Có mặt tại Trạm Y tế xã Ma Nới (Ninh Sơn) vào ngày đầu tuần, chúng tôi chứng kiến sự vất vả của cán bộ y tế nơi đây. Trong một buổi sáng đã có hơn 30 bệnh nhân đến khám, trong khi đó chỉ có một bác sĩ và dược sỹ đảm nhận tất cả mọi công việc. Bệnh nhân Ta Thía Thị Thi, thôn Gia Hoa, chia sẻ: Ở đây bà con bị bệnh hay sinh đẻ, khám thai đều đến trạm y tế khám và điều trị chứ không lên tuyến trên, vì đường xa lại tốn tiền xăng xe. Cán bộ y tế ở trạm khám cũng nhiệt tình nên bà con rất tin tưởng”. Theo thống kê, từ đầu năm đến nay, trạm đã khám và điều trị gần 5.500 lượt bệnh nhân.
Người dân đến khám và điều trị tại trạm y tế xã Phước Thuận.
Không nằm ở vùng sâu, vùng xa nhưng tình hình Trạm Y tế xã Phước Thuận (Ninh Phước) cũng tương tự. Mặc dù người dân địa phương có thể lựa chọn 3 cơ sở y tế để khám bệnh BHYT: Trạm y tế xã, Bệnh viện Giao thông vận tải 7 và Phòng khám Đa khoa Phú Nhuận, nhưng mỗi ngày trạm vẫn tiếp nhận không dưới 20 bệnh nhân đến khám và lấy thuốc. Anh Trượng Long, Trưởng trạm Y tế cho biết: Không chỉ khám, chữa bệnh, trạm còn thực hiện công tác y tế dự phòng với rất nhiều công việc: tiêm chủng, tuyên truyền dịch bệnh, theo dõi, giám sát dịch bệnh… trong khi đó nhân lực lại mỏng nên anh chị em làm việc hết sức vất vả.
Trách nhiệm nặng nề, tuy nhiên cơ sở vật chất, trang thiết bị và nhân lực tại các trạm y tế lại hết sức thiếu thốn, không đồng bộ nên chưa đáp ứng tốt nhu cầu chăm sóc sức khỏe Nhân dân từ cơ sở. Đơn cử như tại Trạm Y tế xã Ma Nới chỉ có 6 nhân viên y tế, trong đó có 1 bác sỹ, nhưng một lúc phải đảm nhận công việc tại trạm và 2 phân trạm khác. Chị Trần Thị Kim Dung, Trưởng trạm, cho biết: Hằng ngày anh chị em phải thay phiên nhau về làm việc tại các phân trạm, chủ yếu là công tác dự phòng. Chính vì vậy, mỗi ngày tại trạm chỉ có được 1 bác sỹ, 1 y sỹ hoặc nhân viên dược chịu trách nhiệm khám, chữa bệnh, phát thuốc cho bệnh nhân. Nhiều ngày bệnh nhân đông dẫn đến quá tải”. Ngoài ra, cơ sở vật chất xuống cấp, thiếu một số phòng chức năng như: phòng khám, phòng dược và phòng tiêm chủng… Một số trang thiết bị cần thiết khác như máy siêu âm, điện tim… cũng chưa được trang bị nên trạm chỉ khám, điều trị các bệnh thông thường. Những bệnh nhân có dấu hiệu bệnh nặng, lập tức được chuyển lên tuyến trên. Trong tháng 11, trạm đã chuyển lên tuyến trên hơn 20 bệnh nhân, trong đó có 8 sản phụ.
Còn tại trạm Y tế xã Phước Thuận, mặc dù nằm trong xã đạt chuẩn nông thôn mới, nhưng đến nay trạm vẫn chưa có bác sĩ. Do cơ sở vật chất xuống cấp nên phải mượn tạm 2 phòng học mẫu giáo bổ sung phòng làm việc. Điều đáng nói là mặc dù đã được trang bị máy siêu âm nhưng do không có bác sỹ chuyên môn nên chưa sử dụng được.
Không chỉ tại các trạm y tế vùng sâu, vùng xa, vùng nông thôn mà một số trạm y tế trên địa bàn Tp. Phan Rang- Tháp Chàm cũng cùng chung cảnh ngộ. Theo thống kê của ngành Y tế, hiện toàn tỉnh có 39 trạm y tế có bác sỹ làm việc, trong đó có 31 trạm có bác sỹ là người của trạm, còn lại được trung tâm y tế huyện, thành phố cử về làm việc luân phiên. Việc đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị được các cấp, các ngành quan tâm nhưng do khó khăn về nguồn kinh phí nên kết quả vẫn còn hạn chế. Bác sĩ Lê Minh Định, Giám đốc Sở Y tế, cho biết: Hơn 70% trạm y tế xã, phường hiện cần được xây mới và nâng cấp. Nhu cầu rất lớn nhưng năm 2015 chỉ có vài trạm được đầu tư xây mới, sửa chữa, chủ yếu là do UBND các huyện, thành phố tự trích từ ngân sách hoặc từ các nguồn hỗ trợ khác. Một số trạm được xây mới nhưng lại chưa được đầu tư trang thiết bị, một số trạm có trang thiết bị hiện đại như máy siêu âm, máy điện tim… nhưng chưa có bác sĩ được đào tạo để sử dụng…làm ảnh hưởng đến chất lượng khám, điều trị, đồng thời lãng phí kinh phí đầu tư.
Để nâng cao chất lượng hoạt động của hệ thống trạm y tế xã, phường, điểm mấu chốt là cần đầu tư đồng bộ cả nhân lực lẫn vật lực. Để thực hiện tốt điều này rất cần sự chung tay của các ngành, các cấp, nhất là vai trò của ngành Y tế trong công tác tham mưu, triển khai thực hiện tốt chính sách đào tạo, thu hút nhân tài, Đề án 1816 bổ sung bác sỹ có tay nghề cao về làm việc tại các trạm Y tế, nhất là các trạm Y tế vùng sâu, vùng xa. Bên cạnh đó, ngoài ngân sách Nhà nước, cần đẩy mạnh xã hội hóa, tranh thủ sự tài trợ của các tổ chức, cá nhân để có thêm nguồn lực xây dựng, nâng cấp cơ sở vật chất và đầu tư trang thiết bị, cải thiện điều kiện làm việc của cán bộ y tế cơ sở; người dân dễ dàng tiếp cận dịch vụ y tế có chất lượng… để đạt mục tiêu đến năm 2020: 70% trạm y tế xã, phường có bác sĩ; 90% xã, phường đạt chuẩn quốc gia về y tế; nâng cao hiệu quả hoạt động của các trạm y tế, góp phần nâng cao sự nghiệp chăm sóc sức khỏe ban đầu cho Nhân dân.
Uyên Thu