Lê Kim Hùng
Giám đốc Sở Khoa học & Công nghệ
Căn cứ Luật Năng lượng nguyên tử, các văn bản quy phạm pháp luật và các văn bản chỉ đạo của Chính phủ, tỉnh Ninh Thuận tập trung thực hiện 4 nhiệm vụ để chuẩn bị cho dự án ĐHN Ninh Thuận, cụ thể:
Nhiệm vụ quan trọng nhất được Thủ tướng Chính phủ giao, UBND tỉnh là chủ đầu tư Dự án di dân, tái định cư của các Dự án Nhà máy ĐHN Ninh Thuận. Triển khai nhiệm vụ trên, UBND tỉnh đã ban hành các Quyết định thành lập Ban chỉ đạo và 3 Tiểu ban chỉ đạo cấp tỉnh: Tiểu Ban chỉ đạo công tác giải phóng mặt bằng, di dân, tái định cư; Tiểu Ban chỉ đạo công tác đào tạo nguồn nhân lực, đào tạo nghề và giải quyết việc làm; Tiểu Ban chỉ đạo công tác tuyên truyền, vận động; và thành lập Ban Quản lý Dự án di dân, tái định cư Dự án Nhà máy ĐHN Ninh Thuận.
Các đại biểu xem triển lãm giới thiệu mô hình công nghệ Điện hạt nhân. Ảnh: Văn Miên
Về công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, căn cứ Quyết định số 1504/QĐ-TTg ngày 28-8-2013 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành cơ chế, chính sách bồi thường, hỗ trợ di dân, tái định cư Dự án ĐHN Ninh Thuận. UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ngành cụ thể hóa chính sách bồi thường, hỗ trợ di dân, tái định cư để áp dụng đối với dự án Nhà máy ĐHN Ninh Thuận. Bộ Công Thương phê duyệt Quy hoạch điều chỉnh địa điểm xây dựng Nhà máy ĐHN Ninh Thuận. Theo đó, Dự án Nhà máy ĐHN Ninh Thuận 1 (thôn Vĩnh Trường, xã Phước Dinh, huyện Thuận Nam) có diện tích chiếm đất 443,1 ha và diện tích sử dụng trên biển 440,57 ha; có 202 hộ với 741 nhân khẩu thuộc diện phải di dân, tái định cư; diện tích xây dựng Khu tái định cư là 43,67ha. Dự án Nhà máy ĐHN Ninh Thuận 2 (thôn Thái An, xã Vĩnh Hải, huyện Ninh Hải) có diện tích chiếm đất 380,91 ha và diện tích sử dụng trên biển 377,63 ha; có 698 hộ với 2.422 nhân khẩu thuộc diện phải di dân, tái định cư; diện tích xây dựng Khu tái định cư là 45,0 ha.
UBND tỉnh tiếp tục chỉ đạo các sở, ngành điều chỉnh và hoàn thiện “Phương án tổng thể về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và tái định canh” đối với Dự án ĐHN Ninh Thuận. Dự kiến cuối năm 2015 sẽ tổ chức công bố “Phương án tổng thể về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và tái định canh”. Năm 2016 sẽ hoàn thành công tác giải phóng và nhận bàn giao toàn bộ mặt bằng để xây dựng các khu tái định cư.
Đồng thời, Ban Quản lý dự án đã triển khai lập Báo cáo đánh giá tác động môi trường của Dự án di dân, tái định cư các Dự án Nhà máy ĐHN Ninh Thuận, đã được Bộ Tài nguyên và Môi trường phê duyệt; Dự án đầu tư Dự án di dân, tái định cư của các Dự án Nhà máy ĐHN Ninh Thuận, đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, bao gồm 10 dự án thành phần: Dự án Nhà máy ĐHN Ninh Thuận 1, có 4 dự án thành phần: Các công trình hạ tầng kỹ thuật khu tái định cư; các công trình hạ tầng xã hội khu tái định cư; hệ thống cấp nước sinh hoạt; các công trình xây dựng khu nghĩa trang. Dự án Nhà máy ĐHN Ninh Thuận 2, có 6 dự án thành phần: các công trình hạ tầng kỹ thuật khu tái định cư; các công trình hạ tầng xã hội khu tái định cư; hệ thống cấp nước sinh hoạt; các công trình xây dựng khu nghĩa trang; khu chỉnh trang khu dân cư hiện hữu; khu tái định canh.
Hiện nay, UBND tỉnh đang chỉ đạo Ban Quản lý dự án thực hiện các thủ tục: Thẩm định, phê duyệt các dự án thành phần, phê duyệt hồ sơ thiết kế - dự toán để tiến đến lựa chọn nhà thầu và triển khai thi công. Dự kiến đến năm 2019 hoàn thành tất cả các hạng mục của Dự án xây dựng cơ sở hạ tầng các khu tái định cư; tổ chức di dân đến nơi ở mới và bàn giao mặt bằng cho Tập đoàn Điện lực Việt Nam thực hiện xây dựng các Nhà máy ĐHN Ninh Thuận 1 và 2.
