Chúng tôi chọn thôn Ma Ty (xã Phước Tân, Bác Ái) làm điểm đến đầu tiên trong hành trình “khám phá” văn hóa Raglai. “Xông đất” tư gia Nghệ nhân ưu tú Katơ Thị Sính, người có dáng nhỏ nhắn, miệng nhai trầu cắn chỉ và có giọng hát sử thi Raglai làm mê hoặc lòng người. Chúng tôi đã từng chứng kiến hàng ngàn người lặng im khi nghe nghệ nhân Katơ Thị Sính cất tiếng hát sử thi dưới chân núi Tà Năng trong Ngày hội Văn hóa Raglai diễn ra tại xã Phước Đại, tháng 8-2013. Ánh mắt bà rạng rỡ niềm vui khi nghe chúng tôi nhắc đến việc hát sử thi Raglai và bà là một trong 9 nghệ nhân xuất sắc của tỉnh ta vinh dự được Chủ tịch nước phong tặng Nghệ nhân ưu tú.
Đội mã la nữ tộc họ Pinăng ở xã Phước Thắng, huyện Bác Ái.
Bỏ dở công việc đồng áng, bà Sính ngồi giữa nền nhà vừa nhai trầu, vừa say sưa kể cho chúng nghe chuyện sử thi (akha juka). Bà hát cho chúng tôi nghe một đoạn ngắn trong Saer là bộ sử thi đồ sộ của đồng bào Raglai. Tuy không hiểu lời ăn tiếng nói của đồng bào Raglai nhưng giọng hát thâm trầm, sâu lắng của bà Sính hút hồn chúng tôi. Saer kể lại công việc chế ngự thiên nhiên, bảo vệ xóm làng thuở khai sinh lập địa của đồng bào Raglai. Chỉ riêng bộ sử thi Saer, bà Sính có thể hát ròng rã 2-3 tháng. Bà còn thuộc nằm lòng bộ sử thi Udai kể về tình yêu trai gái vượt qua thách thức, khó khăn để xây dựng cuộc sống hôn nhân bền vững. Sử thi như dòng suối Chapơ trong vắt, ngọt ngào từ người mẹ Katơ Thị Cuống “chảy” qua bụng dạ bà Katơ Thị Sính. Bà Cuống qua đời cuối năm 2008, hưởng thọ gần một trăm mùa rẫy. Nghệ nhân ưu tú Katơ Thị Sính tiếp tục truyền dạy hát sử thi cho hai cháu gọi bằng dì ruột là Katơ Thị Thấm và Katơ Thị Hương.
Chia tay Nghệ nhân ưu tú Katơ Thị Sính, chúng tôi ngược lên Phước Thắng tìm gặp 6 chị em gái đều là nghệ nhân của dòng họ Pinăng ở thôn Ma Oai. Trong đó, nghệ nhân Pinăng Thị Kính là người kết nối các thành viên “ban nhạc nữ” mã la của tộc họ Pinăng hoạt động sôi nổi hơn 20 năm qua. Chúng tôi cũng đã từng thưởng ngoạn phong cách biểu diễn mã la “hết mình” đặc sắc của chị em tộc họ Pinăng. Chị Kính vừa được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Nghệ nhân ưu tú, ghi nhận công lao đóng góp của tộc họ Pinăng trong việc bảo tồn, phát huy văn hóa truyền thống của đồng bào Raglai huyện Bác Ái. “Mấy chục năm đeo đuổi đam mê học tập sử dụng thành thục nhạc cụ mã la, khèn bầu, Chapi được bà con tin yêu là chị em tui vui lắm. Buôn làng có việc hiếu hỉ, bà con tới mời là chị em sắp xếp việc nhà lo đi phục vụ. Xong công việc, chị em chỉ uống bát rượu cần lấy thảo với chủ nhà. Đây là các nhạc cụ truyền thống đồng bào Raglai do ông bà xưa để lại nên mình cố gắng gìn giữ, truyền dạy lại cho con cháu” nghệ nhân Pinăng Thị Kính nói.
