Ông Lê Tuấn Long, thôn Thuận Hòa chăm sóc cho cây súp lơ của gia đình.
Năm nào cũng vậy, cứ đến cuối tháng 10 Âm lịch, ông Lê Tuấn Long, thôn Thuận Hòa, lại ngừng trồng bắp trên diện tích 1,2 sào đất để trồng súp lơ bán Tết. Chỉ tay về những luống súp lơ đang bắt đầu chúm nụ, ông Long cho biết: “Súp lơ là loại cây ngắn ngày, không kén công chăm sóc, chi phí đầu tư thấp và có giá trị kinh tế cao. Thời tiết thuận lợi, súp lơ phát triển tốt sẽ cho thu hoạch đúng vào dịp Tết. Nếu bán với giá khoảng 6.000 đồng/kg, sau khi trừ chi phí, gia đình cũng lãi khoảng 10 triệu đồng. Vậy là cả nhà có một cái Tết tươm tất”. Còn bà Lưu Thị Tâm, thôn Thuận Hòa: Thấy mọi người trồng súp lơ bán Tết, nên năm nay, tôi dành 1 sào đất trồng nho để trồng thử. Tuy mới làm lần đầu nhưng thấy phát triển tốt, gia đình mừng lắm, tập trung chăm sóc tốt, hy vọng bán được giá để có thêm cái Tết sung túc.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, tuy chưa đến thời điểm thu hoạch, nhưng hầu hết các rẫy súp lơ đều đã được các thương lái đến đặt mua trước. Ông Nguyễn Bảy, Chủ tịch Hội Nông dân xã Phước Thuận, cho biết: Những năm gần đây, cây súp lơ mang lại nguồn thu nhập tương đối ổn định cho nhiều hộ, với thu nhập từ 5-10 triệu đồng/sào. Thấy được lợi thế từ cây súp lơ, nhiều hộ đã mở rộng diện tích, với khoảng 35ha tập trung ở thôn Thuận Lợi, Phước Lợi và Thuận Hòa… Để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, Hội đã phối hợp với Trung tâm Thông tin-Ứng dụng khoa học công nghệ (Sở Khoa học và Công nghệ) mở các lớp tập huấn về kỹ thuật chăm sóc rau an toàn, hạn chế sử dụng phân, thuốc bảo vệ thực vật… để sản phẩm đảm bảo an toàn cho người tiêu dùng.
Tiến Mạnh