(NTO) Có thể nói, chưa bao giờ vấn đề sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng cấm nhất là phân bón, thuốc bảo vệ thực vật… được đặt ra một cách gay gắt như hiện nay cả dư luận xã hội và cơ quan có trách nhiệm quản lý. Bởi lẽ, tình trạng sản xuất, kinh doanh phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y, thức ăn chăn nuôi, thức ăn thủy sản giả, kém chất lượng, nhập lậu không rõ nguồn gốc; sử dụng chất cấm trong chế biến thực phẩm, trong chăn nuôi diễn biến ngày càng phức tạp, đang là vấn đề bức xúc, nguy hại cho sức khỏe người dân, không những gây tác hại nghiêm trọng cho sản xuất nông nghiệp, thương hiệu quốc gia mà còn làm thất thu ngân sách nhà nước.
Nông dân xã Lương Sơn (Ninh Sơn) sử dụng phân NPK bón cho cây lúa vụ mùa 2015. Ảnh: Sơn Ngọc
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến thực trạng nêu trên, trong đó nổi bật là các ngành chức năng và chính quyền địa phương các cấp, các lực lượng chức năng chưa thực sự vào cuộc, chưa coi đây là nhiệm vụ trọng tâm, đã buông lỏng quản lý, công tác phối hợp giữa các ngành, các cấp chưa chặt chẽ, hiệu quả. Công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý chưa thường xuyên, kiên quyết, chưa công khai kịp thời các cơ sở, đơn vị, cá nhân sai phạm...
Do đó, để khắc phục thực trạng này, mới đây theo chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, các bộ, ngành và chính quyền các địa phương phải thực hiện nghiêm túc Nghị quyết số 41/NQ-CP ngày 9-6-2015 của Chính phủ về đẩy mạnh công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả; củng cố lực lượng, phương tiện, hoàn thiện cơ chế chính sách, pháp luật, đề cao trách nhiệm, phấn đấu tạo được chuyển biến căn bản trong công tác đấu tranh phòng, chống sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng là phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y, thức ăn chăn nuôi, thức ăn thủy sản, sử dụng chất cấm trong chế biến thực phẩm, trong chăn nuôi. Cụ thể, cùng với thực hiện tốt công tác quản lý cần kiểm soát chặt chẽ việc cấp chứng nhận chất lượng phân bón hữu cơ, phân bón khác, chấn chỉnh, xử lý nghiêm các sai phạm trong việc cấp phép chứng nhận quản lý phân bón trong thời gian vừa qua. Bên cạnh đó, phối hợp với Ban chỉ đạo 389 các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tăng cường chỉ đạo các cơ quan, đơn vị liên quan tiến hành thanh tra, kiểm tra, kiểm soát, phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật về sản xuất, kinh doanh các loại hàng hóa như đã nêu, công khai kết quả xử lý. Cần chủ động kiểm tra, kiểm soát thị trường, theo đó lực lượng Quản lý thị trường cần tăng cường phối hợp với các cơ quan chức năng trên địa bàn, chủ động tổ chức kiểm tra, kiểm soát thị trường; phát hiện, xử lý các cơ sở sản xuất, kinh doanh phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y và thức ăn chăn nuôi không đủ điều kiện, không có giấy phép; tiếp tục tổ chức để các cơ sở sản xuất, kinh doanh ký cam kết không kinh doanh hàng cấm, hàng giả, hàng kém chất lượng và xử lý nghiêm theo quy định đối với các trường hợp sai phạm. Nếu đủ yếu tố cấu thành tội phạm thì chuyển xử lý hình sự. Công bố Đường dây nóng tiếp nhận phản ánh vi phạm là một trong những giải pháp hữu hiệu bên cạnh việc tăng cường tuyên truyền, thông tin kịp thời trên các phương tiện thông tin đại chúng để người dân nhận biết rõ về phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y giả, kém chất lượng và không sử dụng chất cấm trong chăn nuôi…
Thiết nghĩ, nếu thực hiện đồng bộ các giải pháp đã nêu, đặc biệt là sự đồng thuận và tích cực tham gia của người dân trong việc phát hiện, “nói không” với các cơ sở sản xuất, kinh doanh làm ăn gian dối… tin rằng sẽ sớm lập lại “trật tự” trên thị trường.
H.H