Để giúp đỡ người lầm lỗi tái hòa nhập cộng đồng (THNCĐ), thời gian qua, chính quyền, Mặt trận, hội, đoàn thể và công an các cấp trên địa bàn tỉnh đã xây dựng được nhiều mô hình đạt hiệu quả, đang được phổ biến, nhân rộng như mô hình Tổ, đội an ninh xung kích về ANTT; mô hình “Vì lợi ích cộng đồng-đùm bọc vươn lên” của UBND phường Kinh Dinh… Đáng chú ý là mô hình giúp đỡ người lầm lỗi THNCĐ gắn với xây dựng nông thôn mới (NTM) do Công an tỉnh thành lập tại các xã được chọn làm điểm xây dựng NTM trên địa bàn tỉnh, nhằm hỗ trợ các địa phương trong thực hiện và giữ vững tiêu chí 19 về đảm bảo ANTT.
Nhằm giúp anh Nguyễn Văn Lân (thôn Hòn Thiên, xã Tân Hải, huyện Ninh Hải) tái hòa nhập cộng đồng,
chính quyền địa phương đã vận động doanh nghiệp tặng gia đình anh cặp bò để chăn nuôi phát triển kinh tế.
Đại tá Nguyễn Xuân Hội, Trưởng phòng Thi hành án hình sự và Hỗ trợ tư pháp, Công an tỉnh, cho biết: Triển khai Kế hoạch số 144/KH-CQTHAHS-PC81 của Công an tỉnh về việc “Khảo sát và xây dựng điểm mô hình, điển hình tiên tiến trong công tác THNCĐ thực hiện tiêu chí số 19 của Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM trên địa bàn tỉnh năm 2015” gắn với thực hiện Nghị định số 80/NĐ-CP của Chính phủ quy định các biện pháp bảo đảm công tác THNCĐ đối với người chấp hành xong án phạt tù, Công an tỉnh đã chỉ đạo các phòng nghiệp vụ phối hợp với Công an các huyện, thành phố xuống 11 xã điểm về xây dựng NTM của tỉnh để khảo sát và hướng dẫn xây dựng các mô hình giúp đỡ người lầm lỗi THNCĐ. Mô hình được nhân rộng ra 11 xã trên cơ sở hiệu quả thực tế ở một số địa phương triển khai xây dựng trước đó như phường Kinh Dinh (Tp. Phan Rang-Tháp Chàm), xã Tân Hải (Ninh Hải). Mô hình có sự tham gia của cấp ủy, chính quyền, Mặt trận, đoàn thể và nhân dân địa phương với hoạt động chính là chú trọng vào công tác quản lý, cảm hóa, giáo dục, giúp người lầm lỡ THNCĐ; qua đó làm trong sạch địa bàn, hạn chế các hành động trái pháp luật, xây dựng xã an toàn về ANTT.
Qua kết quả xây dựng và nhân rộng ở các địa phương, mô hình “Cán bộ và nhân dân xã hết lòng vì người lầm lỗi” tại xã Công Hải được đánh giá cao và là một trong những cách làm giúp địa phương thực hiện đạt tiêu chí 19, trở thành 1 trong 8 xã trên địa bàn tỉnh đã “cán đích” NTM trong năm 2015. Đồng chí Mai Duy Bàng, Chủ tịch UBND xã, cho biết: Từ khi thành lập mô hình này, công tác tuyên truyền pháp luật, tiếp nhận quản lý, giáo dục, giúp đỡ người THNCĐ được cả hệ thống chính trị từ xã đến thôn quan tâm sâu sát hơn. Đến nay, địa phương đã tiếp nhận 36 người THNCĐ và đều có phân công tổ chức, cá nhân quản lý, giám sát, giáo dục, giúp đỡ; vận động các tổ chức, cá nhân hỗ trợ kinh phí, cho vay vốn học nghề, tạo việc làm. Ngoài ra, đã giới thiệu 16 người có việc làm ổn định tại các doanh nghiệp, hộ sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh. Từ những hiệu quả bước đầu trên, đã góp phần giúp cho những người THNCĐ yên tâm làm ăn, ổn định cuộc sống, tin tưởng vào chủ trương, đường lối của Đảng, nhận thức được sự quan tâm đặc biệt của các cấp chính quyền và của toàn xã hội để phấn đấu vươn lên; hạn chế tái phạm tội.
Đại tá Nguyễn Xuân Hội cho biết thêm: Đến nay, trong số 11 xã điểm của tỉnh về xây dựng NTM được chọn để nhân rộng mô hình này thì có 7 xã (Thành Hải, Phước Đại, Phước Thái, Phước Sơn, Phước Thuận, Nhơn Sơn, Tri Hải) đã thành lập được mô hình với tên gọi “Chung tay giúp đỡ người lầm lỗi THNCĐ”; 2 xã Công Hải và Xuân Hải lấy tên gọi là mô hình “Cán bộ và nhân dân xã hết lòng vì người lầm lỗi”. Nhiều địa phương nhờ có mô hình đã làm tốt công tác quản lý đối tượng chấp hành xong án phạt tù trở về địa phương, được học nghề, giới thiệu việc làm, trở thành người lương thiện; trong số đó không ít người đã tích cực lao động sản xuất, vươn lên làm giàu chính đáng. Theo kết quả rà soát, tỷ lệ người THNCĐ có việc làm ổn định ở các địa phương có mô hình là 40,37% (cao hơn 10% so với bình quân chung toàn tỉnh); tỷ lệ tái phạm tội là 5,61% (thấp hơn 1,5% so với bình quân chung toàn tỉnh). Chính vì vậy, việc xây dựng mô hình này ở các xã được xem là biện pháp để thực hiện tốt công tác THNCĐ, góp phần hạn chế tình trạng tái phạm tội và vi phạm pháp luật. Đồng thời, qua hoạt động của mô hình càng nâng cao hơn tinh thần, trách nhiệm của các cấp, ngành cùng tuyên truyền, giáo dục, giúp đỡ, động viên để người hoàn lương yên tâm lao động sản xuất, trở thành người có ích cho xã hội.
Diễm My