Bà Đỗ Thị Gái, đại biểu Quốc hội khóa VI: Nhớ mãi những năm tháng ấy

(NTO) Sinh năm 1949 tại thôn Sơn Hải, xã Phước Dinh (Thuận Nam), vùng đất rực lửa đấu tranh cách mạng, bà Đỗ Thị Gái đã trở thành Trung đội trưởng Trung đội nữ du kích thời kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, ở cương vị Hội trưởng Hội Phụ nữ huyện Ninh Phước, lúc đó thuộc tỉnh Thuận Hải, bà được bầu làm đại biểu Quốc hội (ĐBQH) khóa VI, nhiệm kỳ 1976-1981.

“Trở thành ĐBQH khi mới 27 tuổi, còn rất trẻ, lại vào thời điểm đất nước vừa mới hòa bình, thống nhất nên tôi nhớ mãi những năm tháng ấy, từ trong kháng chiến bước ra với cảm giác mình là người may mắn hơn đồng đội vì còn sống sót, tôi luôn tự nhủ phải cố gắng hoàn thành tốt nhiệm vụ mà Đảng và Nhà nước giao”, bà Đỗ Thị Gái mở đầu câu chuyện. Dù công việc của một ĐBQH còn mới mẻ, nhưng với tinh thần trách nhiệm và nhiệt huyết của tuổi trẻ, bà đã xông xáo, bám sát đời sống xã hội để nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của người dân phản ảnh lên các kỳ họp QH. Là người giàu cảm xúc, cứ nhớ tới đồng chí, đồng đội đã hy sinh là bà lại khóc, những lúc ấy bà càng quyết tâm hơn, với tâm niệm là làm thế nào để hoàn thành nhiệm vụ của người đại biểu nhân dân.

 
Bà Đỗ Thị Gái.

Kể lại những kỷ niệm lúc còn làm ĐBQH, bà Đỗ Thị Gái, nói: “Nếu nhắc tới những kỷ niệm thì rất nhiều, nhưng tôi nhớ nhất là trong một kỳ họp QH, không hiểu ai giới thiệu mà vừa đến nơi tôi đã thấy đông đảo phóng viên báo chí trong nước và nước ngoài đón chờ để phỏng vấn về dự kiến phát biểu của mình tại kỳ họp này, đơn giản vì tôi là ĐB trẻ nên được lựa chọn”. Trong các kỳ họp, không chỉ tham gia thảo luận các chương trình nghị sự chung như xây dựng Hiến pháp, pháp luật, những vấn đề quan trọng của đất nước, bà còn quan tâm trình bày, góp ý về công tác phụ nữ, vốn là hoạt động chính của bà. Theo dòng hồi ức của những thời gian làm ĐBQH, bà Đỗ Thị Gái còn nhớ như in cảm giác lần đầu tiên ra miền Bắc, được tận mắt nhìn ngắm Thủ đô Hà Nội và đặc biệt là vào lăng viếng Bác năm 1976. Và như mọi khi, hễ xúc động là bà lại bâng khuâng nhớ về những đồng chí, đồng đội đã nằm xuống vì sự nghiệp thống nhất đất nước và lại tự hứa với lòng phải làm tốt nhiệm vụ của mình. Bằng những hoạt động tích cực ngay từ buổi đầu nhận nhiệm vụ ĐBQH, bà Đỗ Thị Gái đã vinh dự được bầu vào đoàn Đại biểu Đảng bộ tỉnh đi dự Đại hội toàn quốc lần thứ IV của Đảng tại Hà Nội vào tháng 12-1976.

Gần 35 năm đã trôi qua, người ĐBQH ngày ấy giờ là một cán bộ hưu trí tích cực làm công tác xã hội. Hằng ngày bà tất bật với công việc phụ trách bếp ăn từ thiện (Bệnh viện Đa khoa tỉnh), nào là vận động chị em đến phục vụ, nào là vận động các nhà tài trợ ủng hộ, để bảo đảm lo được 2.300 suất ăn cho bệnh nhân nghèo. Thường xuyên theo dõi thông tin các kỳ họp QH trên báo, đài, bà rất vui khi thấy hoạt động QH ngày càng đổi mới. Từ tình cảm của một “cựu” ĐBQH, bà mong muốn Đoàn ĐBQH tỉnh ta cũng như ĐBQH nói chung cần tiếp tục sâu sát cuộc sống, chăm chú lắng nghe ý kiến, tâm tư, nguyện vọng của cử tri để phản ánh kịp thời, chính xác lên các kỳ họp QH. Đặc biệt ĐBQH phải thực hiện lời hứa của mình như đã nói trong chương trình hành động và phát huy đầy đủ vai trò ĐB dân cử, không phụ lòng tin của cử tri đã tín nhệm. ĐBQH phải tăng cường hơn nữa chức năng giám sát việc thực hiện các chính sách, pháp luật Nhà nước và việc thực hiện các dự án, công trình trọng điểm triển khai ở địa phương, cơ sở.