Đẩy mạnh ứng dụng CNTT từ thay đổi thói quen, nhận thức

Để thực hiện hiệu quả công tác đảm bảo an toàn, an ninh thông tin, thuê dịch vụ trong ứng dụng công nghệ... Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đặc biệt nhấn mạnh đến việc thay đổi thói quen cũng như nhận thức của người làm công nghệ thông tin tại các cơ quan Nhà nước.

Đánh giá, phân tích về những lĩnh vực quản lý chuyên ngành của Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT), tại hội nghị triển khai nhiệm vụ năm 2016, sáng 3/12, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng ngành TT&TT đã đóng góp rất quan trọng vào thành tựu phát triển kinh tế-xã hội của đất nước không chỉ trong năm 2015 mà cả giai đoạn 5 năm qua.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu tại hội nghị. Ảnh: VGP/Đình Nam

Trong lĩnh vực báo chí, Phó Thủ tướng cho rằng ngoài việc tuyên truyền các chủ trương, chính sách, phản ánh đời sống, xã hội, đây còn là kênh rất quan trọng để cộng đồng, xã hội, chuyên gia đóng góp cho Đảng, Chính phủ xây dựng mới và hoàn thiện điều chỉnh cơ chế, chính sách.

“Đối với những sai phạm đã được Bộ xử lý vừa qua, thì các cơ quan báo chí sau khi rút kinh nghiệm, khắc phục vẫn tiếp tục phát triển, làm tốt hơn. Chúng ta đang trong quá trình sửa đổi, bổ sung luật báo chí, chuẩn bị triển khai quy hoạch báo chí, nhằm mục đích để báo chí phát triển tốt hơn”, Phó Thủ tướng nói.

Phó Thủ tướng cũng lưu ý trong hoạt động xuất bản, Bộ TT&TT cần có các giải pháp tháo gỡ thiết thực liên quan đến những vướng mắc trong quá trình thực thi một số văn bản nhằm đổi mới hoạt động các nhà xuất bản.

Liên quan đến hoạt động của ngành viễn thông, công nghệ thông tin (CNTT), Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh: Bên cạnh số liệu về doanh thu hay nộp ngân sách, ngành viễn thông, CNTT đã đóng góp có thể nói là rất quan trọng và không thể thiếu trong kết quả phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, đối nội, đối ngoại của Đảng, Nhà nước. Trong đó có những việc rất mới và đem lại kết quả rõ rệt như: Tái cơ cấu doanh nghiệp, bảo đảm an toàn, an ninh thông tin, tham mưu nhiều chủ trương, chính sách về CNTT...

Theo Phó Thủ tướng, từ những đặc thù của thị trường viễn thông Việt Nam hiện nay, các DN chiếm thị phần lớn cần quan tâm hơn nữa đến chất lượng dịch vụ, quyền lợi của khách hàng.

“Phải dần chuyển theo hướng bảo vệ quyền của khách hàng sử dụng dịch vụ. Đơn cử như vấn đề sim rác, chúng ta phải có lộ trình để siết lại, bớt đi hay vừa qua Bộ TT&TT đã tiến hành rà soát, thu hồi tần số viễn thông để sử dụng hiệu quả hơn”, Phó Thủ tướng nói.

Bên cạnh đó, đánh giá về quá trình tái cơ cấu DN Nhà nước hoạt động trong lĩnh vực CNTT, Phó Thủ tướng cho rằng những đổi mới trong hoạt động của Tổng công ty Bưu chính là rất điển hình.

“Sau những bước tái cơ cấu ban đầu thì bưu chính không đơn thuần là đưa thư, nhận kiện hàng truyền thống, đã kết hợp chặt chẽ với phương thức điện tử, đầu tư, thương mại, nhất là gần đây các đồng chí bắt đầu hướng vào CNTT”, Phó Thủ tướng nói.

Dành thời gian nói về lĩnh vực CNTT, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh hai vấn đề là an toàn thông tin và ứng dụng CNTT mà Bộ TT&TT đã rất chủ động tham mưu, bàn nhiều chính sách liên quan nhưng việc thực hiện mới ở mức ban đầu.

Theo Phó Thủ tướng, việc đảm bảo an toàn, an ninh thông tin, ngoài những vấn đề kỹ thuật chuyên sâu đã có các cơ quan chuyên môn của Nhà nước, DN thực hiện thì điều quan trọng là thay đổi thói quen sử dụng.

“Anh có hệ thống đầu tư an toàn tốt đến mấy, phần mềm bảo mật thứ đắt mấy nhưng người sử dụng không theo đúng quy trình, không tuân thủ những hướng dẫn chi tiết thì những thói quen tưởng chừng vô hại cũng có tác hại không nhỏ”.

