Những ngày áp Tết Nguyên đán, trên cánh đồng bắp lai ở xã Phước Thuận (Ninh Phước) niềm vui của nông dân được nhân đôi bởi hiệu quả kinh tế loại cây này đem lại cao hơn so với trồng lúa. Anh Thành Vũ Vương, thôn Phú Nhuận, đang thu hoạch bắp vụ mùa, phấn chấn: Trước đây, trên khu đất này tôi chỉ trồng thuần túy cây lúa, lấy lương thực phục vụ gia đình. Bắt đầu từ vụ hè - thu năm 2015, Nhà nước hỗ trợ giống, tôi chuyển qua trồng bắp, sản phẩm được Công ty Cổ phần Giống cây trồng Nha Hố bao tiêu với giá cao hơn ngoài thị trường 500 đồng/kg. Tết Bính Thân này cả thôn rất vui, nhờ trồng bắp thu lãi cao (từ 2,5 - 3 triệu đồng/sào), hộ nào cũng có điều kiện mua sắm thêm vật dụng đón mừng xuân mới.
Niềm vui được mùa bắp lai của nông dân xã Bắc Phong
(Thuận Bắc) trên cánh đồng chuyển đổi.
Trở lại xã Bắc Phong (Thuận Bắc), gặp những nông dân trồng bắp lai ở xứ đồng Cây Me - Huyện đội trong vụ hè- thu 2015, ai ai cũng vui mừng bởi đã tìm được cây trồng thích hợp thay thế cây lúa. Câu chuyện trồng bắp lai cho năng suất 8 tấn/ha được bà con đưa ra bàn thảo sôi nổi. Trước thềm năm mới, nhà nhà ấp ủ hoài bão phát triển trồng cây bắp lai trên quy mô lớn. Thành công của địa phương trong chuyển đổi cây trồng cạn ở đợt hạn hán vừa qua, đó là liên kết sản xuất theo chuỗi khép kín, mở ra hướng đi mới trong sản xuất nông nghiệp tại địa phương.
Góp phần làm nên “màu xanh trên vùng đất khát” phải kể đến nỗ lực của ngành Nông nghiệp đã cử cán bộ về cơ sở hướng dẫn nông dân tổ chức sản xuất, áp dụng các mô hình chuyển giao khoa học-công nghệ tăng năng suất, chất lượng sản phẩm. Từ thực hiện hình thức tổ chức sản xuất mới đạt hiệu quả cao, nên đã khuyến khích được đông đảo nông dân tham gia chuyển đổi cây trồng, tạo nên phong trào thi đua lao động sản xuất lan tỏa rộng khắp. Đồng chí Phan Quang Thựu, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, thổ lộ: Chưa có năm nào công cuộc chuyển đổi cây trồng lại diễn ra một cách sâu rộng như năm 2015. Trong năm, tổng diện tích canh tác các loại cây trồng cạn có khả năng chịu hạn trên đất lúa là 1.329 ha; trong đó, vụ đông - xuân 100 ha, hè - thu 389 ha, vụ mùa 840 ha. Diện tích chuyển đổi ngày càng tăng cho thấy, chủ trương đúng đắn của tỉnh về phát triển nông nghiệp theo hướng mở rộng diện tích cây trồng cạn có giá trị kinh tế cao. Tỉnh đang tiếp tục chỉ đạo ngành Nông nghiệp, các địa phương vận động nông dân đẩy mạnh chuyển đổi cây trồng cạn, hướng tới hình thành các vùng sản xuất hàng hóa tập trung trong năm tới.
Được mùa nho. Ảnh: Lê Văn Hùng
Đồng hành cùng nông dân, năm 2015, phóng viên Báo Ninh Thuận thường xuyên về những vùng tâm hạn phản ánh hoạt động sản xuất của bà con, chứng kiến nhiều gương điển hình không chịu khuất phục trước thiên nhiên, vươn lên làm giàu. Họ đã nỗ lực đào ao, khoan giếng, chắt chiu từng giọt nước cứu cây trồng, vật nuôi trong mùa khô hạn. Anh Đinh Quang Ninh (ở thôn Khánh Phước, xã Nhơn Hải, Ninh Hải) là nông dân có tính tự lực, tự cường cao, không trông chờ vào Nhà nước, tự bỏ ra hàng chục triệu đồng khoan nhiều mũi khoan sâu 30- 40m tìm mạch nước ngầm kịp thời cứu sống vườn nho, táo. Có những hộ ở thôn Khánh Tân không tìm được nước ngầm phải mua từng xe nước tưới cho hành, tỏi, với giá cao.
Cảm động nhất là trong gian khó, nông dân vùng hạn đã đoàn kết bên nhau, chung sức đào ao, khoan giếng chia sẻ từng giọt nước cho cây trồng. Ở khu vực Bàu Đèo đầu thôn Thái An, xã Vĩnh Hải (Ninh Hải) có chục cái ao vừa mới được đào trong năm nay, cấp nước tưới cho những giàn nho cách xa hàng trăm mét. Ý chí “thay trời làm mưa” của nông dân nơi đây đã làm cho những giàn nho trĩu quả. Chị Võ Thị Phước, người địa phương, kể: Thời điểm giữa năm 2015, các hồ chứa nước trên địa bàn cạn kiệt, hộ trồng nho phải tìm những nơi trũng để đào ao. Cứ nơi nào có nước là thuê máy múc, ao này cạn nước thì múc tiếp ao khác. Gia đình phải đào 5 cái ao hết gần 50 triệu đồng mới đủ nước tưới cho 3 sào nho. Đúng là “trời không phụ lòng người”, mùa Tết này, gia đình có nho để bán, có tiền sắm sửa Tết.
Anh Đinh Quang Ninh ở thôn Khánh Phước (Nhơn Hải , Ninh Hải) đầu tư khoan giếng
tìm nguồn nước, bảo đảm sản xuất phát triển.
Trong những tháng đỉnh điểm của nắng nóng (từ tháng 4 đến tháng 8-2015) nông dân trên toàn tỉnh chống hạn bằng nhiều hình thức như đào ao, khoan giếng. “Trong cái khó, ló cái khôn”, sự linh hoạt sản xuất trước điều kiện nắng hạn của nông dân đã hình thành nên các mô hình hay, cách làm sáng tạo. Nhiều hộ trồng nho, hành, tỏi, rau màu… chuyển sang áp dụng mô hình tưới phun và tưới nhỏ giọt tiết kiệm nước thay cho tưới tràn trước đây. Thành quả đạt được từ ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, tạo niềm tin vững chắc để ngành Nông nghiệp và nông dân trong tỉnh tiếp tục thực hiện đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi trong những năm tới.
Anh Tùng