Hướng tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng:

Đảng Cộng sản Việt Nam - nhân tố hàng đầu quyết định mọi thắng lợi của cách mạng Việt Nam

Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời là bước ngoặt to lớn trong lịch sử cách mạng nước ta, đánh dấu một mốc son chói lọi trên con đường phát triển của dân tộc ta.

Nhân dân ta dưới sự lãnh đạo của Đảng đã lập nên những kỳ tích trong thế kỷ XX, mà đỉnh cao là thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám năm 1945; thắng lợi của các cuộc kháng chiến giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc; thắng lợi của công cuộc đổi mới, vững bước đi lên chủ nghĩa xã hội. Đảng Cộng sản Việt Nam thực sự trở thành người lãnh đạo và tổ chức mọi thắng lợi của cách mạng nước ta.

Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng. Nguồn tuyengiao.vn 

Đảng lãnh đạo cách mạng giành thắng lợi vĩ đại.

Ngày 3-2-1930, Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời. Chính cương vắn tắt, sách lược vắn tắt do Chủ tịch Hồ Chí Minh soạn thảo và Luận cương Chính trị năm 1930 của Đảng xác định con đường độc lập dân tộc gắn với chủ nghĩa xã hội là ngọn cờ tập hợp sức mạnh và trí tuệ toàn dân tộc làm nên những sự tích thần kỳ, những chiến công hiển hách trong thế kỷ XX: Vừa ra đời, Đảng ta đã tổ chức và lãnh đạo Cao trào cách mạng 1930-1931 mà đỉnh cao là Xô Viết-Nghệ Tĩnh. Vượt qua khủng bố trắng, Đảng ta đẩy tới cao trào đòi dân sinh, dân chủ (1936-1939) và Cao trào giải phóng dân tộc (1939-1945) dẫn đến Cách mạng Tháng Tám thành công.Lần đầu tiên trong lịch sử của các dân tộc thuộc địa, nửa phong kiến, một đảng mới 15 tuổi đã lãnh đạo cách mạng thành công, đã nắm chính quyền trong toàn quốc. Cách mạng Tháng Tám, với sự ra đời của nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa là sự kiện quan trọng bậc nhất, mở ra kỷ nguyên mới cho dân tộc Việt Nam - kỷ nguyên độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; mở ra thời đại mới trên đất nước Việt Nam - thời đại Hồ Chí Minh quang vinh. Tiếp đó, Đảng đã lãnh đạo toàn dân tiến hành cuộc kháng chiến đầy hy sinh gian khổ chống thực dân Pháp quay trở lại hòng áp đặt ách nô lệ trên đất nước ta một lần nữa. Cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược kéo dài 9 năm đã kết thúc bằng chiến thắng Điện Biên Phủ “chấn động địa cầu”. Đây là “lần đầu tiên trong lịch sử, một nước thuộc địa nhỏ yếu đã đánh thắng một nước thực dân hùng mạnh”. Thực dân Pháp rút, đế quốc Mỹ thay chân thực dân Pháp trực tiếp xâm lược nước ta. Đảng ta đã lãnh đạo đất nước thực hiện hai chiến lược cách mạng: xây dựng chủ nghĩa xã hội, bảo vệ vững chắc hậu phương lớn ở miền Bắc và đấu tranh giải phóng miền Nam mà đỉnh cao là Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử mùa Xuân 1975, kết thúc 30 năm chiến tranh giải phóng, thu giang sơn về một mối. “Thắng lợi của nhân dân ta trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước là một trong những trang chói lọi nhất trong lịch sử dân tộc và là một sự kiện có tầm quan trọng quốc tế to lớn và có tính thời đại sâu sắc”.

