Tổng tuyển cử 1946 là tự do, bình đẳng, dân chủ, đoàn kết

Nói về cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên diễn ra cách đây 7 thập kỷ, GS. Lê Mậu Hãn cho rằng sự kiện này chứng tỏ Chính phủ và Việt Minh luôn tôn trọng quyền tự do dân chủ của nhân dân, tôn trọng người tài, đoàn kết mọi lực lượng yêu nước, thiện tâm, thiện chí vì quyền lợi tối cao của dân tộc.

 
Nhân dân Thủ đô Hà Nội đi bỏ phiếu bầu cử Quốc hội đầu tiên
của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ngày 6/1/1946.. Ảnh tư liệu

Hưởng ứng lời hiệu triệu thiêng liêng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, ngày 6/1/1946, với tinh thần yêu nước nồng nàn và khí thế hào hùng của Cách mạng tháng Tám, công dân Việt Nam từ 18 tuổi trở lên trên khắp mọi miền của Tổ quốc, không phần biệt nam nữ, dân tộc, tôn giáo, chính kiến đã nô nức tham gia bầu cử đại biểu Quốc hội lần đầu tiên, bất chấp sự phá hoại điên cuồng của các thế lực xâm lược và chống đối.

Theo GS. Lê Mậu Hãn, nhà Sử học đã dày công nghiên cứu về sự hình thành và phát triển của Quốc hội Việt Nam, vào những ngày này cách đây 70 năm, việc nhiều người thuộc các thành phần giai cấp và đảng phái khác nhau tham gia ứng cử và công khai phát biểu quan điểm chính trị và chương trình hành động của mình trước quốc dân đồng bào và trên báo chí đã thể hiện một không khí thực sự dân chủ và tinh thần đại đoàn kết dân tộc của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Có thể các ứng cử viên có những quan điểm chính trị và chương trình hành động khác nhau nhưng tất cả đều tràn đầy tinh thần trách nhiệm, tâm huyết với đất nước và cùng vì mục tiêu chung của dân tộc lúc bây giờ là kháng chiến kiến quốc. Chính điều này đã góp phần quan trọng vào thành công của Tổng tuyển cử 1946.

Trước thời điểm đó, trong phiên họp đầu tiên của Chính phủ lâm thời ngày 3/9/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đề nghị: "Chính phủ tổ chức càng sớm càng hay cuộc Tổng tuyển cử với chế độ phổ thông đầu phiếu. Tất cả công dân trai gái 18 tuổi trở lên đều có quyền bầu cử, ứng cử, không phân biệt giàu nghèo, tôn giáo, dòng giống".

Bác Hồ khi đó đã xác định một trong những nhiệm vụ quan trọng hàng đầu để củng cố và tăng cường chính quyền là phải thực hiện quyền dân chủ cho quần chúng, phải “xúc tiến việc đi đến Quốc hội để quy định Hiến pháp, bầu Chính phủ chính thức” (trích Văn kiện Đảng 1945-1954).

Tiếp đó, Sắc lệnh về ngày Tổng tuyển cử bầu Quốc hội ghi rõ: “Chiểu theo Nghị quyết của Quốc dân đại biểu Đại hội họp ngày 16-17/8/1945 tại Khu giải phóng, ấn định rằng nước Việt Nam sẽ theo chính thể dân chủ cộng hòa và Chính phủ nhân dân toàn quốc sẽ do một Quốc dân đại hội bầu theo lối phổ thông đầu tiên cử lên; xét rằng nhân dân Việt Nam do Quốc dân đại hội thay mặt là quyền lực tối cao để ấn định cho nước Việt Nam một Hiến pháp dân chủ cộng hòa; xét rằng trong tình thế hiện giờ, sự triệu tập Quốc dân đại hội không những có thể thực hiện được mà lại rất cần thiết cho toàn dân tham gia công cuộc củng cố nền độc lập và chống nạn ngoại xâm”.

Như vậy, bản Sắc lệnh đã khẳng định yêu cầu bức thiết của Tổng tuyển cử, đồng thời khẳng định chúng ta có đủ cơ sở pháp lý, điều kiện khách quan và chủ quan để tiến hành cuộc Tổng tuyển cử đó.

GS. Lê Mậu Hãn. Ảnh: VGP/Phương Liên

Theo GS. Lê Mậu Hãn, cuộc Tổng tuyển cử diễn ra trong điều kiện đất nước ta ở trong thế “giặc ngoài, thù trong”, tình hình chính trị, kinh tế, xã hội hết sức khó khăn, vừa kháng chiến ở miền Nam, vừa phải giải quyết những nhiệm vụ rất cấp bách hằng ngày đặt ra, vừa thực hiện sách lược tạm thời hòa hoãn với quân Tưởng ở miền Bắc, đồng thời lại vừa phải đấu tranh để chống lại những hành động phá hoại điên cuồng của chúng.

