Ngày làm việc thứ hai, kỳ họp HĐND tỉnh lần thứ 14, khóa IX: Nhiều vấn đề quan trọng được đưa ra bàn thảo

(NTO) Ngày 9-12, kỳ họp thứ 14, HĐND tỉnh khóa IX bước vào ngày làm việc thứ 2. Buổi sáng, các đại biểu đã chia thành 4 tổ để thảo luận về các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2016; Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm, giai đoạn 2016- 2020 và cho ý kiến về các báo cáo, tờ trình do UBND tỉnh trình tại kỳ họp. Buổi chiều cùng ngày, các đại biểu thảo luận tại hội trường; nghe đồng chí Lưu Xuân Vĩnh, Chủ tịch UBND tỉnh phát biểu; đồng thời tiến hành làm công tác nhân sự của HĐND và UBND tỉnh.

Tại phiên họp thảo luận tổ, nhìn chung, các đại biểu đều cơ bản nhất trí với báo cáo của UBND tỉnh. Bên cạnh đó, các đại biểu cũng tập trung phân tích, làm rõ những hạn chế và nguyên nhân trong việc thực hiện các chỉ tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, tập trung vào các chỉ tiêu chưa đạt theo Nghị quyết HĐND tỉnh giao, như: Tốc độ tăng trưởng GDP, kim ngạch xuất khẩu, thu nhập bình quân đầu người; trong đó, nhấn mạnh giai đoạn 2011 – 2015, có 7/23 chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội không đạt kế hoạch. Về phương hướng, nhiệm vụ và các giải pháp để thực hiện nhiệm vụ năm 2016 và giai đoạn 2016 - 2020, các đại biểu đã phân tích, bàn thảo về thực hiện các chỉ tiêu kinh tế - xã hội, vấn đề tái cơ cấu nền kinh tế, giảm nghèo, thu nhập bình quân đầu người...

Đồng chí Nguyễn Đức Thanh, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh điều hành kỳ họp.

Đồng chí Lưu Xuân Vĩnh, Chủ tịch UBND tỉnh báo cáo tại kỳ họp.

Các đại biểu cũng nhất trí cho rằng, để thực hiện được vấn đề này, tỉnh cần đề ra các giải pháp căn cơ, lâu dài để thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng, tổ chức sản xuất để thích ứng với tình hình biến đổi khí hậu và tái cơ cấu ngành Nông nghiệp, tổ chức lại sản xuất để hỗ trợ nông dân sản xuất hiệu quả, nhất là trong bối cảnh nước ta đã ký kết Hiệp định TPP, hội nhập sâu vào kinh tế thế giới. Bên cạnh đó, một số ý kiến cho rằng cần chú trọng hơn nữa đến công tác huy động và sử dụng các nguồn lực đầu tư phát triển; giải quyết việc làm, nâng cao chất lượng đào tạo nghề cho lao động nông thôn; nâng cao chất lượng giáo dục ở miền núi; phát triển kinh tế- xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số gắn với đảm bảo an sinh xã hội; quản lý đất đai, tài nguyên môi trường; vấn đề xử lý nợ công trong xây dựng cơ bản; việc thực hiện đề án “Chung tay xây dựng Ninh Thuận xanh-sạch- đẹp”, nhất là tại các điểm du lịch, khu đô thị; phát huy vai trò động lực của kinh tế biển; thực hiện Nghị định 67 và Nghị định 89 của Chính phủ hỗ trợ ngư dân đánh bắt xa bờ; tăng cường trách nhiệm các cơ quan liên quan trong quản lý vệ sinh an toàn thực phẩm; quản lý thị trường thuốc chữa bệnh; phát triển du lịch, bảo tồn di tích lịch sử - văn hóa… cũng như cần xem xét lại chỉ tiêu về giá trị sản xuất ngành Công nghiệp đến năm 2020 do trong giai đoạn này, một số dự án công nghiệp năng lượng quan trọng vẫn chưa đi vào hoạt động.

Đồng chí Phan Hữu Đức, Chủ tịch Ủy ban MTTQVN tỉnh chất vấn tại kỳ họp.

Đồng chí Lê Văn Lợi, Trưởng Ban Kinh tế- Ngân sách  HĐND tỉnh chất vấn tại kỳ họp.

Tại buổi thảo luận tổ, nhiều đại biểu còn phân tích sự cần thiết, tính khả thi, nhất là khả năng bố trí ngân sách đảm bảo đối với các tờ trình, đề án như: Quy định mức hỗ trợ đóng BHYT cho hộ cận nghèo trên địa bàn tỉnh năm 2016; Sửa chữa, nâng cấp, xây dựng các công trình ghi công liệt sỹ trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2015 – 2020; Tổ chức, hoạt động và một số chế độ, chính sách đối với dân quân tự vệ trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2016 – 2020.

