Bắc Phong về “đích” nông thôn mới

(NTO) Chúng tôi đến xã Bắc Phong (Thuận Bắc) vào lúc người dân đang tất bật làm vệ sinh đường làng, treo cờ và băng-rôn chuẩn bị cho sự kiện xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới (NTM). Đi từ thôn Ba Tháp qua thôn Gò Sạn, dọc theo cánh đồng lúa chín vàng ươm vào thôn Mỹ Nhơn, ở đâu cũng bắt gặp không khí hân hoan của người dân địa phương. Sau nhiều năm nỗ lực thực hiện, Bắc Phong đã trở thành xã thứ hai của huyện Thuận Bắc đạt chuẩn NTM.

Xác định mục tiêu cơ bản trong xây dựng NTM là phải nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho Nhân dân, trong những năm qua,
Bắc Phong đã tập trung giải quyết tốt vấn đề nông nghiệp, nông dân và nông thôn. Nhờ phát triển sản xuất nông nghiệp,
kết hợp với việc tổ chức các lớp đào tạo nghề, Bắc Phong đã đạt tiêu chí khó khăn, nhất là tăng thu nhập cho người dân.
Ảnh: Nông dân xã Bắc Phongứng dụng thiết bị cơ giới vào thu hoạch lúa vụ mùa 2015.

 
Giao thông nông thôn xã Bắc Phong được bê-tông tạo thuận lợi cho sản xuất và đi lại của người dân địa phương. Ảnh: D.A

Bắc Phong có tổng dân số gần 6.000 người, sinh sống ở 3 thôn: Ba Tháp, Gò Sạn và Mỹ Nhơn; diện tích tự nhiên 2.233,88 ha, trong đó có 1.260,1ha đất sản xuất nông nghiệp, bao gồm 550ha ruộng lúa và 72 ha đất trồng hoa màu các loại (đậu, bắp, rau...), phần còn lại là nương rẫy. Để tạo bứt phá trong sản xuất nông nghiệp, Bắc Phong chủ trương chuyển dịch cơ cấu cây trồng, giúp nông dân nhanh chóng tiếp cận khoa học- kỹ thuật, nâng cao hiệu quả kinh tế trong trồng trọt, chăn nuôi, trong đó chú ý ứng dụng giống cây trồng mới thích nghi với khí hậu, thổ nhưỡng địa phương. Trong 5 năm qua, tận dụng tối đa nguồn nước từ hệ thống thủy lợi kênh Bắc, trạm bơm Mỹ Nhơn và hồ Sông Trâu, Nhân dân đã chuyển một số diện tích đất rẫy màu, đất trồng lúa bấp bênh sang trồng lúa 2 vụ trở lên/năm, mở rộng thêm 73,1 ha diện tích đất sản xuất nông nghiệp. Đáng chú ý là các mô hình sản xuất áp dụng khoa học- kỹ thuật đã mang lại hiệu quả cao như: Nhân lúa giống tại Gò Sạn và Mỹ Nhơn; trồng cây màu có giá trị kinh tế ở Ba Tháp (1,4 ha); trồng cây mãng cầu dai ở Mỹ Nhơn, Ba Tháp (2 ha). Trong chăn nuôi, có mô hình chuyển từ nuôi bò cỏ sang bò pha lai theo hướng giảm số lượng, tăng chất lượng đàn...

 
Cán bộ Trạm Y tế xã Bắc Phong tận tâm chăm sóc sức khỏe cho người dân.