Trong điều kiện như thế thì đó không phải là một cuộc Tổng tuyển cử thông thường mà thực chất là một cuộc đấu tranh chính trị, đấu tranh dân tộc hết sức quyết liệt.

GS. Lê Mậu Hãn còn cho hay tại thời điểm đó, các báo phản động (như Thiết Thực, Đồng Tâm...) vu cáo, nói xấu Việt Minh, kêu gọi tẩy chay Tổng tuyển cử vì cho rằng trình độ dân trí của ta còn thấp, trên 90% dân số mù chữ nên không đủ năng lực thực hiện quyền công dân của mình, rằng cần tập trung chống Pháp xâm lược không nên mất thì giờ vào bầu cử v.v...

Thực chất của những hoạt động này nhằm phá hoại Tổng tuyển cử vì Tổng tuyển cử sẽ đi đến hợp pháp hóa chính quyền cách mạng non trẻ mà các thế lực phản động muốn lật đổ, sẽ bóc trần bản chất tay sai và bộ mặt “quốc gia”, “ái quốc” bịp bợp của chúng trước dư luận.

Bác bỏ luận điệu xảo trá nói trên, báo Cứu quốc, cơ quan tuyên truyền đấu tranh của Mặt trận Việt Minh, ngày 24/11/1945 đã viết: “Vẫn biết đại đa số dân mình chưa biết đọc, biết viết nhưng vin vào đấy để kết luận rằng dân ta không đủ tư cách để kén chọn đại biểu là không hiểu gì về dân chúng, không hiểu gì chính trị. Căn cứ vào phòng trào đánh Pháp, đuổi Nhật vĩ đại ở khắp nước vừa qua, ta thấy dân chúng đã có ý thức chính trị một cách khá dồi dào. Và hễ có ý thức chính trị là có đủ những điều kiện cần thiết nhất để phân biệt ai là thù, ai là bạn, ai xứng đáng là đại biểu chân chính của mình. Nói khác đi, dân chúng chưa biết đọc, biết viết, chưa biết bàn luận những chuyện xa xôi, nhưng có một điều mà họ biết chắc chắn, biết rõ ràng hơn ai hết là quyền lợi của họ. Họ đi với những ai bênh vực chiến đấu cho quyền lợi của họ, họ chống những ai xâm phạm quyền lợi của họ… Chỉ Tổng tuyển cử mới để cho dân chúng có dịp nói hết những ý muốn của họ và chỉ có Chính phủ lập ra bởi Tổng tuyển cử mới là đại diện chân chính và trung thành của toàn thể quốc dân. Sau hết, cũng chỉ có Tổng tuyển cử mới có thể cấp cho nước Việt Nam một Hiến pháp mới ấn định rõ ràng quyền lợi của quốc dân và của Chính phủ và mới phá tan được hết những nghi ngờ ở trong cũng như ở ngoài đối với chính quyền nhân dân”.

GS. Lê Mậu Hãn cho rằng để mở rộng khối đại đoàn kết toàn dân, thực hiện chủ trương “thống nhất, thống nhất và thống nhất”, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Tổng bộ Việt Minh quyết định mời tất cả những người ngoài Mặt trận Việt Minh cùng đứng chung danh sách ứng cử. Hành động này chứng tỏ Chính phủ và Việt Minh luôn tôn trọng quyền tự do dân chủ của nhân dân, tôn trọng người tài, đoàn kết mọi lực lượng yêu nước, thiện tâm thiện chí vì quyền lợi tối cao của dân tộc.

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: “Tổng tuyển cử là một dịp cho toàn thể quốc dân tự do lựa chọn những người có tài, có đức để gánh vác công việc nước nhà. Trong cuộc Tổng tuyển cử, hễ là người muốn lo việc nước thì đều có quyền ra ứng cử, hễ là công dân thì đều có quyền đi bầu cử. Không chia gái trai, giàu nghèo, tôn giáo, nòi giống, giai cấp, đảng phái, hễ là công dân Việt Nam thì đều có hai quyền đó. Vì lẽ đó cho nên Tổng tuyển cử tức là tự do, bình đẳng, tức là dân chủ, đoàn kết” (theo Tuyển tập Hồ Chí Minh).

Và ngày 6/1/1946, cuộc Tổng tuyển cử lần đầu tiên diễn ra ở Việt Nam đã khiến cả thế giới ngỡ ngàng. Thắng lợi của cuộc Tổng tuyển cử ngày 6/1/1946 đã đánh dấu sự ra đời Quốc hội nước Việt Nam Dân chủ cộng hoà, nay là nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Nguồn chinhphu.vn