Buổi chiều cùng ngày, các đại biểu thảo luận tại hội trường. Có 8 lãnh đạo sở, ngành tham gia trả lời các ý kiến của đại biểu và cử tri, gồm: Sở Nội vụ, Xây dựng, Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Lao động – Thương binh và Xã hội, Khoa học và Công nghệ , Tài nguyên&Môi trường, Kế hoạch và đầu tư, Giáo dục& Đào tạo.

Đồng chí Châu Thị Thanh Hà, Giám đốc Sở Nội vụ trả lời chất vấn tại kỳ họp.

Dưới sự điều hành của đồng chí Nguyễn Đức Thanh, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, bước vào phiên họp, đồng chí Châu Thị Thanh Hà, Giám đốc Sở Nội vụ đã giải trình ý kiến chất vấn của các đại biểu về việc triển khai Quyết định số 12/2015/QĐ-UBND của UBND tỉnh về việc quy định số lượng các chức danh, mức phụ cấp đối với những người hoạt động không chuyên trách ở các xã, phường thị trấn, thôn, khu phố trên địa bàn tỉnh. Theo đồng chí Giám đốc Sở Nội vụ, hiện nay đội ngũ cán bộ này rất đông, trong đó cán bộ chuyên trách có 675 người, công chức cấp xã 723 người, những người hoạt động không chuyên trách cấp xã là 1.135 người. Tuy nhiên, bắt đầu từ năm 2016 trở đi, việc bố trí số lượng thực hiện nhiệm vụ ở cấp xã sẽ được gọn lại, như: Xã loại 1 được bố trí tối đa không quá 22 người; xã loại 2 không quá 20 người và xã loại 3 tối đa không quá 19 người. Để đủ nhân lực phục vụ công tác bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016 – 2021, các địa phương kiến nghị tỉnh cho phép tiếp tục hỗ trợ phụ cấp tăng thêm, thời gian thực hiện đến 30-6-2016. Bắt đầu từ ngày 1-7-2016 trở đi, các địa phương tự chủ bố trí, sắp xếp đội ngũ những người không chuyên trách theo đúng quy định.

Đồng chí Phan Tấn Cảnh, Giám đốc Sở Xây dựng trả lời chất vấn tại kỳ họp.

Tiếp đó, đồng chí Phan Tấn Cảnh, Giám đốc Sở Xây dựng trả lời chất vấn của đại biểu liên quan đến việc, một số vùng, khu dân cư, như: Đông Mỹ Hải, Khu phố 6 (phường Đạo Long, Tp.Phan Rang – Tháp Chàm), xã An Hải (Ninh Phước), xã Phước Diêm (Thuận Nam) người dân vẫn chưa có đủ nước sạch sinh hoạt; việc xây dựng nhà ở trái phép trên đất nông nghiệp diễn ra nhiều nơi. Vấn đề này, đồng chí Phan Tấn Cảnh thừa nhận là có thật. Sau nhiều lần kiểm tra làm việc, hiện nay ngành đang tiếp tục chỉ đạo Công ty Cổ phần Cấp nước Ninh Thuận và Xí nghiệp Cấp nước Đông Mỹ Hải cùng thỏa thuận phối hợp và đang tiến hành rà soát để đấu nối hệ thống, nhằm cung cấp nguồn nước sạch cho bà con tong thời gian tớir. Đối với việc xây dựng nhà trái phép trên đất nông nghiệp, đồng chí Phan Tấn Cảnh, cho rằng, có 4 nguyên nhân dẫn đến vấn đề này. Thứ nhất, do trong quy hoạch xây dựng trước đây tỉnh ta chỉ mới tập trung ở đô thị; thứ hai, do nhu cầu về mặt kinh tế của người dân khó khăn; thứ ba, xuất phát từ sự tranh thủ của một số hộ muốn đầu cơ đất đại và thứ tư là sự thiếu kiên quyết trong xử lý của các ngành, các cấp.

Đồng chí Trịnh Minh Hoàng, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn trả lời chất vấn tại kỳ họp.

