Kết quả bước đầu Đề tài "Ương nuôi giống tôm hùm xanh trong bể xi-măng bằng thức ăn viên"

(NTO) Tỉnh ta có khoảng 2.500 hộ dân hành nghề khai thác tôm hùm giống. Khu vực khai thác chủ yếu tập trung từ vùng biển thôn Khánh Nhơn đến thôn Mỹ Tường (xã Nhơn Hải, Ninh Hải) và vùng ven bờ từ thôn Phú Thọ (phường Đông Hải, Tp. Phan Rang-Tháp Chàm) đến thôn Sơn Hải (xã Phước Dinh, Thuận Nam).

Mỗi năm có 2 vụ khai thác: Vụ phụ từ tháng 4 đến tháng 9, vụ chính từ tháng 10 đến tháng 3 năm sau. Hình thức khai thác bằng lưới dũ, lưới mành và lặn bắt; trong đó, khai thác lưới dũ kết hợp với ánh sáng là chủ yếu. Số lượng tôm hùm giống khai thác trung bình mỗi năm 300.000-500.000 con, trong đó khoảng 7% cung cấp cho các hộ nuôi trong tỉnh, phần lớn còn lại bán ra ngoài tỉnh, giá dao động từ 150.000-200.000 đồng/con. Nghề khai thác tôm hùm giống đã giải quyết việc làm cho nhiều lao động, góp phần tạo thêm thu nhập, nâng cao đời sống của ngư dân ven biển.

Để đáp ứng nhu cầu nuôi tôm hùm ngày càng tăng, từ lâu trong tỉnh đã hình thành nghề ương nâng cấp tôm hùm giống phục vụ nuôi thương phẩm. Tuy nhiên, với hình thức ương nuôi bằng lồng chìm ở vùng biển kín gió như hiện nay tỷ lệ sống thấp, thời gian thuận lợi cho nghề này hoạt động trong năm ngắn, dịch bệnh dễ xảy ra. Vì thế, việc nghiên cứu chuyển đổi ương tôm hùm trong bể xi-măng bằng thức ăn chế biến là giải pháp hữu hiệu nhằm chủ động được con giống phục vụ sản xuất, khắc phục những hạn chế như ương nuôi trước đây.

Xuất phát từ đòi hỏi thực tế, Chi cục Nuôi trồng thủy sản tỉnh đã thực hiện Đề tài “Ương nuôi tôm hùm xanh giai đoạn giống (20-30g) đến giai đoạn sắp trưởng thành (150g) trong bể xi-măng bằng thức ăn viên tại Ninh Thuận”. Thạc sỹ Phan Đình Thịnh, Chi cục trưởng Chi cục Nuôi trồng thủy sản tỉnh, chủ nhiệm đề tài, cho biết: Quá trình thực hiện, nhóm cán bộ kỹ thuật đã lắp đặt xưởng chế biến thức ăn, công suất 10kg/ngày, đáp ứng yêu cầu kỹ thuật, trang thiết bị tiên tiến, có hệ thống bảo quản, nên sản phẩm thức ăn viên TA01 và TA02 phục vụ ương tôm hùm giống đảm bảo chất lượng, không có mầm bệnh. Đây là dạng thức ăn bán ẩm, được phân tích xác định hàm lượng một số thành phần cần thiết. Kết quả thí nghiệm so sánh ảnh hưởng thức ăn TA01, TA02 sau 12 tuần nuôi, tôm phát triển bình thường, tỷ lệ sống đạt trên 76%, tốc độ tăng trưởng trung bình 1g/ngày, điều này cho thấy có thể nuôi tôm hùm xanh trong bể xi măng.

Theo Thạc sỹ Phan Đình Thịnh, kết quả bước đầu của đề án góp phần hướng tới mục tiêu “Phát triển nuôi tôm hùm bền vững khu vực miền Trung” do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề ra. Theo lộ trình, đến năm 2020 xây dựng mô hình nuôi tôm hùm trong bể xi-măng sử dụng thức ăn công nghiệp và chế biến được 2-3 loại thức ăn bán ẩm dạng khối phù hợp cho giai đoạn nuôi tôm hùm thương phẩm; đến năm 2025, xây dựng mô hình nuôi tôm hùm bông trong bể xi-măng với năng suất 50-70 tấn/ha; đến năm 2035, chủ động sản xuất thức ăn phục vụ nuôi tôm hùm bền vững.

Kết quả của đề tài chỉ mới bước đầu, thời gian tới cần tiếp tục nghiên cứu về nguồn lợi tôm hùm giống ở các vùng biển trên địa bàn tỉnh, trên cơ sở đó đề ra các giải pháp bảo vệ và khai thác hợp lý nguồn giống quý hiếm này. Nhóm thực hiện đề tài kiến nghị tiếp tục nghiên cứu nuôi đối tượng tôm hùm xanh trong bể xi-măng bằng thức ăn viên giai đoạn từ 2g/con đến thương phẩm 300-500g/con. Nghiên cứu, đầu tư áp dụng hệ thống tuần hoàn nước, nâng cao tỷ lệ sống và tốc độ tăng trưởng, mở rộng nuôi thêm đối tượng tôm hùm bông trong bể xi-măng.

Tp. Phan Rang-Tháp Chàm: Nhân rộng các mô hình sản xuất có hiệu quả

Năm 2015, Tp. Phan Rang-Tháp Chàm đầu tư 160 triệu đồng từ vốn sự nghiệp Nông nghiệp và vốn Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới để thực hiện mô hình “1 phải, 5 giảm” trên cây lúa với diện tích hơn 742ha; mô hình sản xuất rau an toàn 54ha; mô hình trồng nho, tỏi theo tiêu chuẩn VietGAP với tổng diện tích 25,6ha. Kết quả các mô hình đã nâng cao giá trị đơn vị diện tích, góp phần nâng cao thu nhập cho các hộ nông dân từ 15-20% so với canh tác theo tập quán cũ.