Nắm được xu thế trong thời kỳ đổi mới, hội nhập, nhiều nông dân trong tỉnh đã vươn lên làm giàu bằng nghị lực của bản thân, dám nghĩ, dám làm, dám đầu tư hàng tỷ đồng vào sản xuất. Cũng chính từ đó, đã xuất hiện nhiều nông dân tiêu biểu trên vùng đất còn nhiều khó khăn.
Ảnh: Lê Văn Hùng
Năm 2015 là một năm với nhiều khó khăn, thách thức đối với nông dân trong tỉnh khi phải đối mặt với tình hình hạn hán kéo dài, đã làm ảnh hưởng rất lớn tới hoạt động sản xuất, nhưng đây cũng là năm tạo đà cho sự phát triển mạnh mẽ của nông dân trong cả nước nói chung và tỉnh ta nói riêng khi nước ta đã mở rộng hội nhập quốc tế, qua đó mở ra nhiều cơ hội để người nông dân có thể tiếp cận sâu rộng hơn. Ông Đỗ Hồng Kỳ, Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh, cho rằng: Với xu thế phát triển trong thời kỳ mới, nông dân phải biết ứng dụng tiến bộ khoa học-kỹ thuật, công nghệ vào sản xuất; lựa chọn các giống cây trồng, vật nuôi có chất lượng, giá trị kinh tế cao; nông dân cần chuyển đổi, dồn ghép ruộng đất tạo nên cánh đồng mẫu lớn, đưa cơ giới hóa vào sản xuất… thì mới mong vươn lên làm giàu bền vững.
Chúng tôi tìm đến nhà ông Châu Văn Năng (dân tộc Chăm, thôn Tuấn Tú, xã An Hải, Ninh Phước). Tiếp chúng tôi trong căn nhà khang trang, ông kể: Năm 2009, thông qua Hội Nông dân tỉnh, Tổ chức iDE Việt Nam đã giới thiệu, triển khai xây dựng điểm mô hình ứng dụng công nghệ tưới nước tiết kiệm, gia đình đã đăng ký tham gia làm thử và mô hình đã đem lại hiệu quả rõ rệt, đặc biệt là đối với vùng đất cát ven biển thiếu nước ngọt cho sản xuất như ở địa phương. Hiện nay, mô hình sản xuất của gia đình là làm nông nghiệp và kinh doanh dịch vụ phục vụ nông nghiệp, tạo công ăn việc làm cho 8 lao động, thu nhập bình quân 4,5 triệu đồng/người/tháng. Hàng năm thu nhập của gia đình sau khi đã trừ chi phí còn lại khoảng gần 450 triệu đồng.
Mùa thu hoạch tôm thẻ chân trắng của nông dân xã Phước Dinh (Thuận Nam).
Ông Tu Thanh Hường (thôn Sơn Hải 1, xã Phước Dinh, Thuận Nam) là một tỷ phú tại địa phương với nghề nuôi tôm theo hướng sinh học, đã tạo công ăn việc làm ổn định cho khoảng 20 lao động, với thu nhập từ 5-8 triệu đồng/tháng và tạo thêm việc làm cho 30-50 lao động thời vụ, như thu hoạch tôm, cải tạo ao đìa... góp phần nâng cao thu nhập cho một số hộ của địa phương. Ông Hường chia sẻ: Để nghề nuôi tôm của gia đình phát triển bền vững, hiệu quả cao, tôi luôn tìm tòi, học hỏi, sáng tạo, nghiên cứu sâu các mô hình nuôi tôm thành công và các quy trình cải tiến kỹ thuật để áp dụng các tiến bộ khoa học-kỹ thuật vào sản xuất. Hàng năm nghề nuôi tôm của gia đình cho thu nhập từ 1-2 tỷ đồng.
