Vấn đề hôm nay:

Tăng cường quản lý thị trường cuối năm!

(NTO) Chỉ còn chưa đầy một tháng nữa là kết thúc năm 2015. Đây cũng là thời điểm mà các đối tượng sản xuất hàng giả, hàng nhái, buôn lậu… hoạt động mạnh để tìm kiếm lợi nhuận từ sự “mù mờ” thông tin, đánh lừa người tiêu dùng, nhất là trong dịp Noel sắp tới và Tết dương lịch. Những mặt hàng phổ biến mà các đối tượng nêu trên “nhắm” vào thường là thực phẩm, rượu, bia, thuốc lá, bánh kẹo… vốn là những mặt hàng thiết yếu được sử dụng khá nhiều trong các gia đình vào dịp lễ, tết. Theo số liệu của ngành chức năng, từ đầu năm đến nay đã phát hiện xử lý trên 820 vụ vi phạm, tăng 19,2% về số vụ kiểm tra và tăng 46,67% về số vụ xử lý so cùng kỳ năm trước. Tổng số tiền thu nộp vào ngân sách trên 886 triệu đồng. Qua phân tích, các hành vi vi phạm chủ yếu như vận chuyển, lưu thông hàng hóa nhập khẩu không có hóa đơn, chứng từ; sử dụng hóa đơn quay vòng, trốn lậu thuế; hàng Việt Nam nhưng không có nhãn mác hoặc ghi không đầy đủ các nội dung theo quy định; vận chuyển hàng cấm… Tuy nhiên, thực tế phải nhìn nhận rằng những con số nêu trên chỉ là “bề nổi” của “tảng băng” chìm về “buôn gian, bán lận”, sản xuất hàng giả, kém phẩm chất… đã và đang tồn tại với “trăm phương, nghìn kế” để đối phó, qua mặt cơ quan, lực lượng chức năng…

Có thể nói, những hành vi nêu trên vô hình trung đã làm cho thị trường “bất ổn”, ảnh hưởng đến những đơn vị, doanh nghiệp, hộ kinh doanh làm ăn chân chính. Nguy hại hơn là hàng giả, hàng kém phẩm chất không những tác động xấu đến nền sản xuất trong nước nói chung, tỉnh nhà nói riêng mà còn nguy hại đến cả đến sức khỏe người tiêu dùng.

Để giải quyết rốt ráo tình trạng đã nêu, yêu cầu đặt ra là cơ quan chức năng cần tăng cường công tác quản lý thị trường, kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ và xử lý nghiêm các vụ buôn lậu, vận chuyển hàng hóa trái phép; các vụ sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng kém chất lượng. Thực hiện tốt Kế hoạch cao điểm đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả của Ban Chỉ đạo 389 Trung ương, theo đó tăng cường công tác phối hợp chặt chẽ giữa các lực lượng chức năng, thanh tra chuyên ngành từ tỉnh đến cơ sở và phối hợp chặt chẽ với các cấp chính quyền địa phương. Xác định rõ trách nhiệm của từng ngành, địa phương không để xảy ra tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại và sản xuất, buôn bán hàng giả trên địa bàn, trên các lĩnh vực thuộc trách nhiệm kiểm tra, kiểm soát…

Có thể nói quy định thì không thiếu, vấn đề còn lại là trách nhiệm thực thi công vụ vì sự phát triển và ổn định thị trường, nhất là trong dịp cuối năm của các ngành, địa phương liên quan. Mặt khác, cũng cần thông tin nhanh nhạy, đầy đủ về hàng hóa, thị trường…để người dân tham gia phát hiện và kiên quyết nói “không” với hàng gian, hàng giả…