Tỉnh ủy, UBND tỉnh cũng đã tích cực triển khai Đề án “Thông tin, tuyên truyền về phát triển ĐHN ở Việt Nam đến năm 2020” của Thủ tướng Chính phủ nhằm tạo ra nhận thức và sự hiểu biết đầy đủ, đúng đắn của các tầng lớp xã hội và các tổ chức liên quan về tính chất, đặc điểm, sự cần thiết và lợi ích của ĐHN trong việc đảm bảo an ninh năng lượng, phát triển KT-XH của đất nước, những yêu cầu đảm bảo an toàn, an ninh, góp phần duy trì và nâng cao sự đồng thuận của công chúng cho việc triển khai thực hiện thành công Dự án nhà máy ĐHN Ninh Thuận cũng như cho phát triển ĐHN một cách bền vững ở Việt Nam. Đồng thời tuyên truyền cơ chế, chính sách bồi thường, hỗ trợ di dân, tái định cư, qua đó tạo sự đồng thuận và nhất trí cao của người dân trong việc chấp hành pháp luật về đất đai, tạo điều kiện thuận lợi cho công tác giải phóng mặt bằng triển khai dự án.
Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã ban hành một số văn bản lãnh đạo, chỉ đạo: Kế hoạch số 1488/KH-UBND ngày 10-4-2013 của UBND tỉnh về việc thực hiện Chỉ thị số 20-CT/TU ngày 7-11-2011 của Tỉnh ủy về việc tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng về công tác tuyên truyền, triển khai Dự án ĐHN Ninh Thuận; Nghị quyết số 15/NQ/TU ngày 10-12-2013 của Tỉnh ủy về việc tăng cường lãnh đạo công tác di dân, tái đinh cư, giải phóng mặt bằng; Kế hoạch số 02-KH/BCĐ ngày 17-2-2014 của Tiểu Ban chỉ đạo công tác tuyên truyền, vận động di dân, tái định cư nhà máy ĐHN.
Trên tinh thần đó, UBND tỉnh đã phối hợp với nhiều cơ quan, đơn vị của Trung ương (Viện Năng lượng Nguyên tử, Cục Năng lượng Nguyên tử, Cục An toàn bức xạ và hạt nhân, Tạp chí và Tổng cục Năng lượng của Bộ Công Thương, Liên hiệp Hội Khoa học kỹ thuật Việt Nam...), với các tổ chức nước ngoài (Nhật Bản, Pháp, IAEA, Bộ Năng lượng Hoa Kỳ...) thực hiện công tác thông tin, tuyên truyền về phát triển ĐHN tại Ninh Thuận thông qua nhiều hoạt động như hội thảo, hội nghị, trưng bày triển lãm, tập huấn, phát hành ấn phẩm, tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng... Nhận thức và sự hiểu biết của công chúng về sự cần thiết, lợi ích của Dự án ĐHN Ninh Thuận trong việc đảm bảo an ninh năng lượng, về an toàn, an ninh hạt nhân, về thúc đẩy phát triển KT-XH của đất nước, của tỉnh được nâng lên, góp phần duy trì sự đồng thuận cao của công chúng ở cả thời điểm trước và sau sự cố nhà máy ĐHN Fukushima, Nhật Bản.
Tuy nhiên, qua hơn 2 năm triển khai Đề án Thông tin, tuyên truyền về phát triển ĐHN tại Ninh Thuận, tỉnh chưa nhận được phân bổ kinh phí thực hiện từ nguồn vốn Trung ương theo Quyết định số 370 của Thủ tướng Chính phủ.
Triển khai thực hiện Quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt “Kế hoạch tổng thể phát triển cơ sở hạ tầng ĐHN giai đoạn đến năm 2020”, trong đó, Thủ tướng giao cho UBND tỉnh Ninh Thuận chủ trì nhiệm vụ xây dựng “Kế hoạch ứng phó sự cố hạt nhân cấp tỉnh đối với Dự án Nhà máy ĐHN Ninh Thuận”. Sở KH&CN đang tham mưu UBND tỉnh triển khai và trình Bộ KH&CN phê duyệt trong năm 2016.
Ngoài ra, thực hiện quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt “Quy hoạch mạng lưới quan trắc và cảnh báo phóng xạ môi trường quốc gia đến năm 2020”, trong đó tỉnh Ninh Thuận xây dựng Trạm quan trắc giai đoạn 2010-2015 (thực hiện chậm do lùi tiến độ khởi công 2 Nhà máy ĐHN Ninh Thuận). Hiện nay, dự án đã được UBND tỉnh chấp thuận địa điểm đầu tư tại Thành phố Phan Rang-Tháp Chàm, với tổng diện tích 3.270m2 và chỉ đạo sở KH&CN xây dựng Báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư dự án “Trạm quan trắc cảnh báo phóng xạ môi trường và Trung tâm điều hành ứng phó sự cố ĐHN tỉnh Ninh Thuận” để đưa vào Kế hoạch đầu tư công giai đoạn 2016-2020.
Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, UBND tỉnh cũng đã xây dựng “Đề án về cơ chế đặc thù hỗ trợ xây dựng hạ tầng kinh tế - xã hội, tổ chức sản xuất, ổn định đời sống nhân dân tỉnh Ninh Thuận” và trình Thủ tướng Chính phủ để báo cáo Bộ Chính trị và trình Quốc hội xem xét, quyết định.