Được biết, để đáp ứng được yêu cầu của thị trường nhập khẩu tôm trên thế giới ngày càng kiểm soát gắt gao về chất lượng, dư lượng kháng sinh, hóa chất... nên ông Hường đã nghiên cứu và ứng dụng khoa học-kỹ thuật vào thực tế sản xuất để nâng cao chất lượng, nâng cao giá tôm xuất khẩu Việt Nam. Ông đã thành lập tổ nuôi tôm G9+, với 9 thành viên ở 3 tỉnh: Ninh Thuận, Bình Thuận, Khánh Hòa nhằm mục đích chia sẻ kinh nghiệm, thông tin giá cả thị trường, chất lượng thuốc, thức ăn, tình hình nuôi tôm trong nước và các nước trong khu vực. Tổ đã đề ra Quy chế hoạt động, sinh hoạt định kỳ mỗi tháng một lần nhằm trao đổi các mô hình, quy trình sản xuất, các phương pháp phòng trị bệnh hiệu quả, quản lý môi trường, đề ra chương trình tham quan, học hỏi kinh nghiệm. Nhất là quan tâm đến quy trình nuôi theo “Công nghệ sinh học” để tham gia vào chương trình VietGAP nhằm làm cho tôm Việt Nam xuất khẩu được các nước chấp nhận. Đến nay, đã kết nạp thêm 4 thành viên ở Bình Thuận, Bà Rịa-Vũng Tàu, Bến Tre. Các thành viên đều là những người rất tâm huyết với nghề.
Mía đường là cây trồng chủ lực của nông dân xã Quảng Sơn cho thu nhập cao. Ảnh: Sơn Ngọc
Tại huyện Ninh Sơn, chúng tôi được giới thiệu về nông dân Nguyễn Thất (thôn Thạch Hà 2, xã Quảng Sơn) từ một hộ nghèo đã vươn lên trở thành hộ có kinh tế khá giả tại địa phương. Với mô hình kinh doanh-dịch vụ và sản xuất nông nghiệp, hàng năm gia đình ông có thu nhập bình quân gần 2 tỷ đồng, tạo công ăn việc làm, thu nhập ổn định cho hàng chục lao động tại địa phương. Ông tâm sự: Xác định nông nghiệp là ngành kinh tế trọng điểm của địa phương và có thể làm giàu ngay trên chính mảnh đất quê hương mình, nên gia đình quyết tâm “đầu tư” vào các cây trồng có lợi thế như mía, mì… Gia đình đã đầu tư vào cây mía với diện tích 21ha, cây mỳ với 8ha và cây bắp, lúa khoảng 3ha, cùng với việc học hỏi, nghiên cứu ứng dụng khoa học-kỹ thuật, cơ giới hóa tất cả các quy trình từ làm đất, chăm sóc, thu hoạch, vận chuyển và chủ động ký hợp đồng với nhà máy thu mua chế biến cây mía đã mang lại năng suất, chất lượng, đạt hiệu quả kinh tế cao. Ngoài ra, gia đình còn làm thêm dịch vụ thu mua cây mỳ cho nông dân trong xã theo thỏa thuận, góp phần tạo thuận lợi cho bà con nông dân trong việc tiêu thụ nông sản hàng hóa.
Có thể nói trong nhiều năm qua, phong trào thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi được nông dân đồng tình và góp phần không nhỏ vào thành tựu chung của tỉnh. Ngày càng xuất hiện nhiều mô hình sản xuất tiêu biểu, mang lại hiệu quả kinh tế cao, hàng vạn nông dân dám nghĩ, dám làm, mạnh dạn đầu tư vào sản xuất, kinh doanh nông nghiệp, góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động, ngành nghề, kinh tế nông thôn theo hướng sản xuất hàng hóa. Chú trọng nâng cao chất lượng và hiệu quả, nhiều sản phẩm nông nghiệp có sức cạnh tranh trên thị trường. Đồng chí Đỗ Hồng Kỳ cho biết thêm, để khẳng định vai trò của nông dân thời kỳ hội nhập, thời gian tới, Hội Nông dân tỉnh tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền đến hội viên; nhân rộng và áp dụng thành công những mô hình sản xuất theo tiêu chuẩn, quy chuẩn tạo ra sản phẩm sạch, có chất lượng, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm; tiếp tục có những định hướng chiến lược cho sản xuất nông nghiệp; phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản theo hướng hàng hóa gắn với liên kết sản xuất, chế biến, tiêu thụ, dự báo thị trường, tạo đầu ra ổn định cho sản phẩm nông nghiệp...
Thế Quang