Có đôi khi chúng ta thường tự thắc mắc rằng tại sao bàn phím của điện thoại và máy tính bỏ túi lại có cách bố trí các phím bấm khác nhau, trong khi chúng có khá nhiều điểm tương đồng về chức năng.
Sự khác biệt này đến nay vẫn chưa có ai đưa ra được câu trả lời đủ sức thuyết phục, tuy nhiên lại có nhiều giả thiết khá thú vị được đặt ra.
Giả thuyết đầu tiên liên quan đến mạch điện thoại và bộ phận nhận diện âm thanh khi bấm số. Vào cuối những năm 50 của thế kỉ trước, khi con người đang loay hoay tìm ra cách bố trí bàn phím cho điện thoại bấm số (phát ra tiếng khi bấm), thì máy tính bỏ túi lúc bấy giờ đã được thiết kế bàn phím với phím số 7, 8 và 9 ở hàng trên cùng.
Theo những người thường xuyên làm việc tính toán cho biết họ cảm thấy rất nhanh chóng để làm quen với các vị trí của phím, từ đó dẫn đến việc bấm số trở nên dễ dàng hơn.
Nhưng điều ngược lại đã xảy ra khi sơ đồ này được áp dụng trên điện thoại. Trong quá trình thử nghiệm, rất nhiều chuyên gia đã nhận thấy rằng bộ phận nhận diện âm thanh của điện thoại không thể hoạt động hiệu quả ở tốc độ mong muốn khi sử dụng.
Tuy nhiên, họ đã ngay lập tức phát hiện ra rằng nếu đảo ngược lại cách bố trí, tốc độ bấm số tuy sẽ giảm đôi chút nhưng hệ thống nhận diện âm thanh sẽ hoạt động hiệu quả hơn. Giả thuyết này có thể hợp lý song vẫn chưa đủ sức thuyết phục.
Điện thoại bấm số được thiết kế với phím số 1, 2 và 3 nằm trên cùng và phát ra âm thanh khi bấm.
Giả thuyết thứ hai đề cập đến một nghiên cứu được thực hiện bởi phòng thí nghiệm Bell vào năm 1960, với mục đích thử nghiệm một vài kiểu bố trí bàn phím khác nhau, rồi từ đó tìm ra cách dễ dàng nhất để bấm số. Kết quả cuối cùng được đưa ra chính là việc bố trí phím số 1, 2 và 3 phía trên cùng sẽ tạo một giao diện thân thiện nhất cho người dùng.
Một giả thuyết khác lại xoáy vào cách bố trí điện thoại quay số thời xưa. Trong một vòng quay, số 1 nằm ở đỉnh, phía bên phải và số 0 nằm dưới cùng.
Nhưng khi ứng dụng điều đó vào bố trí bàn phím điện thoại, việc đặt phím 1 ở trên cùng bên phải là không khả thi vì văn bản phương Tây được đọc từ trái sang phải.
Tuy nhiên, khi đặt số 1 vào đỉnh phía bên trái và những số tiếp theo vào bên phải thì mọi việc lại được giải quyết ổn thỏa. Dựa vào đó những phím số từ 1 đến 9 sẽ tuần tự được sắp xếp từ trái sang phải và trên xuống dưới, còn phím số 0 được tách riêng rồi xếp ở hàng cuối cùng.
Tất cả những giả thuyết nêu trên đã giải thích tại sao bàn phím điện thoại và máy tính bỏ túi lại có sự khác biệt, nhưng vẫn không ai biết được giả thuyết nào mới thực sự là chính xác.
Tuy nhiên, dựa vào sự hợp lý và giao diện thân thiện thì đến thời điểm hiện tại vẫn rất nhiều chiếc điện thoại, máy rút tiền vẫn đang sử dụng cách bố trí bàn phím mới này.
Nguồn: Báo Giáo dục & Thời đại