Tại phiên chất vấn lần này, lĩnh vực nông nghiệp được các đại biểu quan tâm, đặt nhiều câu hỏi nhất. Với tinh thần trách nhiệm trước cử tri và đại biểu, đồng chí Trịnh Minh Hoàng, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) đã lần lượt trả lời 5 vấn đề  và giải thích rõ thực trạng, khó khăn, nêu giải pháp để cùng địa phương tháo gỡ kịp thời các vướng mắc, tồn tại của ngành trong thời gian tới. Trong đó, đối với giải pháp tái cơ cấu ngành nông nghiệp, chuyển đổi cơ cấu cây trồng trong năm 2016 và giai đoạn đến năm 2020, đồng chí Giám đốc Sở NN&PTNT cho biết, thời gian tới, ngành Nông nghiệp chú trọng xây dựng và phát triển các vùng chuyên canh, chuyên nuôi tập trung với quy mô lớn, để tăng giá trị đơn vị diện tích. Tập trung phát triển các cây trồng, vật nuôi đặc thù vùng khô hạn, có lợi thế cạnh tranh tiết kiệm nước. Ưu tiên phát triển các vật nuôi có lợi thế như dê, cừu, phấn đấu đến năm 2020 đạt quy mô tổng đàn 255 ngàn con… Về ý kiến đại biểu băn khoăn liệu chỉ tiêu tỷ lệ che phủ rừng đạt 46% trong năm 2016 liệu có khả thi? Đồng chí Trịnh Minh Hoàng nêu rõ, đây là 1 trong những chỉ tiêu đã được Nhà nước giao cho tỉnh ta. Tỷ lệ này cũng dựa trên cơ sở tính toán của Bộ NN&PTNT đưa ra. Liên quan đến kết quả giải ngân nguồn vốn chống hạn, đồng chí cho biết, đến nay nguồn vốn chống hạn được các địa phương giải ngân được 123 /172 tỷ đồng, dự kiến đến cuối năm sẽ hoàn thành đạt 100% kế hoạch. Đối với ý kiến của cử tri liên quan đến việc giao rừng khoán quản, hỗ trợ đất sản xuất cho đồng bào miền núi, đồng chí Giám đốc Sở NN&PTNT thông tin để đại biểu và cử tri yên tâm, đó là hiện nay công tác này đang phát huy tốt hiệu quả. Riêng công tác giao rừng khoán quản, ngoài diện tích 155.000 ha đã giao cho cộng động dân cư quản lý, ngành còn tham mưu Thường trực Tỉnh ủy giao một số diện tích rừng ở các vùng giáp ranh để các lực lượng vũ trang nhận canh giữ.

Trả lời câu hỏi của các đại biểu liên quan đến công tác giải quyết việc làm mới và xuất khẩu lao động chưa sát với thực tế, mà chỉ chạy theo số lượng, đồng chí Hà Anh Quang, Giám đốc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội, cho biết: Vấn đề này còn diễn ra là có nhiều nguyên nhân. Trong đó, về xuất khẩu lao động, do phần lớn người dân còn có tư tưởng muốn làm ăn gần nhà, một số khác thì do đã vay vốn từ các chương trình khác và nợ quá hạn còn kéo dài, nên khó vay để tín chấp cho chương trình xuất khẩu lao động. Đối với công tác đào tạo nghề và giải quyết việc làm, đồng chí Giám đốc Sở LĐ-TB&XH cho rằng, nguyên nhân là do lâu nay việc đào tạo và chỉ tiêu đào tạo thường được giao cho các địa phương, nên để đạt được chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội đề ra, một số địa phương đã chạy theo thành tích mà không tìm hiểu, phân tích kỹ để chọn nghề đào tạo phù hợp. Thực tế này ngành đã thấy và sẽ khắc phục trong thời gian tới bằng cách tăng cường giám sát cơ sở, có kế hoạch tham mưu cụ thể cho UBND tỉnh để chỉ đạo các địa phương thực hiện quyết liệt, nhằm nâng cao chất lượng đào tạo, giúp người lao động sử dụng được kiến thức đã học vào công việc.

Đồng chí Lê Kim Hùng, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ trả lời chất vấn tại kỳ họp.

Về ý kiến chất vấn của các đại biểu liên quan đến việc tổ chức triển khai ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, nhất là lĩnh vực sản xuất nông nghiệp thời gian qua còn chậm, đồng chí Lê Kim Hùng, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ, cho biết: Vấn đề này được ngành hết sức quan tâm, tuy nhiên trong bối cảnh còn nhiều khó khăn, ngân sách của tỉnh còn hạn hẹp, nên việc phân bổ vốn và xác định công trình trọng điểm phải xác định rõ tính khả thi, tiến độ thực hiện và các giải pháp triển khai mới phân bổ. Trong năm 2016 và những năm tiếp theo, đơn vị tiếp tục tham mưu Tỉnh ủy, UBND tỉnh để chỉ đạo, điều hành, giao trách nhiệm cụ thể của từng tổ chức, cá nhân để giám sát việc triển khai thực hiện đạt hiệu quả hơn.

