Nhưng kháng sinh là loại thuốc rất hiếm, rất đắt, khó mua, nên chỉ được sử dụng theo chỉ định của thầy thuốc và đã thấy xuất hiện vi khuẩn kháng kháng sinh tức là liều kháng sinh ngày càng tăng dần. Sau này, khi nghiên cứu về vi khuẩn học, sự tác động của kháng sinh đối với vi khuẩn thì việc chỉ định thuốc kháng sinh càng được quy định chặt chẻ hơn. Gần đây, với sự phát triển nhanh của khoa học công nghệ, thuốc kháng sinh được sản xuất nhanh, nhiều, rẽ làm cho việc sử dụng tràn lan, nhất là ở các nước đang phát triển làm cho tình trạng kháng kháng sinh ngày càng nhiều với mức độ khó kiểm soát. Tổ chức Y tế Thế giới đánh gia nguy cơ đã đến mức báo động cần phải cảnh giác cho cá nhân và cộng đồng biết và phòng. Ngày 21-11-2015, Bộ Y tế và Tổ chức Y tế Thế giới tại Việt Nam đã phối hợp tổ chức Mít tinh hưởng ứng “Tuần lễ về Phòng chống Kháng thuốc” khuyến cáo mọi người cần quan tâm trong việc sử dụng kháng sinh có trách nhiệm.
Việt Nam là nước đang phát triển, hiện nay tỷ lệ mắc các bệnh nhiễm trùng vẫn chiếm tỷ lệ khá cao và tỷ lệ tử vong sẽ tăng vọt nếu xuất hiện nhiều chủng vi khuẩn đa kháng nhiều loại kháng sinh. Những căn bệnh nhiễm trùng như: Viêm phổi, Viêm não - màng não, Nhiễm trùng huyết, Tả, Tiêu chảy, Viêm cơ xương khớp, Viêm phụ khoa, Viêm đường tiết niệu, Viêm nhiễm đường ruột vẫn còn là những căn bệnh nguy hiểm có thể gây chết người hoặc để lại những di chứng khó hồi phục. Bệnh Lao ở nước ta còn có tỷ lệ mắc cao (đứng hàng thứ 14 thế giới) và tình trạng Lao đa kháng thuốc đã xuất hiện ở Việt Nam.
Vì cơ chế sinh tồn, bất kỳ sinh vật nào, dù đó là các loài côn trùng cho đến vi khuẩn, vi-rút cũng đều có cách tự vệ trước những nguy cơ. Vi khuẩn cũng biết kháng lại kháng sinh nếu người sử dụng không đúng. Kháng sinh là những nhóm chất hóa học được chiết xuất từ các loài vi nấm tự nhiên hoặc được tổng hợp bán phần hoặc toàn phần. Kháng sinh tác dụng trực tiếp khi tiếp xúc với vi khuẩn với nguyên dạng hoặc đã qua dạng chuyển hóa của cơ thể. Kháng sinh có thể tác động diệt khuẩn (tiêu diệt vi khuẩn ) hoặc tác động kìm khuẩn (không cho vi khuẩn phát triển, sinh sôi nảy nở). Để tiêu diệt (hoặc kìm khuẩn) một loại vi khuẩn gây bệnh nào đó, kháng sinh phải đạt được những tiêu chuẩn sau: 1. Kháng sinh phải có khả năng tiêu diệt được vi khuẩn đó vì mỗi loại kháng sinh chỉ có thể tác động với một hoặc vài loại vi khuẩn mà thôi và mỗi loại vi khuẩn cũng chỉ chịu tác động với một hoặc vài loại kháng sinh; 2. Kháng sinh phải đạt đủ nồng độ thích hợp trong tổ chức bị nhiễm khuẩn để tiêu diệt vi khuẩn; 3. Nồng độ kháng sinh phải đạt nồng độ thích hợp trong một thời gian nhất định để diệt sạch vi khuẩn (không còn tồn tại dưới bất kỳ dạng nào); 4. Không hoặc gây rất ít (chấp nhận được) tác dụng phụ ở người bệnh; 5. Tuyệt đối không được gây dị ứng ở người bệnh.
Như vậy muốn sử dụng kháng sinh đạt những tiêu chuẩn trên, đòi hỏi phải có trình độ chuyên môn nhất định để cân nhắc giữa lợi ích và tác hại khi dùng kháng sinh nên Bộ Y tế quy định chỉ có bác sĩ sau khi ra trường phải qua 18 tháng thực hành ở cơ sở điều trị mới được cấp giấy phép hành nghề khám chữa bệnh và mới được kê toa thuốc.
Để tránh tình trạng kháng kháng sinh, đề nghị cá nhân và cộng đồng cần tuân thủ các hướng dẫn sau:
- Không tự ý mua kháng sinh để sử dụng;
- Không tự ý thay đổi thuốc kháng sinh được kê toa, vì lý do gì muốn thay đổi thuốc phải hỏi lại ý kiến thầy thuốc;
- Không tự ý ngưng thuốc khi chưa dùng đủ liều hoặc cứ dùng theo toa cũ;
- Không dùng thuốc theo đơn thuốc của người khác hoặc dùng thuốc theo lời đồn đại hoặc mách bảo của người không có chuyên môn;
- Dùng thuốc phải đúng theo hướng dẫn.
Vì sức khỏe của cá nhân và cộng đồng, cần sử dụng kháng sinh đúng chỉ định của thầy thuốc.
BS Nguyễn Năm