Cảnh báo gen "siêu vi khuẩn" nguy hiểm có trong thịt TQ

Các nhà khoa học đã cảnh báo về một loại gen "siêu vi khuẩn" đặc biệt nguy hiểm có trong thịt Trung Quốc có khả năng lây lan toàn cầu.

 Một loại gen mới cho phép vi khuẩn chống lại kháng sinh “liệu pháp cuối cùng” vừa phát hiện trên người và lợn ở Trung Quốc, các nhà nghiên cứu công bố hôm thứ Tư.

Phát hiện này được cho là đáng báo động. Các nhà khoa học khuyến cáo khẩn cấp hạn chế sử dụng kháng sinh polymyxins – loại có chứa colistin, đang được sử dụng rộng rãi trong chăn nuôi.

“Việc sử dụng polymyxins cần được giảm thiểu càng sớm càng tốt và ngưng lại nếu không cần thiết,” giáo sư vi sinh học Laura Piddock của Đại học Birmingham khuyến cáo.

Nhóm nghiên cứu, đứng đầu là Huan Li từ Đại học Nông nghiệp Nam Trung Quốc mới công bố việc tìm thấy một loại gen, tên gọi mcr-1, trên plasmids - DNA di động.

Các chuyên gia đã thu thập các mẫu vi khuẩn có trong thịt heo tại những lò giết mổ thuộc 4 tỉnh khác nhau và từ thịt heo, thịt gà được bán tại 30 khu chợ cùng 27 siêu thị ở Quảng Châu từ năm 2011 đến 2014. Họ cũng phân tích vi khuẩn có trong những bệnh nhân mắc bệnh viêm nhiễm ở hai bệnh viện thuộc tỉnh Quảng Đông và Chiết Giang.

Kết quả cho thấy có sự xuất hiện phổ biến của gen mcr-1 trong các mẫu E.coli trên gia súc và thịt sống. Đáng lo ngại hơn, tỷ lệ mẫu dương tính tăng theo từng năm, và mcr-1 cũng được tìm thấy trong 16 mẫu E.coli và K.pneumoniae lấy từ 1.322 bệnh nhân.

Loại gen này có khả năng nhân bản dễ dàng và di chuyển qua lại các vi khuẩn khác nhau. Điều này báo động việc nó có thể lan rộng và đa dạng hóa giữa các quần thể vi khuẩn.

Các nhà khoa học đã cảnh báo về một loại gen "siêu vi khuẩn" đặc biệt nguy hiểm có trong thịt Trung Quốc có khả năng lây lan toàn cầu. Ảnh minh họa

Nhóm nghiên cứu có bằng chứng cho thấy gen này có thể di chuyển giữa các vi khuẩn thông thường như E.coli - gây ra nhiễm khuẩn đường tiêu hóa và nhiều loại khác và vi khuẩn Klesbsiella pneumoniae – gây viêm phổi và nhiều loại khác.

Hiện nay, loại gen này chỉ mới giới hạn ở Trung Quốc nhưng chúng có khả năng lây lan toàn cầu.

Hiện Trung Quốc là một trong những nước sử dụng và sản xuất colistin lớn nhất thế giới cho việc sử dụng trong mảng nông nghiệp và thú y.

Nhu cầu trên thế giới về kháng sinh trong nông nghiệp dự kiến sẽ đạt gần 12.000 tấn/năm vào cuối năm 2015, tăng lên 16.500 tấn vào năm 2021, theo báo cáo mới đây của Trung tâm nghiên cứu y khoa QYResearch (Mỹ). Tại châu Âu, 80% doanh số bán polymixin, chủ yếu là colistin, là tại Tây Ban Nha, Đức và Ý, theo báo cáo của Cơ quan dược phẩm châu Âu.

Nếu các nước không thực hiện theo cảnh báo, sức khỏe cộng đồng sẽ phải đối diện với những nguy cơ mới và nghiêm trọng.

Nguồn: Báo Đất Việt Online