Nghệ nhân ưu tú Chamaléa Âu biểu diễn đàn Chapi.
Cách ngôi nhà của Pinăng Thị Kính vài trăm mét là “lò” đào tạo đánh mã la xã Phước Thắng của nghệ nhân Mai Thấm. Đưa bộ mã la ra giữa sân ngồi tỉ mẩn “chỉnh âm” chuẩn bị truyền dạy cho các học trò, ông Thấm cho biết ông bà tộc họ Mai truyền lại bốn chiếc. Còn bốn chiếc ông dắt hai con trâu ra tận Khánh Hòa đổi mã la đem về để bảo tồn văn hóa đồng bào Raglai. Ông giới thiệu về vị trí của từng chiếc mã la trong dàn “đồng thanh” của núi rừng Bác Ái. Trong đó quan trọng nhất là chiếc mã la Mẹ giữ nhịp cho các mã la con cất tiếng làm nên bản hòa âm của núi rừng trong các dịp lễ hội, mùa màng…
“Tài sản quý báu nhất của gia đình tôi là bộ mã la này. Nhờ có nó, tôi đã truyền dạy cho trên 40 người biểu diễn thành thục nhạc cụ truyền thống của đồng bào mình. Trong đó có hai đội mã la là học sinh của Trường THCS Lê Lợi và Trường Phổ thông DTNT Pi Năng Tắc. Tôi rất vinh dự khi được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu cao quý Nghệ nhân ưu tú. Đó là động lực để tôi tiếp tục gìn giữ và truyền dạy biểu diễn nhạc cụ mã la cho thanh niên địa phương” nghệ nhân Mai Thấm chia sẻ.
Rời Bác Ái, chúng tôi xuôi về xã Ma Nới (huyện Ninh Sơn) gặp nghệ nhân Chamaléa Âu. Ông là nghệ nhân chế tác và biểu diễn đàn Chapi đặc sắc, tiếng đàn bật ra từ dòng chảy máu thịt của nghệ nhân hoà quyện cùng thiên nhiên tạo thành bản hoà âm núi rừng làm lưu luyến lòng người. Có lẽ do khởi nguồn từ cảm xúc dâng tràn này đã giúp cho Nhạc sĩ Trần Tiến sáng tác thành công nhạc phẩm Giấc mơ Chapi nổi tiếng được nhiều người yêu thích. Đàn Chapi là nhạc cụ độc đáo riêng có của tộc người Raglai tỉnh Ninh Thuận. Thân đàn được làm từ ống tre già dài khoảng 40 cm, đường kính khoảng 7-8 cm, đục thủng hai đầu. Dây đàn chapi cũng chính là cật tre được nghệ nhân khéo léo tách ra 8 dây từ thân đàn. Nghệ nhân Chamaléa Âu đánh đàn âm thanh ngân vang tựa hồ tiếng mưa, tiếng gió, tiếng chim rừng vui hót. Cuộc đời Chamaléa Âu bị “mê hoặc” bởi âm thanh mã la, Chapi, khèn bầu đã đưa ông trở thành nghệ nhân nổi tiếng, được các nhà nghiên cứu văn hoá dân gian và bà con bản làng mến mộ.
"Đọc báo Ninh Thuận thấy tên mình cùng các nghệ nhân ở Bác Ái, Thuận Bắc, Thuận Nam, Ninh Phước được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Nghệ nhân ưu tú, bụng dạ mừng lắm. Tết này, tôi chuẩn bị tham gia biểu diễn nhạc cụ truyền thống đồng bào Raglai do địa phương tổ chức đón mừng năm mới với ước mong làm ăn mùa màng thắng lợi mới!”, vẫn cái nhìn quắc thước sau nụ cười hào sảng đầy chất núi rừng, Nghệ nhân Chamaléa Âu bộc bạch niềm vui giữa mùa xuân mới.
Phượng Vỹ