần thiết. Mặt khác, cần xử lý thật nghiêm những hành vi côn đồ để làm gương.

Suy cho cùng, lời khuyên tốt nhất vẫn là “tránh voi chẳng xấu mặt nào”, “một câu nhịn chín câu lành”... như người xưa đã răn dạy để tạo bình yên cho chính mình trước đã.