Đồng chí Nguyễn Văn Lăng, Bí thư Đảng ủy xã Bắc Phong, cho biết: “Xác định mục tiêu cơ bản trong xây dựng NTM là phải nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho Nhân dân, nên trong những năm qua, Bắc Phong đã tập trung giải quyết tốt vấn đề nông nghiệp, nông dân và nông thôn”. Nhờ phát triển sản xuất nông nghiệp, kết hợp với việc tổ chức các lớp đào tạo nghề, Bắc Phong đã đạt tiêu chí khó khăn nhất là tăng thu nhập cho người dân. Cụ thể đến nay thu nhập bình quân đầu người của xã là 24,5 triệu đồng/người/năm. Cùng với sự chuyển biến về đời sống Nhân dân, bộ mặt nông thôn Bắc Phong cũng đang đổi mới nhanh chóng. Từ một xã có kết cấu hạ tầng hạn chế, sau 5 năm được Nhà nước đầu tư và huy động nguồn lực từ Nhân dân, doanh nghiệp, Bắc Phong đã có nhiều công trình như trường học, trạm xá, chợ được xây dựng. Toàn xã đã có 100% đường trục xã, liên xã được nhựa hóa hoặc bê-tông, 70% đường trục thôn xóm được cứng hóa đạt chuẩn; 100% đường ngõ xóm không lầy lội vào mùa mưa và 70% cứng hóa; 70% đường trục chính nội đồng được cứng hóa, xe cơ giới đi lại thuận tiện. Hệ thống kênh mương thủy lợi với tổng chiều 24,65 km, đã có 71% được bê-tông, đáp ứng tốt cho hoạt động sản xuất và dân sinh.

 
Mạng lưới trường học được đầu tư xây dựng khang trang đáp ứng nhu cầu học tập của học sinh.

Điểm nổi bật trong xây dựng NTM ở Bắc Phong là sự phát huy vai trò chủ thể của người dân. Hưởng ứng tích cực phong trào xây dựng NTM, Nhân dân đã đóng góp gần 5,8 tỷ đồng, hiến hàng chục ngàn m2 đất, nhân công và hiện vật để thực hiện các công trình trên địa bàn. Điển hình như các ông Nguyễn Búp, Phạm Văn Lịch (thôn Mỹ Nhơn), Dương Văn Dũng, Nguyễn Minh Hổ (thôn Ba Tháp) đã tự nguyện hiến hàng trăm m2 đất làm đường nội đồng và đường giao thông nông thôn. Tại thôn Gò Sạn, bà Võ Thị Cài là gương tiêu biểu, đã hiến 96 m2 đất thổ cư để làm đường nội thôn. Để mở rộng đường từ 1 m lên hơn 3 m, bà phải phá bỏ tường rào dài 25 m và đốn hạ 2 cây me lâu năm. Ông Bùi Xuân Hồng, Trưởng thôn Gò Sạn, người cũng đã hiến 260m2 ruộng làm đường nội đồng, chia sẻ: Không chỉ hiến đất, người dân còn tham gia góp ý về thiết kế và chọn vật liệu xây dựng tương thích, rồi trực tiếp phân công giám sát thi công, bảo đảm chất lượng các công trình hạ tầng giao thông, thủy lợi.

 
Hệ thống thủy lợi xã Bắc Phong được đầu tư kiên cố phục vụ cho sản xuất.
 
 
Nông dân Bắc Phong áp dụng mô hình tưới nước tiết kiệm trên hoa màu.
Ảnh: Văn Miên

Theo đồng chí Nguyễn Văn Lăng, qua kết quả đạt được, bài học kinh nghiệm mà Bắc Phong rút ra là mọi việc làm nhằm thực hiện chương trình xây dựng NTM phải dựa trên nguyện vọng chính đáng của Nhân dân, phát huy tốt nhất vai trò của cộng đồng, quán triệt sâu sắc nguyên tắc: “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra và dân thụ hưởng”. Đặc biệt phải xuất phát từ nhu cầu thực tiễn và sự đồng thuận của Nhân dân, phải ưu tiên các tiêu chí cần thiết, cấp bách để đầu tư trước. Có như vậy mới phát huy nguồn lực, đóng góp của Nhân dân và doanh nghiệp, thúc đẩy phát triển các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội ở địa phương.