Đảng lãnh đạo đất nước vững bước đi lên

Sau ngày đất nước thống nhất, cả nước sôi nổi thực hiện kế hoạch khôi phục và phát triển kinh tế. Với những hậu quả nặng nề của chiến tranh, những khó khăn thử thách mới phát sinh, nhất là nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc rất nặng nề, cùng với những sai lầm, khuyết điểm, chủ quan nóng vội trong cải tạo xã hội chủ nghĩa, chậm chuyển đổi cơ chế quản lý đã làm cho đất nước lâm vào tình trạng khủng hoảng kinh tế-xã hội vào cuối những năm bảy mươi. Để vượt qua khó khăn, thử thách, Đảng Cộng sản Việt Nam đã thẳng thắn đánh giá tình hình và tìm phương hướng khắc phục. Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa IV (9-1979) đã chủ trương “Phải sửa đổi và cải tiến các chính sách hiện hành, nhất là chính sách về lưu thông, phân phối, nhằm làm cho sản xuất bung ra”. Có thể coi đây là chủ trương khởi đầu của quá trình tìm tòi con đường đổi mới ở Việt Nam.Đại hội V (3-1982) của Đảng chủ trương tiếp tục đổi mới cơ chế quản lý kinh tế, thừa nhận sự tồn tại thực tế của nhiều thành phần kinh tế, điều chỉnh bước đi và quy mô của quá trình công nghiệp hóa xã hội chủ nghĩa và coi nông nghiệp là mặt trận hàng đầu. Quá trình tìm tòi đường lối đổi mới diễn ra từ rất sớm và trên thực tế đã thực hiện đổi mới từng phần từ khi có Nghị quyết Hội nghị Trung ương lần thứ VI (8-1979); Chỉ thị 100 của Ban Bí thư về Khoán trong nông nghiệp (13-1-1981); Quyết định 25CP của Chính phủ về đổi mới quản lý trong kinh tế quốc doanh (21-11-1981); Nghị quyết Đại hội V của Đảng (3-1982); Nghị quyết Hội nghị Trung ương lần thứ 8 khoá V (6-1985) và đến Đại hội VI của Đảng (12-1986) đường lối đổi mới đã được hoạch định trên những mặt căn bản.Đường lối đổi mới xác định kinh tế là nhiệm vụ trọng tâm, xây dựng Đảng là nhiệm vụ then chốt, tập trung vào đổi mới cơ cấu kinh tế, điều chỉnh chủ trương cải tạo xã hội chủ nghĩa, thừa nhận và thể chế hoá sự tồn tại của nền kinh tế hàng hoá nhiều thành phần.Từ sau Đại hội VI (12-1986) Đảng và nhân dân ta tập trung thực hiện đường lối đổi mới. Nghị quyết 10 của Bộ Chính trị (5-4-1988) hoàn thiện cơ chế khoán trong nông nghiệp, hộ nông dân trở thành đơn vị kinh tế tự chủ. Hội nghị Trung ương lần thứ 6 khoá VI (tháng 3-1989) nêu rõ những nguyên tắc chỉ đạo công cuộc đổi mới và đề ra những chủ trương chính sách lớn, đồng bộ để giải quyết những vấn đề kinh tế, xã hội.Đại hội lần thứ VII của Đảng (6-1991) đánh dấu bước trưởng thành mới của Đảng. Đây là lần đầu tiên Đảng thông qua Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội. Sau Đại hội VII, Đảng ta từ thực tiễn của công cuộc đổi mới tiếp tục làm rõ nhiều vấn đề lớn đặt ra như: xây dựng, củng cố Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa; chỉnh đốn Đảng, đổi mới nội dung, phương thức lãnh đạo của Đảng; làm rõ nội dung công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước; phát triển nông nghiệp theo hướng công nghiệp hoá, hiện đại hoá nông nghiệp nông thôn...Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VIII của Đảng (6-1996) đã tổng kết 10 năm đổi mới. Đại hội VIII đánh dấu một bước ngoặt quan trọng chuyển đất nước ta sang một thời kỳ phát triển mới - thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá, xây dựng một nước Việt Nam độc lập, dân chủ, giàu mạnh, công bằng, văn minh, vì hạnh phúc của nhân dân, vì tình hữu nghị và sự hợp tác với nhân dân các nước trên thế giới.Đại hội IX của Đảng (4-2001) là Đại hội của trí tuệ, dân chủ, đoàn kết, đổi mới, thể hiện ý chí kiên cường và niềm hy vọng lớn lao của cả dân tộc trong thời điểm trọng đại bước vào thế kỷ mới.Một trong những nội dung quan trọng của Đại hội X Đảng (4-2006) là nhìn lại khái quát 20 năm đổi mới. Trong báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Trung ương Đảng tại Đại hội nhận định: “Hai mươi năm qua, với sự nỗ lực phấn đấu của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, công cuộc đổi mới ở nước ta đã đạt được những thành tựu to lớn và có ý nghĩa lịch sử.”Đại hội Đảng lần thứ XI đã quyết định mục tiêu tổng quát của Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2011-2020là: Phấn đấu đến năm 2020 nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại; chính trị - xã hội ổn định, dân chủ, kỷ cương, đồng thuận; đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân được nâng lên rõ rệt; độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ được giữ vững; vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế tiếp tục được nâng lên; tạo tiền đề vững chắc để phát triển cao hơn trong giai đoạn sau.Có thể nói, dưới sự lãnh đạo của Đảng, sau 30 năm đổi mới, đất nước ta đã đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử. Bộ mặt xã hội có nhiều thay đổi tích cực, đất nước có tăng trưởng kinh tế, đời sống nhân dân được cải thiện, chính trị ổn định, an ninh quốc phòng được giữ vững, quan hệ đối ngoại được mở rộng, vị thế quốc tế tăng lên, tạo nên thế và lực mới của cách mạng Việt Nam. Giá trị sản xuất công nghiệp liên tục tăng trưởng. Thành tựu nổi bật và to lớn nhất của nông nghiệp trong những năm đổi mới là đã giải quyết vững chắc vấn đề lương thực, đảm bảo an ninh lương thực quốc gia, đưa Việt Nam từ nước thiếu lương thực trở thành nước xuất khẩu gạo lớn trên thế giới. Nhiều ngành kinh tế,như bưu chính viễn thông, điện tử, tin học, hàng không... đã bắt kịp nhịp đi của thế giới. Và hiện nay Việt Nam đang trở thành một điểm đến tin cậy và hấp dẫn của khách du lịch quốc tế. Công tác giải quyết việc làm và xóa đói, giảm nghèo đạt kết quả tốt... Việt Nam đang không ngừng phát triển và hội nhập với thế giới. Nước ta đã thiết lập quan hệ ngoại giao với 185 nước, có quan hệ kinh tế-thương mại-đầu tư với hơn 220 quốc gia và vùng lãnh thổ; là thành viên chính thức của trên 70 tổ chức quốc tế và khu vực…Tất cả những điều ấy chứng tỏ một đường lối chính trị đúng đắn sẽ có một sức sống to lớn trong đời sống xã hội, trong sự nghiệp lãnh đạo của Đảng.Chỉ có đường lối chính trị đúng đắn, có tính cách mạng và khoa học mới có đoàn kết nhất trí trong Đảng, đoàn kết nhất trí trong xã hội, tiến lên giành những thắng lợi to lớn.Trong bối cảnh trong nước và quốc tế đầy khó khăn phức tạp, những thành tựu đó một lần nữa khẳng định Đảng Cộng sản Việt Nam là tổ chức, là lực lượng duy nhất lãnh đạo cách mạng, cùng dân tộc Việt Nam làm nên những thành tích vẻ vang trong 86 năm qua.

Theo TTXVN