Tương tự, trong ứng dụng CNTT vào các hoạt động của bộ, ngành, địa phương việc thay đổi tư duy của đội ngũ những người làm CNTT cũng rất quan trọng để theo các tiêu chí của quốc tế cũng như đẩy mạnh phương thức thuê dịch vụ CNTT, thay vì cách làm trước kia là tự lập đề án, đầu tư máy móc, phần cứng, phần mềm, tập huấn về ứng dụng CNTT... nhiều khi không giải quyết được vấn đề và lãng phí.

Từ những kết quả tích cực ban đầu trong thuê các DN để tin học hóa việc thanh toán bảo hiểm y tế hay cấp giấy phép xây dựng qua mạng, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng không cần ngân sách Nhà nước nhưng các cơ quan Nhà nước vẫn có thể cung cấp những dịch vụ công thiết yếu, trước hết là những dịch vụ có thu phí, đến người dân.

“Các DN lớn như VNPT, Viettel, FPT... phải là người khai mở ban đầu, sau đó tạo cơ chế để tất cả DN trong cộng đồng CNTT cùng tham gia, hợp tác thực hiện”.

Tin tưởng vào truyền thống đi đầu trong đổi mới, Phó Thủ tướng mong muốn ngành TT&TT đẩy mạnh hơn nữa công tác sắp xếp và đổi mới cơ chế hoạt động các đơn vị sự nghiệp trực thuộc.

“Đương nhiên vấn đề này không đơn giản như sắp xếp DN, nhất là những đơn vị liên quan đến giáo dục y tế, liên quan đến người dân. Vì vậy, Bộ cần đổi mới cơ chế quản lý đầu tiên phải sang tự chủ, đi đầu là các cơ sở đào tạo, viện nghiên cứu”, Phó Thủ tướng chia sẻ.

Thay mặt lãnh đạo Chính phủ, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam trao Cờ thi đua của Chính phủ cho 10 tập thể xuất sắc của ngành TT&TT năm 2015. Ảnh: VGP/Đình Nam

Tiếp thu những ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Bắc Son cho biết thêm: Năm 2016, Bộ sẽ triển khai 10 công tác trọng tâm, trong đó đáng chú ý là việc đảm bảo tiến độ, nâng cao chất lượng xây dựng, hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật, đặc biệt là Luật Báo chí (sửa đổi); tăng cường ban hành theo thẩm quyền các cơ chế, văn bản quy phạm pháp luật, góp phần quản lý, phát triển bền vững ngành thông tin và truyền thông.

Bộ TT&TT cũng chỉ rõ những đề án, quy hoạch cần tăng cường triển khai trong năm 2016: Quy hoạch phát triển và quản lý báo chí toàn quốc đến năm 2025; Đề án Số hóa truyền dẫn, phát sóng truyền hình số mặt đất đến năm 2020; Đề án đào tạo và phát triển nguồn nhân lực an toàn, an ninh thông tin đến năm 2020; Quy hoạch phát triển viễn thông quốc gia đến năm 2020...

Ngoài ra, Bộ cũng sẽ tập trung chỉ đạo thực hiện công tác quản lý Nhà nước về báo chí xuất bản, phát thanh truyền hình, thông tin điện tử, thông tin đối ngoại; đẩy mạnh công tác đảm bảo an toàn thông tin và chủ quyền quốc gia về thông tin mạng.

Trong năm 2015, nhiều cơ chế, chính sách mới được Bộ TT&TT nghiên cứu, thể chế hóa thành chiến lược, quy hoạch, kế hoạch nhằm xác định mục tiêu, định hướng phát triển cho toàn ngành trong thời gian tới. Bộ đã ban hành 37 thông tư, trong đó có 2 thông tư liên tịch với Bộ Tài chính.

Bộ cũng đã tập trung chỉ đạo việc thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật của ngành; hướng dẫn các Sở Thông tin và Truyền thông triển khai nhiều chương trình, đề án, dự án thuộc lĩnh vực thông tin, truyền thông đạt hiệu quả, góp phần phát triển kinh tế-xã hội tại các địa phương.

Các đơn vị, doanh nghiệp trong lĩnh vực thông tin và truyền thông tiếp tục nâng cao chất lượng sản phẩm dịch vụ, sản xuất kinh doanh có hiệu quả. Viễn thông-tin học-công nghệ thông tin đã vươn lên trở thành lĩnh vực có sự phát triển ấn tượng, trong đó có nhiều DN đóng thuế nhiều nhất Việt Nam.

Dịp này, thay mặt lãnh đạo Chính phủ, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam trao Cờ thi đua của Chính phủ cho 10 tập thể hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ công tác, dẫn đầu trong các phong trào thi đua của ngành TT&TT năm 2015.

Nguồn www.chinhphu.vn