Liên lạc với trên bờ khi đang lái tàu
Trao đổi với Đất Việt, ngày 18/1, ông Hòa cho biết: "Tôi vừa đi Trung Quốc về và công đoạn hoàn thành những thiết kế của con tàu cũng đã được thực hiện xong".
Điều đặc biệt, khi trò chuyện với phóng viên ông Hòa đang lái tàu ngầm thử nghiệm các tính năng ở dưới bể.
Ông Hòa nói: "Bạn có nghe rõ không? Có thấy tín hiệu truyền phát tốt không, tôi đang ở trong tàu, đang lái thử tàu ngầm. Bạn nghe rõ, chứng tỏ tính năng truyền dẫn tín hiệu âm thanh với trên bờ đang hoạt động rất tốt".
Chiếc tàu ngầm đạt trạng thái không chìm, không nổi
Trong cuộc trò chuyện, ông Hòa cho hay, bản thân ông rất muốn thay đổi một số thiết kế của con tàu để chuẩn bị cho cuộc thử nghiệm sắp tới trên biển, như bộ điều khiển của con tàu sẽ được thiết kế và thay mới toàn bộ theo hướng tối giản, thuận tiện cho người lái, vì làm cái đơn giản mới khó.
Tất cả những thay đổi đó, cùng với tính năng của con tàu đang hoạt động rất đúng ý muốn của ông.
Ông Hòa nói: "Trong tuần tới tôi sẽ cho tiến hành thử nghiệm trên hồ lần cuối, nếu không có trục trặc tàu sẽ được sơn sửa và đưa ra biển. Mọi chi tiết và thông số kỹ thuật được tôi cân nhắc và tính toán rất kỹ tránh những sai sót dù là nhỏ nhất.
Tôi vẫn sẽ sơn tàu màu xanh, cũng không có hàm ý gì nhiều, chỉ là vì tàu Trường Sa màu đỏ, nên tôi làm tàu Hoàng Sa màu xanh".
Đây là phiên bản thiết kế thứ 5
Theo nguyện vọng của ông Hòa, nếu như việc thử nghiệm tại hồ nước khu công nghiệp Vĩnh Trà – Thái Bình thành công thì ông sẽ chuyển hướng sang cho thử nghiệm ở biển ngay lập tức, vì ông hi vọng rất nhiều vào con tàu này.
Bởi con tàu không chỉ có thể dùng cho việc dò phát hiện vật thể, giúp tìm xác, cổ vật mà còn mở ra một triển vọng mới về du lịch, khám phá đáy biển.
Theo doanh nhân người Thái Bình, môi trường biển chịu nhiều tác động, không được ổn định như trong bể, kể cả lòng hồ thì độ đập của sóng cũng không thể giống như ở biển, nên ông cũng phải tính toán nhiều. Đặc biệt, các thiết bị điều khiển phải được thiết kế để đảm bảo khả năng thăng bằng, khả năng chịu áp suất của con tàu.
Ông Hòa cho biết thêm: “Không chỉ có thể nổi lên, lặn xuống, tàu còn có thể lưu giữ toàn bộ hình ảnh về hệ thống lưu trữ. Hiện nay, con tàu lặn nổi rất nhịp nhàng với độ sâu mặt nước.
Tất cả các tính năng đều đã được thử nghiệm thành công
Các tính năng như: camera dẫn đường, hệ thống dò quét đáy biển, hệ thống liên lạc tầm xa, thu nhận tín hiệu đều hoạt động tốt. Tôi ưng ý nhất là khả năng quan sát của con tàu rất tốt, hình ảnh rõ nét cả bên trong lẫn bên ngoài.
Tuy nhiên, việc điều khiển con tàu đứng yên, lập lờ ở giữa mặt nước tôi vẫn chưa ưng ý, nên vài hôm nữa tôi sẽ điều chỉnh lại trước khi ra biển”.
Phiên bản thứ 5 cũng là phiên bản cuối cùng
Ở góc độ khác, ông Hòa nhận định: "Tính năng hoạt động của tàu Hoàng Sa tốt hơn rất nhiều so với Trường Sa 1. Trong đó, việc thiết kế hệ thống boong kính mất nhiều thời gian nhất, kéo dài hơn 3 tháng. Việc thiết kế này khá đặc thù bởi phải tính toán để kính vừa có thể chịu được áp suất cao khi lặn dưới đáy biển, lại phải đảm bảo việc quan sát hình ảnh tốt".
Con tàu khi ngập trong bể nước
Trong tháng 1/2016 tàu ngầm Hoàng Sa sẽ được thử nghiệm lần cuối tại hồ nước khu công nghiệp Vĩnh Trà – Thái Bình. Sau đó, tàu sẽ được đưa lên để hoàn thiện lại một số bộ phận kỹ thuật trước khi ra biển vào tháng 2.
"Đây là phiên bản tàu ngầm thứ 5, lần này tàu đạt được khả năng lơ lửng, không chìm, không nổi. Các tính năng lặn và nổi thì đã trở nên quá đơn giản đối với những tàu ngầm như Hoàng Sa. Đây cũng là phiên bản cuối cùng của chiếc tàu ngầm này", ông Hòa tiết lộ.
Nguồn: Báo Đất Việt Online