Tại phiên họp, các đại biểu còn nghe lãnh đạo Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài nguyên và Môi trường phát biểu làm rõ về chỉ tiêu tăng trưởng GDP trong năm 2016 và vấn đề quy hoạch tại một số tuyến đường mới trên địa bàn tỉnh, như: Đường ven biển, đường Phan Đăng Lưu…

Giải trình những vấn đề đại biểu và cử tri quan tâm về chỉ tiêu, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh trong năm 2016, đồng chí Lưu Xuân Vĩnh, Chủ tịch UBND tỉnh bày tỏ lạc quan về sự tăng trưởng kinh tế của tỉnh trong năm 2015. Đồng chí nhấn mạnh, dù phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, nhất là tình hình hạn hán kéo dài, nhưng với tinh thần chủ động, vượt khó, phát huy nội lực của các cấp, các ngành tình hình kinh tế - xã hội vẫn tiếp tục duy trì ổn định. Trong tổng số 15 chỉ tiêu Nghị quyết HĐND tỉnh giao, có 11 chỉ tiêu đạt, vượt kế hoạch; đặc biệt, thu ngân sách đã vượt kế hoạch, với tổng thu 1.818 tỷ đồng, tăng 18 tỷ so với kế hoạch, chứng tỏ nền kinh tế của tỉnh đã có sự phát triển tốt hơn trong thời gian qua. Với đà này, trong năm 2016, dự kiến tốc độ tăng trưởng GDP của tỉnh đạt từ 10-11% như chỉ tiêu Nghị quyết HĐND tỉnh đề ra là có thể. Để đạt được kế hoạch này, sau kỳ họp UBND tỉnh sẽ tập trung chỉ đạo, điều hành, khắc phục những hạn chế tồn tại; chỉ đạo các sở, ngành, địa phương rà soát, triển khai quyết liệt, với quyết tâm cao thực hiện tốt các công việc được giao và sẽ có báo cáo phản hồi thông tin lại cho đại biểu và cử tri.

Đồng chí Chủ tịch HĐND tỉnh đánh giá cao việc chuẩn bị chu đáo trong trả lời chất vấn của lãnh đạo các đơn vị. Việc trả lời rõ ràng, trách nhiệm, đi thẳng vào vấn đề cử tri quan tâm. Đồng chí lưu ý các đại biểu cần nghiêm túc tiếp thu tinh thần trả lời chất vấn của các sở, ngành để có cơ sở tuyên truyền, giải thích lại cho cử tri rõ, hiểu đúng, tránh tình trạng khiếu kiện xảy ra.

Các đại biểu HĐND bỏ phiều bầu các chức danh cbủ chốt UBND tỉnh.
 
 
Các đại biểu HĐND tỉnh biểu quyết thông qua các nội dung quan trọng của kỳ họp. Ảnh: Văn Miên

Kết thúc phiên thảo luận và trả lời chất vấn tại hội trường, các đại biểu đã tiến hành biểu quyết thông qua Nghị quyết về việc cho thôi chức danh Uỷ viên Thường trực HĐND tỉnh khoá IX, nhiệm kỳ 2011-2016 đối với ông Trượng Ngọc Anh; cho thôi chức danh Phó Chủ tịch UBND tỉnh khoá IX, nhiệm kỳ 2011-2016 đối với các ông: Trần Xuân Hoà, Võ Đại; cho thôi chức danh Uỷ viên UBND tỉnh khoá IX, nhiệm kỳ 2011-2016 đối với các ông: Huỳnh Thế Kỳ, nguyên Giám đốc Công an tỉnh; Hoàng Ngọc Thái, nguyên Chỉ Huy trưởng, BCH Quân sự tỉnh. Các đại biểu cũng biểu quyết thông qua Nghị quyết bầu bổ sung các ông: Phạm Văn Hậu, Bí Thư Huyện ủy Ninh Phước; Trần Quốc Nam, Chánh Văn phòng UBND tỉnh giữ chức danh Phó Chủ tịch UBND tỉnh khoá IX, nhiệm kỳ 2011-2016; bầu bổ sung các ông: Huỳnh Công Năng, Chỉ huy trưởng, BCH Quân sự tỉnh; Phạm Huyền Ngọc, Giám đốc Công an tỉnh giữ chức danh Uỷ viên UBND tỉnh khoá IX, nhiệm kỳ 2011-2016.